Hồ sơ tài liệu

Dân EU ngán ngẩm với “chúa chổm” Hy Lạp

23/04/2015, 06:32

Khủng hoảng nợ của Hy Lạp đang đi vào giai đoạn cuối khi chính quyền trung ương không còn tiền để thanh toán.

111

Khủng hoảng đã khiến sức mua của người dân Hy Lạp giảm

Vay tiền đầu tư chứng khoán

Hôm qua, các thị trưởng Hy Lạp đồng loạt lên tiếng phản đối sắc lệnh của chính quyền trung ương khi yêu cầu họ “nộp” toàn bộ lượng tiền mặt dự trữ cho Ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, sắc lệnh này cần được Quốc hội thông qua mới có hiệu lực. Số tiền huy động sẽ được chuyển vào một tài khoản đặc biệt với lãi suất 2,5% và có thể được đầu tư vào chứng khoán.

Ông Giorgos Patoulis, người đứng đầu Liên minh các đô thị trung ương của Hy Lạp tuyên bố: việc nhà nước quản lý nguồn quỹ địa phương là không công bằng và không thể chấp nhận được. Chủ tịch Liên minh các thống đốc Hy Lạp, ông Kostas Agorastos cũng cho rằng, sắc lệnh mới của Chính phủ có thể làm đình trệ các công trình đang xây dựng như giao thông, bệnh viện và trường học. Không những thế điều này còn gây nên tình trạng hỗn loạn tài chính.

Dù vậy, Thứ trưởng tài chính Hy Lạp Mardas vẫn cho rằng, đây chỉ là vay ngắn hạn và sẽ hoàn trả trong vòng 20 ngày. Hiện, nước này đang nỗ lực đàm phán với các chủ nợ: Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để được giải ngân 7,2 tỷ euro (7,8 tỷ USD) trong chương trình cứu trợ 240 tỷ euro.

Động thái nói trên khiến gia tăng lo ngại Hy Lạp sắp vỡ nợ và có thể ra khỏi Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Trước mắt, Hy Lạp cần phải thanh toán 1,1 tỷ euro tiền lương, 850 tỷ euro bảo hiểm xã hội, 200 triệu euro lãi suất nợ và 12,7 tỷ euro trả nợ cho Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vào ngày 12/5.

Đòi trục xuất

Ngày mai 24/4, các bộ trưởng tài chính Eurozone sẽ nhóm họp tại thủ đô Riga, Latvia, để bàn về vấn đề cứu trợ Hy Lạp. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, khó có thể đạt được thỏa thuận.

Hai ngày trước, tại cuộc họp giữa IMF và WB, lãnh đạo tài chính khối G20 bày tỏ lo ngại về vấn đề Hy Lạp. Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew, nếu thỏa thuận không đạt được, Hy Lạp sẽ lập tức gặp khó khăn và bất ổn sẽ đè nặng lên châu Âu và nền kinh tế toàn cầu nói chung.

Cả bà Lagarde, Tổng giám đốc IMF và ông Draghi, Chủ tịch ECB đều cho rằng, Hy Lạp vẫn đang che giấu thông tin, chưa đưa ra đủ thông tin về những tác động đối với tình hình tài chính mà đề xuất cải cách kinh tế của Chính phủ nước này có thể gây ra.

Còn Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo: “Hạn chót là cuối tháng bốn phải đạt thỏa thuận, không còn thời gian để mà lãng phí nữa”. Nhiều chính trị gia và nghị sĩ Đức đang yêu cầu bà Merkel gây sức ép, thậm chí trục xuất Hy Lạp khỏi Eurozone. Hiện có đến 70% dân Đức muốn “đuổi cổ” Hy Lạp khỏi eurozone, nhất là từ khi Hy Lạp đòi Đức phải bồi thường 278 tỷ euro từ thời Thế chiến II. Ngoài ra, dân chúng Pháp, Hà Lan cũng bắt đầu muốn điều tương tự, thậm chí là muốn Hy Lạp rời luôn khỏi EU. Các nhà phân tích nhận định: Vấn đề Hy Lạp đã kéo dài hơn 6 năm qua, đã thành trở ngại cho những cải cách của EU. Những tác động của việc nước này rời đi (nếu có) vẫn có thể kiểm soát được bởi EU đã thiết lập được các cơ chế pháp lý cũng như tài chính chặt chẽ trong hai năm qua.

Đến nay, chính quyền Hy Lạp vẫn chưa đưa ra được chương trình cải cách kinh tế theo yêu cầu của các chủ nợ quốc tế.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.