Xã hội

Dân hoang mang vì “loạn” thông tin ô nhiễm không khí

04/10/2019, 06:33

Các thông tin về chỉ số ô nhiễm ở Hà Nội không đồng nhất khiến người dân hoang mang.

img
GS. TS. Hoàng Xuân Cơ

Nhiều ý kiến cho rằng ô nhiễm không khí tăng cao thường xảy ra vào thời điểm giao mùa các năm, tức là có tính quy luật, nhưng các cơ quan chức năng lại chưa có giải pháp ứng phó và khuyến cáo sớm để người dân chủ động phòng tránh. Trong khi đó, các thông tin về chỉ số ô nhiễm không đồng nhất cũng khiến người dân hoang mang. Báo Giao thông trao đổi với GS. TS. Hoàng Xuân Cơ, Giảng viên cao cấp Khoa Khoa học môi trường và bảo vệ môi trường, Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) để làm rõ hơn vấn đề này.

Vì sao có sự chênh lệch chỉ số ô nhiễm?

Thưa GS, là một người nhiều năm nghiên cứu môi trường không khí, theo ông, đợt ô nhiễm kéo dài tại Hà Nội vừa qua có gì bất thường?

Phải thừa nhận, thời gian qua, chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở Hà Nội được dư luận những ngày vừa qua nhắc nhiều, chứng tỏ nhận thức về môi trường, chất lượng không khí trong dân chúng đã được cải thiện. Tuy nhiên, khái niệm AQI là gì có lẽ người dân chưa được am hiểu tường tận nên mới dẫn tới thái độ hoang mang, phản ứng cực đoan, bức xúc trước những thông số này. Riêng với các nhà nghiên cứu như tôi, đợt ô nhiễm không khí vừa qua tại Hà Nội không phải bất thường và nó từng diễn ra nhiều lần. Đặc biệt dịp thời tiết chuyển mùa, xuất hiện hiện tượng nghịch nhiệt, đảo nhiệt, không thuận lợi cho việc vận chuyển và phát tán chất ô nhiễm đi xa. Khi đó, các chất ô nhiễm chỉ luẩn quẩn ở tầng không khí thấp, làm gia tăng ô nhiễm, cộng với tình trạng đốt rơm rạ của nông dân vùng ngoại thành nữa thì ô nhiễm còn trầm trọng hơn.

Chỉ số AQI là một chỉ số tổng hợp đại diện cho nồng độ của một nhóm các chất ô nhiễm cơ bản trong không khí xung quanh. Trong đó, giá trị AQI được tính dựa trên kết quả quan trắc các thông số SO2, CO, PM10, PM2.5… tại các trạm quan trắc tự động, cố định liên tục. AQI của từng thông số được xác định bằng tỷ lệ giữa giá trị quan trắc được của thông số đó với giá trị quy chuẩn cho phép tính theo phần trăm. Giá trị AQI tổng hợp là giá trị cao nhất trong các giá trị AQI của từng thông số và được đánh giá theo 5 thang (5-50; 51-100; 101-200; 201-300) tương ứng với 5 mức chất lượng không khí là tốt, trung bình, kém, xấu và nguy hại.


Chỉ số AQI hiện nay được cập nhật theo giờ, tùy thuộc vào địa điểm đặt các trạm đo, hay thiết bị cảm biến. Do đó, AQI liên tục thay đổi, chỉ mang tính khuyến cáo cho người dân biết cách ứng phó ở những thời điểm, thời gian nhất định chứ không thể được dùng để đánh giá chất lượng không khí cho một khu vực nào cả. Để đánh giá chính xác chất lượng không khí của cả thành phố, không thể chỉ dựa vào một con số. Chúng ta phải so sánh số liệu từ nhiều trạm, mỗi trạm lấy nhiều lần từ các thời điểm khác nhau trong ngày mới cho ra cách nhìn chuẩn xác. Trong trường hợp AQI xuất hiện chỉ số ở mức xấu liên tục thì cần phải được cảnh báo bởi đây là yếu tố gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.

Thời gian vừa qua, việc chênh lệch giữa các chỉ số AQI trên trang web Air Visual với kênh thông tin trong nước như moitruongthudo.vn hay Pamair cũng gây tranh cãi, dẫn tới nhiều khi người dân bị nhiễu loạn thông tin. Ông lý giải sao về hiện tượng này?

Tôi nói lại AQI chỉ mang tính cảnh báo là chính chứ không phải đánh giá chất lượng không khí của một khu vực. Nếu chỉ nhìn vào một con số AQI tại một điểm mà “phán” là rất phiến diện.

Airvisual thực chất là một ứng dụng của một công ty Thụy Sĩ có trụ sở ở Trung Quốc, chứ không phải của tổ chức quan trắc quốc tế như nhiều người vẫn đang hiểu nhầm. Đây là một kênh thông tin, qua đó chúng ta có thể nắm được chỉ số chất lượng không khí của rất nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, ứng dụng Air Visual có thông tin từ rất nhiều nguồn, có cả nguồn chính thống từ các trạm quan trắc tự động của Nhà nước, nhưng cũng có nguồn cá nhân chưa được kiểm chứng. Nếu như dựa vào số liệu mà Air Visual công bố, nhiều nơi trên thế giới còn khủng khiếp hơn Việt Nam nhiều, chẳng hạn như Mỹ hay Thổ Nhĩ Kỳ nhiều khi chỉ số AQI ở mức 999!

