Xã hội

Dân có được ghi hình CSGT rồi đưa lên mạng?

17/03/2021, 14:00

Trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều video với nội dung “giám sát CSGT làm nhiệm vụ”, quay lại cảnh các tổ CSGT làm nhiệm vụ trên đường.

img

Đại tá Nguyễn Quang Nhật

Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều video với nội dung “giám sát CSGT làm nhiệm vụ”, quay lại cảnh các tổ CSGT làm nhiệm vụ trên đường. Trong đó, có không ít video ghi lại cảnh đôi co giữa người ghi hình và lực lượng CSGT. Báo Giao thông trao đổi với Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền và điều tra, giải quyết TNGT, Cục CSGT (Bộ Công an) để làm rõ hơn quy định về việc này.

Phát hiện CSGT vi phạm, gửi hình ảnh đến đâu?

Theo quy định thì người dân được phép giám sát, ghi hình CSGT làm nhiệm vụ. Vậy cụ thể khi giám sát, người dân sẽ phải đứng cách xa bao nhiêu mét đối với khu vực cảnh sát làm nhiệm vụ?

Thông tư 67/2019 của Bộ Công an về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, ATGT có hiệu lực từ ngày 15/1/2020, quy định có 5 hình thức giám sát của nhân dân đối với CSGT: Thông qua các thông tin công khai của CAND và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng; thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật; thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ; thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp.

Hiện tại lực lượng CSGT toàn quốc đã được trang bị những camera mini để trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các cán bộ chiến sĩ có thể gắn ở trên vai, trên ngực áo và trên mũ. Cục CSGT cũng trang bị camera gắn trên xe tuần tra nhằm ghi lại các vi phạm trên đường. Camera lắp trên xe ô tô, trên mũ và áo CSGT giúp minh bạch trong xử lý vi phạm, đồng thời giúp CSGT có bằng chứng nếu người vi phạm chống đối, trây ì, không hợp tác trong xử lý vi phạm.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật

Đây là lần đầu tiên Bộ Công an có quy định chi tiết về hình thức giám sát thứ năm, đó là thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp.

Thông tư 67 quy định người dân ghi âm, ghi hình CSGT làm nhiệm vụ phải bảo đảm các điều kiện: không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ; ngoài khu vực bảo đảm trật tự ATGT và tuân thủ các quy định pháp luật khác.

Khu vực bảo đảm trật tự ATGT là nơi được giới hạn bằng cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng để cán bộ, chiến sĩ thực thi nhiệm vụ.

Quá trình giám sát, nếu phát hiện vi phạm của CSGT, người dân gửi hình ảnh ghi được đến đâu?

Lực lượng CSGT sẵn sàng nhận phản ánh thông tin của người dân, thông qua đường dây nóng, qua các số điện thoại đã được niêm yết công khai, các cổng thông tin điện tử công an các tỉnh, thành phố, cổng thông tin điện tử của Cục CSGT, các Phòng CSGT…

Chúng tôi tiếp nhận mọi thông tin phản ánh của người dân, từ hoạt động của cán bộ, chiến sĩ CSGT cho đến tình hình TNGT, trật tự ATGT... Các thông tin này giúp ích rất nhiều cho công tác đảm bảo trật tự ATGT. Đó cũng là sự góp ý, đóng góp để lực lượng CSGT nắm bắt, nhìn nhận lại, sửa chữa nếu có những khuyết điểm, xử lý nếu có sai phạm.

Thông tư 67 đã có hiệu lực hơn một năm, thời gian qua, Cục CSGT có ghi nhận trường hợp nào giám sát CSGT làm nhiệm vụ nhưng lại giám sát chưa đúng quy định hay không?

Thời gian qua, có một số cá nhân đã thực hiện quyền giám sát CSGT nhưng lại xâm nhập vào khu vực bảo đảm trật tự ATGT để ghi hình. Khu vực này là nơi CSGT tiến hành xử lý và tuyên truyền, nhắc nhở các vi phạm ATGT, nên các hành vi như vậy là cố tình làm cản trở công việc của CSGT. Đây là hành vi vi phạm qui định pháp luật.

