Giao thông

Dân đập nhà hiến “đất vàng” mở rộng hẻm

13/09/2019, 07:01

Từ nhiều năm qua, người dân quận 3, TP.HCM đã tự nguyện hiến gần 10.000m2, trị giá hàng trăm tỷ đồng để mở rộng hàng chục con hẻm.

img
Ông Võ Khắc Thái, Chủ tịch UBND quận 3, TP.HCM

Trong thời buổi “tấc đất, tấc vàng”, việc kêu gọi người dân hiến đất mở đường được xem là việc làm rất khó, nhất lại là đất tại trung tâm Sài Gòn. Thế nhưng, từ nhiều năm qua, người dân quận 3, TP.HCM đã tự nguyện hiến gần 10.000m2, trị giá hàng trăm tỷ đồng để mở rộng hàng chục con hẻm. Ông Võ Khắc Thái, Chủ tịch UBND quận 3 trao đổi với Báo Giao thông về cách thức vận động người dân để có được thành công này.

Ngồi quán cafe cả tháng để... nghe ngóng tâm tư

Tính đến nay, trên địa bàn quận, đã có hàng chục con hẻm được mở rộng từ diện tích đất mà người dân đã hiến, cho thấy việc dân vận của chính quyền rất hiệu quả. Phải chăng do chính quyền dân vận khéo, hay vì còn do yếu tố nào khác nữa?

Địa bàn quận 3 dân cư đông đúc. Do lịch sử để lại nên nhiều khu dân cư có rất nhiều hẻm nhỏ 1- 2m, chỉ có xe máy đi được. Nhiều khi xảy ra hỏa hoạn thì xe cứu hỏa không vào được. Nhà nào có người đau ốm phải cõng chạy ra đầu hẻm mới đưa được lên xe cấp cứu. Hẻm nhỏ, cũng không được nâng cấp, cứ mưa là ngập nên cuộc sống người dân rất khó khăn.

Bởi thế, chính quyền thì mong muốn nâng cấp đường để dễ quản lý hơn về an ninh trật tự. Người dân cũng mong muốn hẻm được mở rộng để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Hai yếu tố đó gặp nhau tạo nên sự đồng thuận cao khi chính quyền đi vận động.

Đó có phải là lý do mới đây quận đã phát động phong trào “Ngày hội nhân dân hiến đất mở rộng hẻm”, thưa ông?

Thực ra từ năm 2003, quận 3 đã bắt đầu thực hiện chương trình mở rộng hẻm. Tuy nhiên thời điểm đó việc thực hiện chưa được liên tục do nguồn kinh phí khó khăn. Các phường mạnh ai nấy làm nên sự lan tỏa không cao. Quận nhận thấy cần có sự tập trung, khảo sát chung trên địa bàn, đặt ra chỉ tiêu cho các phường thực hiện. Điều này đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa các phòng ban của quận với phường. Khi phường này làm được thì sẽ nhân rộng ra phường khác.

Từ năm 2015, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận đưa ra chỉ tiêu một phường mở rộng 2 hẻm trong nhiệm kỳ 2015 - 2020. Đến năm 2018 chúng tôi sơ kết giữa nhiệm kỳ thì thấy gần hoàn thành kế hoạch. Tức là đã mở rộng được 22/28 hẻm.

Đảng bộ quận đặt ra chỉ tiêu mới đến cuối nhiệm kỳ sẽ mở rộng 37 hẻm, tăng lên 9 hẻm so với ban đầu. Riêng trong năm 2019 này triển khai và hoàn thành mở rộng 12 hẻm.

Từ năm 2015 đến nay có 1.172 hộ dân tại hơn 30 hẻm đồng tình ủng hộ việc mở rộng hẻm. Người dân tự nguyện hiến khoảng 9.300m2, nếu quy ra thành tiền thì rất lớn, bởi giá trị đất quận 3 rất cao, có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng. Điều quan trọng nhất là khi dân đồng thuận thì mọi chuyện triển khai rất dễ.

Trước kia và hiện nay, ông có trực tiếp đi vận động người dân hiến đất mở rộng hẻm không?

Tôi đi hoài chứ. Nhiệm kỳ 2005 - 2010 tôi làm Bí thư phường 12. Lúc đó tôi trực tiếp xuống gặp người dân để vận động. Tôi còn nhớ lúc mở rộng hẻm 453KH, là hẻm đầu tiên phường 12 vận động mở rộng. Để làm được việc đó tôi phải ngồi uống cà phê đầu hẻm một tháng trời nghe ngóng ý kiến dân, coi cách nào vận động dân, vì lúc đó đã có ai chỉ cho cách để làm đâu. Khi nắm được tâm tư của người dân thì mình đi vận động người dân sẽ tin và đồng thuận. Mở rộng một hẻm chỉ 2 tháng là xong, nhưng đi vận động có khi 6 tháng người dân mới thuận.