Nói về chỉ số AQI, mỗi nước lại áp dụng một cách tính khác nhau nên giữa các ứng dụng thông tin chất lượng không khí thường xuyên có sự chênh lệch. Ngày nay, với sự phát triển công nghệ, người dân dễ dàng tiếp cận nhiều kênh thông tin. Tuy nhiên, việc đánh giá mức độ chuẩn xác tới đâu thì còn phải tùy thuộc vào trình độ hiểu biết, cách thức tra cứu, ứng dụng thông tin của mỗi người. Muốn hay không thì nguồn thông tin chính thống từ các trạm quan trắc của cơ quan Nhà nước vẫn đáng tin cậy. Bởi lẽ, tất cả các thiết bị đều đã được kiểm chuẩn và cơ quan Nhà nước phải chịu trách nhiệm với tất cả thông tin họ đưa ra.

Nhưng phải sau gần 3 tuần ô nhiễm không khí kéo dài, nhiều ngày chất lượng không khí đã suy giảm tới ngưỡng kém và xấu, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, cơ quan chức năng mới lên tiếng cảnh báo. Quan điểm của ông thế nào?

Nhìn từ sự cố vụ cháy Công ty Rạng Đông cho thấy, rõ ràng cơ quan quản lý lĩnh vực môi trường đang có sự lúng túng trong hành động, phản ứng của mình. Sự lúng túng này có lẽ xuất phát từ cơ chế pháp lý khi việc quy trách nhiệm chưa rõ ràng. Đồng thời, xét khách quan về cơ sở khoa học, nguồn lực thì Việt Nam tới nay vẫn chưa thể dự báo về chất lượng không khí. Trước bối cảnh hiện nay, đã tới lúc Việt Nam cần xây dựng dự báo hạn ngắn chất lượng không khí trong 3 ngày. Tuy nhiên, làm được hay không thì còn tùy thuộc vào quyết tâm của lãnh đạo Bộ TN&MT.

Người dân vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm!

img
Đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội) thường xuyên chịu cảnh ùn tắc và khói bụi mù mịt do đang trong quá trình thi công dự án mở rộng đường Vành đai 3 trên cao (Chụp chiều 28/9). Ảnh: Tạ Hải

Theo ông, trước tình trạng ô nhiễm không khí như hiện nay, chính quyền và người dân cần có thái độ ứng xử ra sao?

Có một điều đáng buồn, thay vì đối mặt, chung tay hành động giải quyết thì ở Việt Nam, đứng trước một sự cố, người ta lại quay ra nghi ngại, đổ lỗi cho ai đó…

Cụ thể, khi môi trường không khí bị ô nhiễm, tại sao người dân không bình tĩnh, phân tích tìm hiểu thông tin, liệu đã từng xảy ra từ trước tới nay hay không…để từ đó chuẩn bị cho mình những kiến thức, kỹ năng ứng phó cho phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện sống?

Còn phía cơ quan Nhà nước cũng phải cập nhật thông tin thường xuyên, cảnh báo sớm cho người dân chủ động phòng ngừa; đồng thời tập trung mọi nguồn lực, giải pháp giảm thiểu ô nhiễm.

Phải khẳng định trong quá trình phát triển đất nước chắc chắn có những đánh đổi nhất định. Chúng ta đừng nghĩ cứ tận hưởng sung sướng mà không phải chịu hậu quả nào. Có điều cần phải xem liệu việc đánh đổi ấy có đáng hay không và làm thế nào để giảm bớt thiệt hại.

Tại những nước phát triển, họ từng phải trải qua những sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng gây chết nhiều người từng xảy ra ở Anh, Mỹ, Nhật… Việt Nam là nước đi sau, những hệ quả đánh đổi phải được tính toán ngay ở khâu lập quy hoạch cho mỗi giai đoạn phát triển.

Thực tế, thời gian qua, chính sách Nhà nước cũng đã có cố gắng rất lớn trong việc nâng cao chất lượng môi trường như: Kiểm soát các nhà máy phát thải ô nhiễm không khí nhiều như xi măng, nhiệt điện không cho các nhà máy này xây dựng trong thành phố lớn; xóa bỏ xăng pha chì; nâng tiêu chuẩn nhiên liệu từ Euro2 lên Euro4… Thế nhưng, công trình xây dựng thi nhau mọc lên, lượng phương tiện cá nhân tăng lên, lượng tiêu thụ điện, xăng cũng cứ tăng đều… Phát thải ô nhiễm từ đó mà ra chứ đâu?

