Bạn cần biết

Dân “kêu trời” vì cơ sở tái chế bao bì gây ô nhiễm

23/12/2018, 13:55

Tình trạng ô nhiễm môi trường từ các cơ sở tái chế bao bì diễn ra 7 năm khiến người dân bức xúc

P_20181207_092651

Người dân thôn Long Hưng bức xúc trước tình trạng ô nhiễm môi trường từ cơ sở tái chế bao bì đã diễn ra 7 năm nhưng không được giải quyết dứt điểm

 Dân khốn khổ vì ô nhiễm

Từ phản ánh của người dân, chúng tôi tìm đến 4 cơ sở tái chế bao bì tại thôn Long Hưng (xã Hải Phú, huyện Hải Lăng) để "mục sở thị". Qua quan sát, hầu hết các cơ sở này đều nhỏ lẻ và đang hoạt động khá rầm rộ, công tác vệ sinh, an toàn lao động không đảm bảo. Nguyên liệu, chất thải rắn chưa thu gom, chất đống ngổn ngang, bừa bãi trong và xung quanh các cơ sở làm mất mỹ quan trong khu vực.

Điều đáng nói, các cơ sở này đều hoạt động sản xuất trong khu dân cư, trên diện tích đất đã được cấp với mục đích sử dụng đất ở khiến người dân vô cùng bức xúc.

Chỉ tay về phía trũng nước đen sì, bọt chất thải nổi lềnh bềnh, nhầy nhụa, ông Trần Kim Vinh (SN 1957), Trưởng thôn Long Hưng cho biết: Cả thôn có 728 hộ dân với gần 3000 nhân khẩu đang phải đối diện trước thực trạng ô nhiễm. Các cơ sở tái chế bao bì thường xuyên giặt rửa bao bì (chủ yếu bao xi măng), phế liệu nhưng không có hệ thống xử lý nước thải theo yêu cầu dẫn đến ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

“Các cơ sở gây ô nhiễm khiến cuộc sống của bà con trong thôn bị đảo lộn, sức khỏe bị ảnh hưởng. Chúng tôi mong muốn chính quyền có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng để bà con yên tâm sản xuất, làm ăn”, ông Vinh nói.

P_20181207_092220

Nước thải từ quá trình làm sạch bao bì phế liệu chưa được xử lý, chảy trực tiếp ra vùng cát, gần với các hộ dân sinh sống

P_20181207_093001

Chất thải lỏng tích tụ thành hồ nhỏ, đen ngòm, nhầy nhụa

Ông Văn Quốc Đính (SN 1945, trú thôn Long Hưng) bức xúc nói rằng, gia đình ông có 6 hồ cá chuyên cung cấp cá giống và cá thịt xuất bán ra thị trường, các hồ này nằm ở khu vực có dòng nước thải của các cơ sở tái chế bao bì chảy qua. Từ năm 2013, cá bắt đầu chết rải rác ở một số hồ không rõ nguyên nhân, đỉnh điểm là năm 2014, số cá chết lên tới 1,5 tấn khiến thiệt hại kinh tế rất lớn. Nước giếng cũng có mùi hôi khiến gia đình ông không có nước sinh hoạt.

Cùng chung hoàn cảnh với ông Đính, hồ cá của anh Văn Quốc Định (SN 1979) cũng bị chết 1,5 tạ, buộc phải bỏ hoang từ năm 2015.

Theo người dân, từ năm 2011 đến nay, họ đã nhiều lần kiến nghị đến chính quyền và cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa được giải quyết, các cơ sở xả thải vẫn ngang nhiên hoạt động.

P_20181207_092108

Trung bình mỗi cơ sở có khoảng 6 - 15 lao động thường xuyên

Chính quyền chậm trễ xử lý

UBND xã Hải Phú cho hay, tiếp nhận đơn kiến nghị của người dân, xã đã thành lập hội đồng và mời tất cả các đơn vị, thành viên liên quan tiến hành kiểm tra thực tế, xác định có 4 cơ sở tái chế bao bì gây ô nhiễm gồm: cơ sở của ông Bùi Đình Toan, ông Đỗ Duy Thơ, ông Bùi Huy Quân, ông Đỗ Xuân Phúc.

