Chính trị

Dân đã quá chán cán bộ chỉn chu

29/03/2016, 08:20

Dư luận đồng tình với các bước đi của Bí thư Đinh La Thăng vì họ quá chán cán bộ chỉn chu, trau chuốt

13
ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Lê Nam phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường sáng 28/3

Sáng 28/3, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIII của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nhiệm kỳ 2011-2016. Dường như, đây cũng chính là dịp để các ĐBQH “dốc bầu tâm sự” qua mỗi phần phát biểu của mình về tất cả những tâm tư, tình cảm dành cho Quốc hội trong suốt nhiệm kỳ 5 năm qua.

Dân cần những Bí thư “lăn” vào cuộc sống

Là một trong những ĐBQH chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá Lê Nam cho biết, bản thân ông cũng còn nhiều trăn trở, ưu tư trước khi rời nghị trường, bởi vẫn còn đó nhiều món nợ với cử tri. Trước hết, lý giải nguyên nhân vì sao thời gian qua nhân dân, dư luận theo dõi và đồng tình với các bước đi của tân Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng, ĐB Lê Nam cho rằng đó là vì nhân dân lúc này đã quá chán ngán với những cán bộ chỉn chu và trau chuốt với những ngôn từ như “tăng cường”, “đẩy mạnh”, “nâng cao”… Và dân đang khao khát việc đổi mới phương thức lãnh đạo. “Nhân dân cần những người Bí thư “lăn" vào cuộc sống, những Bí thư có đủ quyền hành nhưng cũng đủ những trách nhiệm ràng buộc, công khai và minh bạch để đảm bảo cho họ có thể thực hiện quyền điều hành, triển khai những sáng tạo của mình”, ông Lê Nam nói.

Dù báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội cho thấy đã làm được rất nhiều việc, nhưng ĐB Lê Nam băn khoăn liệu bức tranh tổng thể này có xung đột với hình ảnh một miền Tây Nam bộ với thời kỳ hoàng kim đang lùi dần vào dĩ vãng, một Tây Nguyên đang khô khát giữa tháng 3, một hệ thống chính trị cồng kềnh đến không chịu nổi với tham nhũng và quan liêu, nợ nần? ĐB đề nghị, những trăn trở, âu lo này cần được thể hiện đầy đủ hơn trong tổng kết nhiệm kỳ này mặc dù việc đó chỉ còn ý nghĩa để bàn giao lại cho khóa sau.

Mượn lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để chốt lại phần phát biểu của mình, ĐB Lê Nam chúc mỗi đại biểu Quốc hội khoá XIII luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc và “luôn là người tử tế”.

Đề cập đến những khó khăn đất nước đang phải đối mặt, ĐB Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) đề nghị Quốc hội và toàn thể bộ máy Nhà nước phải vận hành trơn tru, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn để ứng phó với tình hình. Ông Tâm cũng cho rằng, chúng ta có chủ trương rất hay, pháp luật rất đúng, nhưng người thực hiện năng lực yếu, đạo đức kém thì những lẽ hay, điều đúng ấy cũng khó có thể đi vào cuộc sống. Mặt khác, không tinh giản được biên chế, sẽ không thể tiến hành cải cách được chế độ tiền lương, dẫn tới khó có thể chống được tham nhũng, cửa quyền.

Làm sai không chịu trách nhiệm là nguyên nhân mọi yếu kém

Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa ghi nhận tất cả những thành tựu Quốc hội đạt được, tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề mà theo ông lẽ ra Quốc hội phải làm tốt hơn.

Dẫn chứng từ việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn, ông Nghĩa cho rằng việc này nhân dân chưa đồng thuận, thiếu kỳ vọng, bởi vì quy trình quá rối rắm: “Việc quy định 3 mức: Tín nhiệm cao/Tín nhiệm/Tín nhiệm thấp là cách làm chưa triệt để, còn lập lờ thì làm sao có cơ sở để cơ quan có thẩm quyền xem xét đánh giá cán bộ. Chỉ nên để 2 mức đánh giá rõ ràng: Tín nhiệm/Không tín nhiệm để tạo bước ngoặt đột phá nhằm nâng cao năng lực, vai trò trách nhiệm của người được lấy phiếu tín nhiệm”.

Đặt vấn đề về việc quy trách nhiệm, ông Nghĩa nói: “Vấn đề bức xúc nhất là không có ai chịu trách nhiệm. Do đó, tôi đề nghị Quốc hội cần có chế tài xử lý trách nhiệm những người đứng đầu cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Làm một luật đã khó, tốn kém tiền bạc của nhân dân nhưng nếu luật không đi vào cuộc sống, không có tính khả thi thì làm luật để làm gì?”.

Bà Trương Thị Huệ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cũng chỉ ra thực tế trong các phiên chất vấn có hàng nghìn câu hỏi về trách nhiệm, nhưng câu trả lời rõ ràng về trách nhiệm còn rất ít. Vậy nên những chuyện như biệt thự sai phép, dự án mọc lên trong rừng cấm; ký túc xá nghìn tỷ bỏ hoang… cứ kéo dài không dứt. Theo bà Huệ, việc cá nhân, tổ chức làm sai, quyền lực Nhà nước chưa được thực thi đầy đủ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến yếu kém.

7 nỗi lo, 3 mong ước

Ở một góc độ khác, qua nhiệm kỳ 5 năm qua, nữ ĐBQH đoàn TP HCM Võ Thị Dung đã đúc kết lại 7 nỗi lo và 3 mong ước của nhân dân cả nước. Theo đó, nỗi lo thứ nhất là về ngoại xâm, khi Trung Quốc đã ngang nhiên xâm chiếm biển, đảo của nước ta. Đảng và Nhà nước đã có chủ trương đấu tranh kiên quyết, kiên trì bằng biện pháp hoà bình nhưng Trung Quốc thì ngày càng lấn tới. Đó là nỗi lo lớn về đại sự quốc gia. Nỗi lo thứ hai là nội xâm. Quốc nạn tham nhũng lớn, nhỏ, tham nhũng vặt ngày càng gia tăng, ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người, làm cản trở sự đi lên của đất nước. Nỗi lo thứ ba là tình trạng suy thoái đạo đức xã hội. Đạo đức giả ngày càng lấn át đạo đức thật. Tính tham lam, ích kỷ, tệ dối trá, lừa đảo, cướp giật, giết người, mất an toàn thực phẩm và các tệ nạn xã hội khác… đang gây bất an cho nhân dân. Thứ tư là nỗi lo về tụt hậu kinh tế, chưa theo kịp sự phát triển của thế giới.

Thứ năm là nỗi lo về nợ công quá cao, ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của đất nước. Thứ sáu là lo văn hoá dân tộc đang bị mai một, xuống cấp trong xã hội. Nỗi lo thứ bẩy là thiếu kỷ luật, kỷ cương trong lãnh đạo, quản lý điều hành dẫn đến tuỳ tiện, buông lỏng.

Về 3 mong ước của nhân dân, ĐB Võ Thị Dung cho rằng nhân dân mong ước: bộ máy của Đảng, Nhà nước, Chính phủ phải thực sự tinh hoa, trí tuệ, thực sự tận tuỵ, liêm chính. Xã hội dân chủ, kỷ cương, an bình. Văn hoá dân tộc được duy trì và phát triển bền vững; đất nước được thanh bình, thịnh vượng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.