Tôi còn vận động cả nhà thờ cũng hiến đất mở đường. Thời đó tôi dựa vào các linh mục chánh xứ rất nhiều, như linh mục chánh xứ Bùi Phát, Vườn Xoài cùng với tôi đi vận động dân. Có những hộ dân mình nói họ không đồng thuận, nhưng các linh mục phân tích là họ nghe. Năm đó tôi được quận tặng danh hiệu “Dân vận khéo”.

Kết quả nhiệm kỳ đó phường 12 mở rộng được 8 hẻm với sự đồng thuận rất cao của người dân. Đến nay phường 12 có trên 80% hẻm được mở rộng. Tôi đã lấy kinh nghiệm từ phường 12 để nhân rộng ra toàn quận 3.

Phải chỉ cho dân thấy được lợi ích

Chủ tịch HĐND TP HCM
Nguyễn Thị Lệ:

Hiến đất mở rộng hẻm là nghĩa cử cao đẹp

Về dự “Ngày hội nhân dân hiến đất mở rộng hẻm” ở quận 3 sáng 6/9, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP HCM bày tỏ lòng trân trọng trước nghĩa cử đẹp của người dân. Trong thời điểm “tấc đất, tấc vàng” như hiện nay, việc người dân chịu thiệt thòi để cùng Nhà nước tháo dỡ một phần nhà cửa để mở rộng hẻm là rất đáng trân trọng. Bà Lệ cũng ghi nhận cách làm của lãnh đạo chính quyền quận 3 đã rất sâu sát với dân, vận động được nhiều nhà dân ủng hộ chủ trương mở rộng hẻm. Đồng thời, việc phát động “Ngày hội nhân dân hiến đất mở hẻm” đã tạo nên hiệu ứng, từ đó sẽ lan tỏa phong trào hiến đất mở hẻm ra nhiều phường, quận khác.PV


Ông có cho rằng, lợi ích của việc mở rộng hẻm chắc chắn không chỉ dừng ở việc đảm bảo an ninh trật tự, thuận tiện trong đời sống sinh hoạt của người dân?

Trước đây, hẻm rộng 3m, chỉ có xe gắn máy mới đi được, giờ mở ra 6m thì cả 2 xe ô tô cũng vào được. Không chỉ giải quyết vấn đề giao thông mà còn nhiều chuyện như an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, chống ngập, ngầm hóa điện, viễn thông, tình nghĩa xóm giềng thắt chặt hơn. Mỗi dịp Tết bà con tự trang trí đường hẻm, thắp đèn sáng, vệ sinh sạch sẽ, còn tổ chức nấu bánh chưng, bánh tét ngay đầu hẻm, khiến không khí đón Tết vui vẻ, rộn ràng.

Hơn nữa cán bộ cấp quận, phường khi hòa mình vào với người dân để vận động cũng trưởng thành hơn. Đặc biệt là giá trị nhà đất của người dân sau khi mở rộng hẻm đều tăng lên ít nhất 3 lần. Điều đó khiến người dân thấy được những lợi ích thiết thực và đồng thuận.

Hiện nay rất nhiều người dân nhắn tin điện thoại cho tôi mong muốn hẻm nhà họ cũng được mở rộng. Đây là một điều rất tốt, chứng tỏ người dân rất mong muốn hẻm nhà mình được mở rộng, quan trọng là mình có biết cách để vận động để họ đồng thuận hay không.

Kinh nghiệm của ông sau những lần trực tiếp xuống với dân, vận động họ hiến đất là gì?

Nói vậy thôi chứ lúc đầu làm cũng không dễ vì “tấc đất, tấc vàng” mà. Không phải lúc nào vận động thì 100% người dân cũng đồng tình hết đâu. Kinh nghiệm của chúng tôi là nếu có 70% dân của hẻm đó đồng thuận là mình tiến hành. Trong quá trình vừa làm vừa tiếp tục vận động, hàng xóm láng giềng người ta thấy vậy cũng vận động thêm. Những nhà chưa đồng thuận họ thấy hàng xóm đập nhà hiến đất, dần dần họ cũng đồng thuận. Cũng có một số hẻm chỉ còn 2 nhà không đồng thuận, lại bị tắc ở đoạn đó, phải 2 năm sau mới vận động được hết.

