Hạ tầng

Dân đồng thuận, phấn khởi giao đất làm cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

14/07/2022, 18:45

Dù mất đi một phần hoặc toàn bộ số đất của gia đình nhưng người dân vẫn phấn khởi với niềm tin tưởng quê hương mình ngày càng phát triển…

“Mong sao quê mình phát triển”

Ngày 14/7, Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang cho biết, đến nay toàn tỉnh đã kiểm đếm xong 1.209/1.209 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (đoạn qua Hậu Giang), sau khi nhận bàn giao cọc mốc GPMB đợt 1 và đợt 2 từ Ban QLDA Mỹ Thuận.

img

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đi khảo sát vị trí cao tốc giao với QL1.

Trong đó, tổng chiều dài khoảng 47,8/47,8 km, diện tích 259,57/259,57 ha; hoàn thành 100% công tác kiểm đếm, sớm hơn 3 tháng so với kế hoạch.

Hiện tỉnh cũng nhận bàn giao cọc mốc GPMB đợt 3 và đã triển khai đến người dân, tiến hành kiểm đếm.

Dự kiến hoàn thành kiểm đếm trước ngày 31/8 tới.

Hiện công tác GPMB đang được tỉnh triển khai quyết liệt, các địa phương đã tích cực vận động, tuyên truyền từ sớm để tạo sự đồng thuận cao trong dân.

Ông Trần Văn Cho ở ấp Long Hòa B, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp có khoảng 5.000 m2 đất trồng ấu, kết hợp với nuôi thủy sản. Mỗi năm đem về nguồn thu trên 100 triệu đồng.

Khi hay tin có tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đi qua phần đất của mình, ông Cho không khỏi bùi ngùi. Nhưng ngẫm lại, ông thấy vui bởi vùng quê sắp đón tuyến đường lớn đi qua.

Ông Cho bộc bạch: “Khi hay tin miếng ruộng của mình bị ảnh hưởng gần hết, tôi cũng buồn chứ! Nhưng nghĩ tới chuyện rồi đây sẽ có một con đường cao tốc đi qua vùng nông nghiệp này, tôi thấy vui nhiều hơn.

Hôm người ta vào cắm cọc giải phóng mặt bằng, tôi cũng hỏi thử và biết con đường này nối thẳng từ Cần Thơ về Hậu Giang rồi đi về Cà Mau, băng qua mấy tỉnh lận.

Mấy hôm nay, tôi cũng lân la dò hỏi tìm mua miếng đất nơi khác để canh tác. Giờ chỉ mong sao công tác bồi hoàn sớm và thỏa đáng để mình tái sản xuất, niềm vui được nhân đôi”.

Nông dân Huỳnh Văn Quang, ở xã Long Thạnh, cho biết thêm: “Không riêng tôi, nhiều hộ khác cũng vui mừng đón dự án. Tôi có phần đất bị ảnh hưởng bởi tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, lúc mấy chú ở địa phương vận động, tôi ủng hộ hết lòng.

Chỉ mong sao quê mình phát triển hơn, đường sá ngày càng mở mang, giao thương thuận tiện”.

img

Đoàn công tác của UBND tỉnh khảo sát thực địa một số vị trí đã cắm cọc giải phóng mặt bằng và các nút giao trên tuyến vào đầu tháng 5.

Sự đồng thuận cao của người dân đối với dự án đã thúc đẩy tiến độ GPMB trong thời gian qua được thuận lợi, nhanh chóng.

Ngoài việc tích cực GPMB, 4 huyện có tuyến đi qua là Châu Thành, Vị Thủy, Phụng Hiệp và Long Mỹ cũng đang quản lý chặt chẽ đoạn tuyến, tránh tình trạng xây dựng chờ GPMB.

Gỡ khó, đảm bảo đúng tiến độ

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025, đoạn Cần Thơ - Cà Mau, đi qua tỉnh Hậu Giang có chiều dài khoảng 110,93 km, gồm 2 dự án thành phần.

Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang có chiều dài 37,65 km, gồm TP Cần Thơ, huyện Châu Thành, Phụng Hiệp, xã Vĩnh Tường và một phần xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy.

Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau có chiều dài 73,28 km, gồm một phần xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, huyện Long Mỹ và các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau.

img

Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Hậu Giang đang kết hợp với các địa phương khẩn trương kiểm đếm, đo đạc thu hồi đất để đảm bảo yêu cầu tiến độ giải phóng mặt bằng dự án.

