Xã hội

Dân Khe Sím bao giờ thoát cảnh sống mưa lầy, nắng bụi vì khai thác than?

20/04/2023, 06:00

Hơn 100 hộ dân tại xã Dương Huy, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) đang phải sống trong cảnh mưa lầy, nắng bụi và lo lắng ngập lụt vào mùa mưa bão.

Ngập lụt dù không phải "đại hồng thuỷ"

Tháng 7/2015, trận lụt lịch sử nhấn chìm toàn bộ khu dân cư thôn Khe Sím, xã Dương Huy, TP Cẩm Phả, Quảng Ninh.

Từ năm 2015 đến nay, dù không xảy ra trận "đại hồng thủy" nào nữa, nhưng năm nào cũng vậy, nhiều gia đình ở vùng trũng Khe Sím cũng bị ngập ngang nhà, cuốn trôi nhiều tài sản.

img

Ngấn nước bị ngập trên tường nhà chị Nguyễn Thị Thành sau trận lụt hơn 2 năm trước

Chị Nguyễn Thị Thành, nhà ở xóm Ngã Ba, thôn Khe Sím than vãn: Tại khu vực này có gần chục nóc nhà. Do ở gần ngã ba suối, nên cứ mưa to là lại lo chạy lụt. Hôm nào nước về nhanh là dâng lên ngang nhà, đồ đạc lại bị ngâm nước, bê bết bùn đất.

"Bao năm nay, bà con kiến nghị chính quyền chỉ đạo các doanh nghiệp khai thác than thuộc Tổng công ty Đông Bắc, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam tìm giải pháp chống lụt cho Khe Sím nhưng đều chưa hiệu quả. Vẫn biết là sống ở đây thường trực nguy hiểm, nhưng làm gì có tiền để mua đất, làm nhà mà chuyển đi?", chị Thành nói.img

Bãi thải do khai thác than cao như núi lại chưa được trồng cây xanh bủa vây khiến thôn Khe Sím như lòng chảo, mỗi khi mưa lớn là ngập lụt

Qua tìm hiểu, tình trạng ngập lụt thường trực xảy ra ở thôn Khe Sím những năm gần đây là do hoạt động khai thác than của một số đơn vị thuộc Tổng công ty Đông Bắc, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam gây ra. Mấy chục năm nay, các doanh nghiệp tiến hành khai thác than lộ thiên ở vùng thượng nguồn khiến cho các cánh rừng bị cạo trọc.

Hệ thống suối thì bị bồi lắng, thu hẹp, lâu không được nạo, vét, khơi thông. Không những thế, thôn Khe Sím lại bị bao quanh bởi hệ thống bãi thải với hàng chục triệu mét khối đất, đá, khiến nơi đây biến thành chiếc hồ nước khổng lồ mỗi khi có mưa lớn.

img

Những chiếc xe tải chở than có ngọn lưu thông rơi vãi ra đầy đường

Bao giờ thoát cảnh ngập lụt, bụi bặm?

Tìm hiểu thêm, PV được biết, sau trận mưa lũ lịch sử năm 2015, thực hiện Đề án di dân tổng thể ra khỏi vùng sạt lở, ngập lụt nguy hiểm và quy hoạch bố trí dân cư phòng, tránh thiên tai trên địa bàn TP Cẩm Phả, thì tại thôn Khe Sím đã di dời 42 hộ dân với diện tích cần thu hồi gần 3ha.

Tuy nhiên, hiện tại đây vẫn còn trên 100 hộ dân đang phải sống trong cảnh bụi bặm, nơm nớp lo bị lụt vào mùa mưa.

img

Những đoàn xe tải chở than cuốn bụi bay mù mịt

Những ngày trung tuần tháng 4 này, PV Báo Giao thông liên tiếp có mặt ở thôn Khe Sím, xã Dương Huy và ghi nhận, tuyến đường bê tông từ kho than của Công ty Than Quang Hanh -TKV chạy vòng quanh khu dân cư thôn Khe Sím lầy lội như ruộng cày.