Nói chung là phải làm cho người dân tin, dân hiểu, chỉ cho họ thấy được lợi ích của việc mở rộng hẻm. Nếu nhà trong hẻm nhỏ thì giá trị không cao, còn hẻm được mở rộng thì giá nhà tăng lên nhiều lần. Sau khi làm được một hẻm, mình lấy đó làm thực tiễn để chứng minh cho người dân ở hẻm khác thấy. Người dân mà thấy lợi ích là họ đồng thuận ngay.

Từ năm 2015 đến giờ triển khai được hơn 30 hẻm thì 100% người dân đồng tình với chủ trương của quận. Từ việc người dân đồng tình, bàn bạc rồi đi đến việc người dân tự nguyện hiến phần đất của họ để mình mở rộng hẻm. Giá trị của những phần đất mà họ hiến cao rất nhiều lần so với nguồn kinh phí Nhà nước bỏ ra để làm hẻm. Có những gia đình khi đập bỏ cổng nhà, một phần vách phía trước thì phải bỏ thêm hàng chục triệu đồng để cải tạo lại nhà, trong khi Nhà nước chỉ hỗ trợ vài triệu. Thế nhưng người dân vẫn chấp thuận.

Lắp camera, wifi miễn phí để quản lý

img
Người dân hẻm 62 Lý Chính Thắng, phường 8, quận 3 đang tháo dỡ một phần trước nhà để mở rộng hẻm từ 3m lên 6m

Trên địa bàn quận còn bao nhiêm hẻm cần mở rộng và thời gian tới, quận có kế hoạch, giải pháp gì để triển khai quyết liệt hơn nữa?

Nhiệm kỳ tới chúng tôi sẽ tính toán để có cách làm khác. Có thể chọn một, hai phường để mở rộng tất cả các hẻm trên phường hoàn chỉnh, sau đó nhân rộng ra các phường khác. Bởi trên địa bàn quận 3 có đến 700 hẻm nhỏ cần mở rộng, do đó cần có cách làm nào đó quyết liệt và hiệu quả hơn.

Sau khi hẻm được mở rộng, có nơi nào xảy ra việc lấn chiếm không, thưa ông?

Việc lấn chiếm để xây dựng kiên cố hiện nay là không có, nhưng có tình trạng người dân để chậu hoa, đồ dùng trước cửa nhà, hoặc những hộ kinh doanh ăn uống bày bàn ghế lấn chiếm khiến giao thông đi lại khó khăn. Chúng tôi sẽ lấy ý kiến người dân để ban hành quy chế quản lý các hẻm. Điều quan trọng là vận động, nhắc nhở người dân có ý thức giữ gìn chung.

Được biết, quận 3 sẽ lắp camera và wifi miễn phí tại các hẻm để quản lý địa bàn, ông có thể cho biết kế hoạch như thế nào?

Quận đang làm việc với Tập đoàn Viễn thông Việt Nam (VNPT) để từ đây đến cuối năm lắp đặt hơn 1.000 camera và 500 trạm phát sóng wifi miễn phí trên toàn địa bàn quận 3. Các camera sẽ được lắp đặt trên các tuyến đường, hẻm do quận quản lý. Phía VNPT đã khảo sát các vị trí để chuẩn bị khởi công thực hiện lắp đặt.

Đây là quận đầu tiên của thành phố thực hiện thí điểm việc này, thực hiện chủ trương xây dựng đô thị thông minh. Nguồn kinh phí do các phương bỏ ra, tầm vài tỷ đồng một phường tuy theo diện tích. Tại UBND quận sẽ thành lập Trung tâm giám sát về an ninh, trật tự, giao thông, trật tư xây dựng. Lúc đó việc tuyên truyền các chính sách đến người dân sẽ thuận lợi hơn, công tác quản lý địa bàn chặt chẽ hơn.

Cảm ơn ông!

Dân TP HCM hiến 2,2 triệu m2 đất làm đường

Có mặt tại hẻm 62 đường Lý Chính Thắng, phường 8, quận 3 sáng 11/9, chúng tôi ghi nhận không khí ở đây thật hối hả.