Người dân là nạn nhân của ô nhiễm không khí nhưng cũng chính là thủ phạm gây ra ô nhiễm không khí. Đừng chỉ biết kêu than, cực đoan hóa, ngay từ lúc này mỗi người hãy thay đổi nhận thức và hành vi của mình để môi trường được cải thiện. Công việc đơn giản nhất mà ai cũng có thể làm được đó là tiết kiệm, sống thân thiện với môi trường.

Có rất nhiều nguyên nhân ô nhiễm được nêu ra, song chưa hề thấy cơ quan nhắc tới câu chuyện quy hoạch đô thị bị phá vỡ. Phải chăng đây là vấn đề mấu chốt dẫn tới chất lượng môi trường sống bị suy giảm?

Đúng thế, nhiều người vẫn nói ở nước ta, quy hoạch có vẻ rầm rộ nhưng điều chỉnh quy hoạch lại chỉ một nhóm người làm vì lợi ích nhóm nên việc phá vỡ quy hoạch không còn là điều xa lạ. Vấn đề này nằm ở tầm vĩ mô, một cá nhân như tôi khó có thể nói hết được.

Chỉ xin kể lại câu chuyện sau: Năm 2010, khi biết tôi tham gia dự án đánh giá chiến lược môi trường phục vụ Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 của Hà Nội, một chuyên gia Đức đặt câu hỏi rằng lập quy hoạch có tốn tiền không? Tôi trả lời khoảng vài tỷ đồng, dù biết con số thực còn ít hơn. Vị chuyên gia tỏ vẻ ngạc nhiên lắm và hỏi tiếp: “Thế cơ sở dữ liệu của các ông như thế nào?”. Tới đây thì tôi đành lắc đầu không biết.

Theo lời vị chuyên gia ấy, một bản quy hoạch tối thiểu phải cung cấp tính toán chi tiết được những dữ liệu cơ bản từ địa chất tới dân số, phương tiện giao thông, đường sá, cây xanh… Tùy theo quy mô diện tích quy hoạch để chia ô từng vùng, nhấp chuột vào ô nào tất cả dữ liệu trên phải hiện lên. “Tôi thấy Việt Nam và một số nước châu Á muốn quy hoạch cho những thành phố lớn tầm cỡ hàng chục triệu người. Tuy nhiên ở Đức, chúng tôi chỉ quy hoạch ở ngưỡng 2 triệu dân”, câu nói của vị chuyên gia này cho thấy cách nghĩ, tầm nhìn của họ khác chúng ta như thế nào…

Ô nhiễm không khí được coi là kẻ giết người thầm lặng. Vậy, ở Việt Nam đã có nghiên cứu nào về tác động thực sự của ô nhiễm không khí tới sức khỏe con người chưa, thưa ông?

Theo tôi được biết, tới thời điểm này, trong nước vẫn chưa có nghiên cứu đưa ra minh chứng về ô nhiễm không khí tác động như thế nào tới sức khỏe con người. Tổ chức Y tế thế giới từng nghiên cứu rất kỹ và so sánh tình hình bệnh tật ở nơi ít ô nhiễm với nơi ô nhiễm tại các nước đang phát triển. Từ đó, họ đã đưa ra khái niệm chết sớm, dự báo tỷ lệ chết sớm trong từng vùng.

Ô nhiễm không khí được xếp vào nhóm nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Số lượng thống kê có khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Tương tự như vậy, tỷ lệ đột quỵ não cũng như các bệnh lý về tim mạch chiếm khoảng 25%. Riêng đối với bệnh lý hô hấp, các đối tượng bị ảnh hưởng sẽ nhiều hơn rất nhiều, ước tính khoảng 43% các trường hợp tử vong do các bệnh lý hô hấp có liên quan đến ô nhiễm không khí.

Cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT):
“Gia tăng bụi ô nhiễm do nghịch nhiệt, mưa ít”

Các thông tin liên quan chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội được Air Visual, PAM Air, GreenID đưa ra trong thời gian qua… đều có độ tin cậy không cao.

Để đưa ra được các thông số chính xác về chất lượng không khí, phải có hệ thống, mạng lưới các điểm quan trắc, chương trình quan trắc với máy móc thiết bị hiện đại. Thông tin thu được từ trạm quan trắc sau đó còn phải được kiểm nghiệm, xử lý, xác định... Nếu không có mạng lưới rộng khắp, thì kể cả thông số đo được là chính xác thì cũng chỉ là tại một điểm đo đó, không đại diện được cho cả TP Hà Nội.

Thời gian qua, xu hướng biến động của bụi PM10 và PM2.5 tại các thành phố phía Bắc Việt Nam, trong đó có Hà Nội phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết khí hậu. Nhận định sơ bộ, nguyên nhân bụi PM2.5 tăng cao là do đang trong thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi, khối không khí lạnh từ phía Bắc khuếch tán xuống phía Nam tạo nên dãy hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh gây hiện tượng nghịch nhiệt. Hình thái thời tiết này làm gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí.

Đặc biệt, liên tiếp trong nhiều ngày từ 21-30/9, toàn bộ khu vực Hà Nội không có mưa. Đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân làm bụi tăng đột biến trong không khí.

Trịnh Tuyết (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.