Giao thông

Dân đồng thuận xây Cảng Hàng không quốc tế Long Thành

02/10/2014, 15:10

Khảo sát lấy phiếu thăm dò người dân Đồng Nai nơi có dự án đi qua cho thấy, gần như 100% hộ dân đồng tình, chấp nhận bàn giao mặt bằng xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khảo sát địa điểm xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành tại xã Lộc Sơn, huyện Long Thành, Đồng Nai ngày 14/3/2014 Ảnh: Vĩnh Phú
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khảo sát địa điểm xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành tại xã Lộc Sơn, huyện Long Thành, Đồng Nai ngày 14/3/2014


CHK tầm cỡ đủ sức cạnh tranh


Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh khẳng định, việc nhanh chóng xây dựng CHK quốc tế Long Thành là rất cấp thiết để hình thành và phát triển một cảng hàng không trung chuyển quốc tế có quy mô tầm cỡ đủ sức cạnh tranh trong khu vực nhằm phục vụ chiến lược phát triển vận tải hàng không VN.


“Chính từ sự cần thiết này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch CHK quốc tế Long Thành với công suất mỗi năm tiếp nhận khoảng 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa”, ông Thanh nói.


“Hiện tại, các quốc gia trong khu vực đã lần lượt quy hoạch và đưa vào khai thác các CHK quốc tế lớn có công suất từ 100 triệu hành khách/năm trở lên đóng vai trò trung chuyển trong khu vực, thu hút các hãng hàng không và hành khách, tạo đà phát triển kinh tế như CHK quốc tế Suvarnabhumi - Thái Lan (quy hoạch 100 triệu hành khách/năm), Kuala Lumpur - Malaysia (quy hoạch 100 triệu hành khách/năm), Changi - Singapore (quy hoạch 135 triệu hành khách/năm)”, ông Thanh bổ sung.


Theo Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ GTVT) Trần Minh Phương, dự kiến đến năm 2016 - 2017, CHK quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ đạt công suất thiết kế tối đa là 25 triệu hành khách/năm và trở nên quá tải vào những năm sau đó. Đến năm 2025, sản lượng hành khách của CHK quốc tế Tân Sơn Nhất có thể đạt tới 40,4 triệu hành khách/năm; đến năm 2030 đạt 53,4 triệu hành khách. Vì thế, việc phải nhanh chóng đầu tư xây mới một CHK nhằm đáp ứng nhu cầu của hành khách sau khi CHK quốc tế Tân Sơn Nhất quá tải là hết sức cần thiết.


Câu hỏi đặt ra là tại sao không mở rộng CHK Tân Sơn Nhất hoặc cải tạo sân bay quân sự Biên Hoà hay sử dụng các CHK khác để hỗ trợ CHK Tân Sơn Nhất thay vì xây mới CHK Long Thành? Ông Phương lý giải, khoản tiền phải bỏ ra để xây dựng thêm một đường hạ cất cánh, một nhà ga hành khách công suất 20 triệu hành khách tại Tân Sơn Nhất ước khoảng 9,1 tỷ USD, cao hơn nhiều so với con số 7,8 tỷ USD để phát triển CHK ở Long Thành. Tương tự, chi phí đầu tư, cải tạo sân bay Biên Hoà cũng vào khoảng 7,5 tỷ USD.


Đáng nói hơn, việc mở rộng CHK quốc tế Tân Sơn Nhất cũng không đáp ứng được chiến lược phát triển một CHK quốc tế có vai trò trung chuyển với công suất 100 triệu hành khách/năm.


Đó là chưa nói đến việc tiếp tục nâng cao công suất khai thác sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường dân sinh của khu vực trung tâm TP HCM như: Gây ô nhiễm tiếng ồn, khí thải vượt xa tiêu chuẩn cho phép, không đáp ứng được các tiêu chuẩn của ICAO về phát triển bền vững, an toàn hàng không...