Tổng đoạn đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang có chiều dài khoảng 63,6 km, chiếm gần 57,33% chiều dài toàn dự án; diện tích đất bị thu hồi khoảng 445,43ha (Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang diện tích là 226,34 ha. Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau diện tích là 219,09 ha) qua địa bàn 16 xã, thị trấn thuộc 4 huyện.

Hiện nay Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, các huyện đang làm việc với các xã, thị trấn để xác nhận thông tin pháp lý đối với các hồ sơ đã kiểm đếm.

Ông Lê Quốc Việt, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang cho biết: "Tổng diện tích đất thu hồi trên địa bàn tỉnh Hậu Giang rất lớn, khoảng 445,43 ha, trong đó có 4 nút giao tại vị trí các trục đường quốc lộ, tỉnh lộ với số hộ phải di dời, tái định cư rất lớn".

Do đó, tỉnh Hậu Giang đã thống nhất chủ trương quy hoạch và đầu tư xây dựng 4 khu tái định cư có tổng diện tích là 13,1ha với tổng kinh phí đầu tư khoảng 246 tỷ đồng, gồm: Khu tái định cư tại thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành diện tích khoảng 2,1 ha, tổng kinh phí đầu tư 55 tỷ đồng.

Khu tái định cư tại xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp diện tích khoảng 5 ha; tổng kinh phí đầu tư 102 tỷ đồng.

Khu tái định cư tại thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy diện tích khoảng 3,6ha; tổng kinh phí đầu tư 53 tỷ đồng và Khu tái định cư tại thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ diện tích khoảng 2,4 ha; tổng kinh phí đầu tư 36 tỷ đồng.

img

Công tác GPMB đang được tỉnh Hậu Giang triển khai quyết liệt.

Hiện còn một số hộ dân có nhà, công trình bị ảnh hưởng một phần, người dân yêu cầu bồi thường hết diện tích.

Đồng thời có một số trường hợp nhà ở chính bị ảnh hưởng hết diện tích nhưng còn một số công trình phụ phục vụ sinh hoạt, và người dân yêu cầu được bồi thường hết để di dời đến khu tái định cư.

Bên cạnh đó, một số hộ có nhà dạng biệt thự, kết cấu kiên cố và phức tạp hơn kết cấu trong bảng đơn giá bồi thường, người dân yêu cầu được lập hồ sơ xác định lại giá trị cho phù hợp.

Về vấn đề này, sẽ giao UBND các huyện xem xét quyết định việc bồi thường hết diện tích, bồi thường các công trình phục vụ sinh hoạt còn lại ngoài ranh giải phóng mặt bằng, thuê tư vấn lập dự toán xác định giá trị công trình.

Trường hợp vướng mắc, phức tạp báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định.

Đối với các vướng mắc trên, Sở TN&MT đề xuất các ngành chức năng ưu tiên giải quyết trước ngày 20/7/2022 để tiến hành áp giá, niêm yết công khai theo kế hoạch, rút ngắn thời gian.

Dự kiến hoàn thành công tác kiểm đếm, sau khi bàn giao cọc mốc GPMB đợt 3 trước ngày 31/8.

Trong đó, tỉnh Hậu Giang sẽ ưu tiên kiểm đếm trước khoảng 100 ha trong tháng 7/2022 để lập phương án bồi thường, phê duyệt, chi trả và bàn giao mặt bằng trên 70% trước ngày 20/10 với diện tích khoảng 350 ha.

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025, đoạn Cần Thơ - Cà Mau, dự kiến được khởi công vào tháng 11/2022 tới.

Vừa qua, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT) đã bàn giao cọc mốc GPMB đợt 3 cho các địa phương có dự án đi qua.

Cụ thể, từ ngày 27-30/6, Ban đã tổ chức bàn giao cọc mốc GPMB cho tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang và TP Cần Thơ với chiều 21km.

Trong đó, bàn giao thêm tỉnh Cà Mau phạm vi các nút giao IC10, IC11, IC12; tỉnh Kiên Giang nút giao IC9; tỉnh Hậu Giang nút giao IC3, IC4, IC5 và phân đoạn từ Km 47 - Km 49 đi qua địa bàn huyện Vị Thủy; TP Cần Thơ nút giao IC2 và 6km tuyến nối.

Tính đến nay, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã bàn giao mốc GPMB đạt 100% toàn tuyến dự án đoạn Cần Thơ - Cà Mau.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.