Thời gian qua, có một số người ghi hình CSGT làm nhiệm vụ rồi đưa lên mạng, việc này có vi phạm pháp luật hay không?

Ở đây nên tách biệt thành hai vấn đề. Thứ nhất, việc giám sát của người dân, phản ánh đúng quy định thì không có vấn đề gì. Còn việc đưa lên mạng xã hội thì tuỳ thuộc vào nội dung và việc này được các quy định pháp luật khác điều chỉnh.

Ví dụ, người nào đó quay chụp, ghi hình CSGT rồi đưa lên mạng xã hội để bôi nhọ, ảnh hưởng đến hình ảnh lực lượng CSGT, rồi có phản ánh không trung thực thì đó là hành vi vi phạm pháp luật.

"Người vi phạm thường không thừa nhận vi phạm"

img

Ngày 22/2/2021, một clip dài khoảng 50 phút được chia sẻ trên mạng xã hội, ghi lại cảnh một nhóm thanh niên cầm điện thoại quay phim tổ công tác Đội CSGT Phú Lâm, TP HCM và phát trực tiếp lên YouTube. Nhóm này liên tục lấy lý do đang giám sát CSGT làm việc nên được quyền quay phim, CSGT thì yêu cầu nhóm thanh niên ra ngoài khu vực cọc tiêu để làm nhiệm vụ (Ảnh cắt từ clip)

Tại một cuộc họp vào cuối năm 2020, lãnh đạo Cục CSGT cho biết, tình trạng chống đối CSGT diễn ra rất phức tạp. Từ đó đến nay tình hình ra sao? Theo ông thì đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này?

Hành vi chống CSGT thi hành công vụ đã và đang diễn ra, rất manh động. Gần đây nhất là vụ việc xảy ra ở huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc), hai thanh niên đã đâm thẳng xe máy vào lực lượng CSGT khi CSGT ra hiệu lệnh dừng xe.

Nguyên nhân của vấn đề này xuất phát từ nhiều phía, trong đó chủ yếu từ sự mất kiểm soát, manh động của một số người tham gia giao thông. Tâm lý của người vi phạm là thường không thừa nhận vi phạm của mình, luôn tìm cách để trốn tránh.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng cần phải nói rằng, vẫn còn một số cán bộ chiến sĩ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình có thái độ, tác phong tạo thêm bức xúc cho người điều khiển phương tiện.

Có ý kiến cho rằng, mọi vấn đề phát sinh giữa CSGT và người dân đều xuất phát từ văn hóa ứng xử, quan điểm của ông thế nào?

Không phải mọi mâu thuẫn, mọi trường hợp chống đối CSGT đều xuất phát từ văn hoá ứng xử, dù văn hoá ứng xử cũng hết sức quan trọng. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp CSGT mới ra tín hiệu dừng xe nhưng đã bị người vi phạm lao thẳng xe vào.

Đa phần khi tiếp xúc với người vi phạm, các cán bộ, chiến sĩ CSGT đều giải thích rất thuyết phục, thái độ cử chỉ văn hoá, văn minh để người vi phạm “tâm phục, khẩu phục”, nhận thức được vi phạm.

Tuy nhiên, tôi không phủ nhận trong quá trình làm việc, có những cán bộ, chiến sĩ có những hành động, cử chỉ chưa thuyết phục được người dân, dẫn đến người vi phạm vin vào đó và chưa ủng hộ, chưa đồng tình, thậm chí là chống đối.

Vậy việc tập huấn văn hóa ứng xử cho lực lượng CSGT đã được tiến hành thế nào để tạo sự chuyển biến, hạn chế việc người tham gia giao thông chống đối?

Chúng tôi thường xuyên tập huấn kỹ năng mềm cho CSGT, như khi dừng xe của người vi phạm, CSGT sẽ tiến hành chào người vi phạm, rồi sau đó thông báo lỗi vi phạm… Quá trình tiếp xúc, ứng xử với người dân, CSGT phải nở một nụ cười, chào hỏi để giảm đi căng thẳng, tạo sự thân thiện. Cần tạo môi trường thân thiện, văn minh giữa người thực thi nhiệm vụ và người dân.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.