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã sẵn sàng


Theo dự thảo Tờ trình Quốc hội về báo cáo đầu tư dự án xây dựng CHK quốc tế Long Thành, dự án chia thành ba giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 sẽ đầu tư nhà ga hành khách công suất 25 triệu khách/năm. Trong đó, giai đoạn 1a sẽ xây dựng nhà ga chính có một nhánh trung tâm, một đường cất hạ cánh đáp ứng lượng hành khách 17 triệu khách/năm, mở cửa vào năm 2023. Giai đoạn 1b, xây dựng hai nhánh còn lại của nhà ga chính trung tâm và đường cất hạ cánh thứ hai, mở cửa vào năm 2025.


Trong giai đoạn 2, sẽ đầu tư xây dựng nhà ga hành khách công suất 50 triệu khách/năm, thêm một đường cất hạ cánh, mở cửa vào năm 2030. Tới giai đoạn sau cùng, sẽ xây dựng nhà ga hành khách đạt công suất 100 triệu khách/năm, 4 đường cất hạ cánh.

Theo tờ trình của Bộ GTVT, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của Dự án CHK quốc tế Long Thành khoảng 7,837 tỷ USD, tương đương 164.589 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước khoảng hơn 84,6 nghìn tỷ đồng, còn lại sẽ huy động vốn liên doanh, cổ phần, hợp tác công tư...

“Việc phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 của Dự án thành các giai đoạn 1a và 1b ở thời điểm hiện nay là cần thiết nhằm rút ngắn thời hạn đưa công trình vào khai thác, đáp ứng nhu cầu vận chuyển trong từng giai đoạn, qua đó nâng cao hiệu quả đầu tư. Việc làm này cũng để giảm áp lực vốn đầu tư trong tình hình khó khăn về vốn thông qua việc giảm chi phí xây dựng ban đầu đồng thời kết hợp khai thác, tận dụng được cơ sở hạ tầng sẵn có tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất”, Cục trưởng Lại Xuân Thanh nói.

Hiện nay, cũng đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và bày tỏ sẵn sàng hợp tác đầu tư vào các hạng mục của dự án dưới nhiều hình thức khác nhau như PPP, BOT… Trong đó có nhiều tập đoàn lớn như: ADPi của Pháp, Samsung, Công ty cảng Hàng không Incheon của Hàn Quốc, các tập đoàn của Nhật Bản…


Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định “vốn đầu tư cho dự án sẽ gắn với các hạng mục cụ thể, theo nguyên tắc Nhà nước chỉ đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư phần kết cấu hạ tầng không có khả năng thu hồi vốn; khuyến khích đầu tư vào các hạng mục thành phần dịch vụ khai thác, có khả năng thu hồi vốn đầu tư”.

Đồng Nai đã sẵn sàng triển khai dự án lớn


Ông Trần Văn Vĩnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, khảo sát lấy phiếu thăm dò người dân nơi có dự án đi qua cho thấy, gần như 100% các hộ dân đều đồng tình, chấp nhận bàn giao mặt bằng xây dựng CHK quốc tế Long Thành.


Cũng theo ông Vĩnh, về công tác tái định cư UBND tỉnh đã có nhiều bước chuẩn bị cần thiết sẵn sàng cho việc triển khai dự án. Đối với công tác GPMB, do dự án sẽ phải giải tỏa hàng nghìn hộ dân để lấy mặt bằng xây sân bay, tỉnh đã có quy hoạch các khu tái định cư khi dự án được triển khai. Ngoài ra, tỉnh sẽ gấp rút đào tạo nghề cho lao động nhằm phát huy hiệu quả khi dự án được đưa vào khai thác.


Vấn đề duy nhất mà ông Vĩnh băn khoăn là chủ trương xây dựng CHK quốc tế Long Thành đã có từ rất lâu nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai.


“Để chuẩn bị xây dựng CHK quốc tế này, tỉnh Đồng Nai đã có những bước chuẩn bị cần thiết nếu dự án để lâu không triển khai dễ dẫn đến việc người dân thắc mắc. Bởi nơi quy hoạch dự án CHK nằm trong phạm vi đất nông nghiệp nên người dân không thể trồng cây công nghiệp, nông nghiệp lâu năm. Ngoài ra, nếu dự án bị “treo” quá lâu cũng sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút vốn của các nhà đầu tư…”, ông Vĩnh nói.

Thanh Bình - Vĩnh Phú

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.