Hẻm 62 có chiều dài 38m từ đường Lý Chính Thắng thông ra đường Hoàng Sa dọc kênh Nhiêu Lộc. Thế nhưng, nhiều năm nay con hẻm nhỏ 2m nên chỉ có xe gắn máy đi được. Từ đầu đến cuối hẻm rất nhiều gia đình đang thuê thợ đập bỏ, tháo dỡ những vật cản trước nhà để mở rộng hẻm. Phần lớn diện tích mở rộng ra lấn vào các hộ gia đình từ 0,5m đến 1,3m. Nhiều nhà phải đập cổng, phá tường để làm lại cổng mới. Có những nhà trước đây xây dựng cả trụ ra sát đường nay cũng đập bỏ. Một số gia đình đã tự giác thi công trước đó nay đã hoàn thiện, mặt tiền nhà được ốp đá granit, mang một diện mạo hoàn toàn khác.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa (ở số nhà 62/117 Lý Chính Thắng) cho biết, nhà mình phải đập cửa nhà để lùi vào 1,3m nhưng cũng chấp thuận hiến đất mở rộng hẻm. Đối diện nhà ông, một gia đình khác cũng phải đập bỏ phần cửa bê tông cốt thép kiên cố để lùi vào. Đoạn hẻm sau này sẽ rộng ra 6m, xe ô tô có thể lưu thông hai chiều được. “Nhà tôi tiên phong mở rộng trước nên đã đập phần cửa bê tông rồi, đang tính làm bộ khung cửa sắt mới cho đẹp”, ông Hòa nói.

Còn bà Nguyễn Thị Đông (số nhà 62/233 Lý Chính Thắng) cũng cho biết, đang thuê thợ đến để tháo dỡ phần bê tông trước nhà để mở rộng hẻm ra thêm gần 1m. Theo bà Đông, việc mở rộng hẻm với nâng đường, ngầm hóa hệ thống điện sẽ làm cho hẻm 62 khang trang hơn, đẹp hơn, giá nhà chắc chắn tăng lên nên người dân ai cũng đồng tình.

Cách đó không xa, hẻm 114 Lý Chính Thắng cũng đang được người dân rầm rộ tháo dỡ để mở rộng. Ông Nguyễn Hải, một hộ dân ở đây cho biết lúc đầu chính quyền địa phương xuống vận động cũng có nhiều người phản đối. Bởi không chỉ là chuyện hiến đất, mà còn đập phá các vật kiến trúc, có nhà phải đập các trụ xây từ trước sẽ ảnh hưởng đến kết cấu nhà. Qua nhiều cuộc họp, chính quyền vận động, rồi người dân cũng vận động nhau. “Mỗi người hi sinh một chút thì cả khu phố có con hẻm khang trang, lợi ích đó là của chung chứ không riêng gì nhà nào”, ông Hải nói.

Ở quận 3, chủ trương mở rộng hẻm được thực hiện từ nhiều năm trước, tuy nhiên năm 2015 quận đã đưa vào Nghị quyết và giao về cho từng phường thực hiện. Kết quả là chỉ trong 4 năm đã có 30 hẻm được mở rộng.

Đến hẻm 547 đường Hoàng Sa, chắc chắn ai cũng thấy được chủ trương đúng đắn của việc mở hẻm. Ông Phan Hùng, một hộ dân ở đây cho biết, trước con hẻm này chỉ rộng 1,5m, nhờ chính quyền vận động, người dân đồng lòng nên đã mở rộng ra hơn 5m, giờ ô tô cũng chạy vào được. “Hẻm được mở rộng, điện ngầm hóa, cống thoát nước làm to hết ngập, có điện thắp sáng… tình hình an ninh trật tự tốt hơn trước rất nhiều”, ông Hùng chia sẻ.

Trước quận 3, quận Phú Nhuận là quận tiên phong trong phong trào mở rộng hẻm từ năm 1999. Trải qua 20 năm, cả hệ thống chính trị quận và người dân đều nỗ lực mở rộng, nâng cấp, cải tạo hẻm, mở hẻm thành đường… Chỉ trong 10 năm trở lại đây, quận Phú Nhuận đã mở rộng 74 hẻm với diện tích gần 14.465m2 đất do 3.103 hộ gia đình hiến.

Phong trào người dân hiến đất mở đường từng bước lan tỏa ra nhiều quận khác như Tân Bình, quận 9, 12, Tân Phú, thậm chí ngay cả trung tâm quận 1. Thống kê của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM cho thấy qua 15 năm tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc”, giai đoạn 2003-2018, người dân thành phố đã hiến hơn 2,2 triệu m2 đất để làm đường, giá trị đất theo giá Nhà nước thì ước tính người dân hiến trên 2.200 tỷ đồng.

Tư Doãn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.