Trong đó, chỉ có 2 cơ sở của ông Toan và ông Thơ được cấp giấy phép kinh doanh thu mua phế liệu nhưng lại hoạt động tái chế bao bì không đúng với mục đích đã được cấp. Riêng cơ sở ông Toan nằm trong danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của tỉnh Quảng Trị.

P_20181207_092036

Chất thải rắn chưa thu gom, chất bừa bãi ngổn ngang gây mất mỹ quan khu vực

Từ năm 2013 - 2018, UBND xã và Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường - Công an tỉnh Quảng Trị đã nhiều lần xử phạt vi phạm hành chính và buộc khắc phục tình trạng môi trường ban đầu. Tuy nhiên, các cơ sở này chỉ chấp nhận việc nộp tiền phạt và vẫn tái diễn gây ô nhiễm. Vì vậy, xã đã đề nghị phía công ty điện lực xem xét cắt điện 3 pha đối với các cơ sở nói trên như là biện pháp cưỡng chế hành chính theo quy định của pháp luật nhưng không được đồng thuận. Hiện, chính quyền xã cũng đành “bất lực”, không có biện pháp xử lý quyết liệt hơn vì vượt quá phạm vi, thẩm quyền của xã.

Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hải Lăng, 4 cơ sở tái chế bao bì trên đều chưa lập hồ sơ môi trường theo đúng quy định của pháp luật, mỗi tháng thải ra môi trường từ từ 60 - 90m3 nước thải và khoảng 100 - 150kg chất thải rắn, chủ yếu là dây bao bì, cát, bột giấy từ quá trình làm sạch bao bì…Nước thải từ quá trình làm sạch bao bì, phế liệu chưa được xử lý, chảy trực tiếp ra vùng cát phía sau cơ sở, gần với các hộ gia đình; kết quả phân tích mẫu đều vượt tiêu chuẩn cho phép của nước thải sản xuất.

P_20181207_092309

Tình trạng ô nhiễm môi trường từ các cơ sở tái chế ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, sức khỏe của người dân

Bên cạnh đó, chất thải rắn chưa được thu gom và xử lý, còn tồn đọng xung quanh cơ sở với khối lượng từ 288 - 780m3, mặc dù các cơ quan chức năng đã kiểm tra, nhắc nhở nhiều lần nhưng các cơ sở vẫn không chấp hành. Ngoài ra, 4 cơ sở này còn lấn chiếm diện tích đất trái phép từ 180 - 608m2 để làm bãi tập kết nguyên liệu, hố chứa nước thải…

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Giáp, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết, năm 2016, huyện tiếp nhận phản ánh ô nhiễm môi trường từ các cơ sở tái chế bao bì ở thôn Long Hưng và đã thành lập nhiều đoàn công tác liên ngành đến kiểm tra, vận động các cơ sở ngừng sản xuất để bố trí quỹ đất di dời tới địa điểm khác. Thế nhưng, các cơ sở này vẫn phớt lờ không thực hiện và vẫn tiếp tục hoạt động nên việc xử lý, giải quyết gặp nhiều khó khăn.

P_20181207_092147

Kết quả phân tích các thông số môi trường của 4 cơ sở đều nằm trong danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường

“UBND huyện đang chỉ đạo Phòng Tài Chính Kế hoạch huyện thu hồi giấy phép kinh doanh của các cơ sở vi phạm, tiếp tục vận động các cơ sở ngừng sản xuất và chuyển vào cụm công nghiệp Hải Thượng để vừa phát triển sản xuất, đảm bảo cuộc sống mưu sinh, vừa bảo vệ môi trường khu vực”, ông Giáp nói.

Cũng theo ông Giáp, việc 4 cơ sở lấn chiếm đất trái phép, huyện chưa nắm được thông tin.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.