Điều tra

Dân khốn khổ vì nước thải trại giam

13/11/2014, 09:05

Nguồn nước thải của Phân trại giam số 4, thuộc Trại giam Ninh Khánh ô nhiễm nặng khiến sinh hoạt của 36 hộ dân tại xóm 5, thôn Quỳnh Phong II, xã Sơn Hà bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nước thải của trại giam trước khi ông Quý chưa có đơn
Nước thải của trại giam trước khi ông Quý chưa có đơn

Nước hồ chết cá, bò ngửi phải bỏ chạy

Theo phản ánh của người dân, trước khi Phân trại giam số 4 chuyển về xã Quảng Lạc, gần xóm 5, thôn Quỳnh Phong II, xã Sơn Hà không có hiện tượng gì, nhưng kể từ tháng 6/2014 trở lại đây, người dân địa phương nhận thấy lượng nước thải của trại giam ngày một nhiều, có màu đen, đặc quánh, nặng mùi, khiến môi trường ô nhiễm trầm trọng.

Bà Nguyệt sinh sống tại  xóm 5 bức xúc cho biết: “Do bên phân trại giam số 4 không xử lý nước thải mà xả thẳng ra ao hồ xung quanh,  mùi hôi thối  bốc lên khó chịu lắm. Nhà tôi lúc nào cũng “đóng cửa cài then”, lắm hôm ăn cơm tối mà không nuốt nổi”.

Ngày 27/10, Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Nho Quan có thông báo kết quả  kiểm tra môi trường và nguồn nước thải tại Phân trại giam số 4 như sau:  “Nước thải tại Phân trại giam số 4 sau khi xử lý qua bể phốt ba ngăn được thải ra ngoài môi trường qua hai đường ống dẫn ra bên ngoài hai hồ lắng tạm thời của phân trại có dung tích 252 m3 và 250 m3. Nhìn cảm quan nước thải ra có mùi hôi thối, nước vẩn đục.

Tương tự, anh Mai Văn Công cùng xóm với bà Nguyệt cũng  khẳng định: “Trước đây khi trại giam chưa chuyển về, không khí trong lành, hồ này dân chúng tôi vẫn nuôi cá, giặt giũ. Gần đây lượng nước thải từ trại giam xả ra mùi hôi bốc lên nồng nặc, cá chết hàng loạt. Cứ tình trạng này người cũng không sông nổi, chả lẽ chúng tôi phải bỏ làng mà đi?”.

Còn chị Lê Thị Tâm, chua chát nói: “Trại giam ở phía trên đầu nguồn, chúng tôi bên dưới nước thải cứ chảy như này sẽ ngấm xuống lòng đất và ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của dân. Nước bẩn cá chết, con bò ngửi không dám uống và bỏ chạy huống hồ người dân chúng tôi làm sao chịu được”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Phân trại giam số 4, có tới 120 cán bộ, 920 phạm nhân, ước tính lưu lượng nước thải hàng ngày 63 m3, riêng nguồn nước thải của phạm nhân chiếm 55 m3  ngày/đêm. Hiện tại nguồn nước thải tại phân trại bao gồm nước thải khu vực nhà bếp, nước thải sinh hoạt của phạm nhân và cán bộ mới chỉ được xử lý tạm thời qua bể lắng, rồi xả thẳng ra môi trường.

Những con cá chết được ông Quý vớt lên tại hồ
Những con cá chết được ông Quý vớt lên tại hồ

Đùn đẩy trách nhiệm

Không chịu nổi môi trường sống bị ô nhiễm trầm trọng, 32 hộ dân sinh sống gần khu vực Phân trại giam số 4, bức xúc làm đơn gửi chính quyền xã, huyện kêu cứu. Tuy nhiên, đến nay việc xử lý vẫn chưa được tiến hành.

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, tình trạng ô nhiễm môi trường kể trên có liên quan đến phần diện tích ao hồ đấu thầu của gia đình anh Phạm Văn Quý với HTX Quỳnh Phong từ năm 1996, tính đến năm 2013 cũng 17 năm.

Trong thời gian đấu thầu ao, anh Quý thực hiện nghĩa vụ đóng thuế cho UBND xã Sơn Hà (cho đến hết năm 2008 anh ngừng đóng thuế và xã cũng không có phản hồi). Gần đây do Phân trại giam số 4 gây ô nhiễm, khiến dân khiếu kiện nên phân trại giam tiến hành đổ đất lấp cổng ra vào ao, phá hủy bờ kè đá chắn cá, ủi cây trồng trên phần đất anh Quý đang sử dụng dẫn đến tranh chấp.

Theo đại diện UBND xã Sơn Hà, trước kia phần đất ao anh Quý đang sử dụng là do HTX Quỳnh Phong bỏ tiền xây dựng để lấy nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất mùa khô hạn. Nhưng năm 1991 làm đường lên thị tứ và phân chia lại dư địa chí trên bản đồ phần đất trên chuyển sang diện tích đất của xã Quảng Lạc. Từ khi chia lại đất giữa hai xã không có tranh chấp diện tích đất hồ mà bên xã Quảng Lạc vẫn để xã Sơn Hà được toàn quyền sử dụng. Đến năm 2006, phần đất trên lại chuyển sang cho trại giam số 4 nhưng chính quyền xã Sơn Hà không hề hay biết .

Trả lời PV Báo Giao thông, Trung tá Phạm Văn Nghị, Trưởng phân trại giam số 4 cho rằng, việc ký kết hợp đồng giữa anh Quý và HTX thôn Quỳnh Phong, xã Sơn Hà là sai, vì đây là phần đất của xã Quảng Lạc. Hiện nay xã Sơn Hà chưa thanh lý được hợp đồng thầu ao hồ với một hộ dân nên trại giam không lấy lại được đất để tiến hành xây dựng hệ thống xử lý nước thải.  “Bao giờ xã chấm dứt hợp đồng, trả lại diện tích ao hồ cho trại giam thì chúng tôi sẽ cho xây dựng hệ thống bể lọc để đảm bảo môi trường. Còn trước mắt chỉ có thể giải quyết tạm thời bằng hai bể lắng, nên chỉ được vậy”, Trung tá Phạm Văn Nghị nói.

Trong khi đó, lý giải cho việc HTX Quỳnh Phong cho thuê phần diện tích ao hồ mà lãnh đạo trại giam cho rằng thuộc sở hữu của họ, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Chủ tịch xã Sơn Hà cho hay: “Hồ kia do xã Sơn Hà xây dựng đương nhiên Sơn Hà phải sử dụng. Vì lợi ích chung của hai xã muốn lên thị tứ nên đã thỏa thuận với nhau và xã Sơn Hà vẫn sử dụng hồ. Còn bản đồ cấp huyện làm trong quá trình bàn giao chúng tôi không nắm được mốc giới nên không biết”.

Trao đổi với PV, lãnh đạo UBND huyện Nho Quan cho biết, ủng hộ việc bảo đảm môi trường, không cho nước thải làm ảnh hưởng đến cuộc sống của dân. Huyện cũng đang tiến hành xử lý, giải quyết ai sai, sai ở mức độ nào sẽ xử lý triệt để.

Quỳnh An - Đ.Nghị

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.