Nhiều đoạn đường đã xuống cấp lồi lõm, ngập ngụa bùn, than; mỗi khi có xe tải đi qua là bùn bắn lên tung tóe. Hầu như nhà nào ở ven đường cũng cửa đóng, then cài suối ngày, đêm.

img

Quanh khu vực chế biến than của Công ty Than Quang Hanh lúc nào bụi cũng mù mịt

Rất nhiều xe của Công Than Quang Hanh vận tải than trên tuyến đường chở có ngọn, nhưng hầu như không được phủ bạt. Mỗi khi xe vào "ổ gà", than từ trên thùng cứ thế tuôn xuống mặt đường.

Vào ngày nắng, do xe phun nước không thường xuyên, nên bụi cứ thế bị cuốn lên bốc vào nhà dân, vườn cây ăn quả. Ở khu chế biến, sàng tuyển than của Công ty Than Quang Hanh do không được thường xuyên phun nước cũng là tác nhân gây bụi cho khu dân cư.

img

Xe vận tải của doanh nghiệp chở có ngọn lại không phủ bạt, gây ô nhiễm môi trường

Bà Trần Thị Phương, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Khe Sím cho biết: Trước đây, khu vực này là đường dân sinh, sau này đơn vị thuộc ngành than đầu tư làm đường vận tải chuyên dụng kết hợp với dân sinh.

Trên tuyến đường có nhiều đơn vị tổ chức vận tải than, chở công nhân, nhưng có tưới nước thì cũng không khắc phục được tình trạng lầy lội. Bởi đường thì vũng sâu, lại không có hệ thống thoát nước dọc, ngang, nên nhiều đoạn khi tưới nước đã trở đoạn thành ao, vũng lầy lội.

"Thượng nguồn các con suối thì cây rừng thưa thớt, bãi thải bủa vây khu dân cư tứ bề. Rừng ở đây là rừng sản xuất, nên cứ vài năm dân lại khai thác trắng một lần, thực bì thì không đốt, nên mưa xuống lá, cành cuốn xuống hạ lưu bịt kín các chỗ thoát. Ở xóm Cột điện lại không có hệ thống thoát nước, cuối nguồn thì dòng chảy bị thắt, không tiêu kịp. Mỗi khi mưa đổ về, nước ứ lại, dâng cao gây lụt cả khu vực", bà Phương chỉ rõ.

img

Xóm Cột điện, thôn Khe Sím nằm ở vùng trũng, cống thoát nước thì nhỏ và đã tắc từ lâu, nên nơi đây thường trực trở thành "rốn lũ"

Trao đổi với PV Báo Giao thông qua điện thoại ngày 17/3, ông Vũ Văn Hưng, Phó Giám đốc Công ty Than Quang Hanh - TKV thừa nhận vấn đề lầy, bụi trên tuyến vận tải, khu vực sàng tuyển than của một số doanh nghiệp gây ra đối với thôn Khe Sím.

"Do hoạt động khai thác than của nhiều đơn vị trong nhiều năm nay, nên các dòng chảy đã bị bồi lắng, thu hẹp lại khiến một số hộ dân nằm ở vùng trũng hơn dòng chảy tự nhiên của các con suối. Khi lũ tràn về, do hệ thống thoát nước chưa đồng bộ, nên đã xảy ra tình trạng ngập, lụt", ông Hưng lý giải.

Khẳng định sẽ chỉ đạo tăng cường tưới nước trên đường vận chuyển, tích cực phun nước dập bụi khu vực chế biến, ông Hưng cho biết thêm: "Hiện nay, công ty đang xây dựng hồ sơ thiết kế để làm cống hộp thoát nước ở xóm Cột điện, dự kiến sẽ cắt đường vận tải để thi công hoàn thành trước mùa mưa năm nay", ông Hưng thông tin.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp triển khai theo kiến nghị của người dân, nên chưa biết hiệu quả thế nào. Bởi việc này thậm chí còn có thể xảy ra tình trạng cống mới xây lại là tuyến dẫn nước vào khu dân cư do nhiều hộ dân nằm trong vùng trũng hơn dòng chảy tự nhiên khi lũ về.

"Giải pháp để xử lý hiệu quả hơn vấn đề này cần khơi thông hệ thống dòng chảy ở hạ lưu đổ ra sông Diễn Vọng. Nhưng các công trình ở khu vực hạ lưu lại do doanh nghiệp khác thuộc Tổng công ty Đông Bắc đầu tư, quản lý, vì thế cần có sự vào cuộc phối hợp của chính quyền địa phương thì mới xử lý được", ông Hưng chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.