Cảnh sống chen chúc, tạm bợ, ô nhiễm của hàng ngàn hộ dân trên kênh Đôi - Tẻ |
Sau chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, hàng nghìn hộ dân đang sống ven tuyến kênh Đôi - Tẻ ở TP.HCM đang hy vọng về một nơi ở mới khang trang, tốt hơn sau nhiều năm chen chúc sống trên kênh rạch trong tình trạng thiếu điện nước và ô nhiễm nặng nề.
Bài 1: “Sống mòn” trong hôi thối
Những hộ dân đang sống “bám” hết đời cha đến đời con trên mặt kênh Đôi - Tẻ chưa từng một lần dám nghĩ đến một nơi ở mới, chưa từng mơ giấc mơ đổi đời. Nhưng giờ đây, những hy vọng đang dần được nhen nhóm…
“Vật vờ” trên mặt kênh Đôi - Tẻ
Có mặt tại “khu ổ chuột” đôi bờ kênh Đôi - Tẻ, PV Báo Giao thông mục sở thị những cảnh sống cực khổ đến nhói lòng của người dân nơi đây. 77 tuổi, bà Nguyễn Thị Mong đang sống những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời trong căn nhà sập sệ, tạm bợ nằm lọt thỏm phía sau những dãy nhà bề thế mặt tiền đường Phạm Thế Hiển. Thấy khách vào, bà Mong tỏ vẻ ái ngại bởi căn nhà bà ở bốc lên mùi hôi thối khó chịu do tiếp giáp với nhà vệ sinh lộ thiên trên mặt kênh.
“Gần đây, nước ngập triền miên, tôi đang phải rời tạm sang nhà vợ chồng người con trai. Cũng ngay cạnh thôi, nhưng cao ráo hơn một chút”, bà Mong nói.
Theo quan sát của PV, cuộc sống của bà bên căn nhà của con trai cũng chẳng khá hơn mấy. Tối bà vẫn nằm ngủ trên những tấm gỗ đóng tạm bợ cách mặt đất khoảng 10cm chống chọi những ngày con nước lớn từ dưới cống xì lên hôi thối. Phía trước nhà là mấy cái lu hứng nước chảy nhỏ giọt từ đường ống câu nhờ của người hàng xóm.
Được biết, gia đình bà Mong thuộc hộ nghèo của địa phương, Con cháu trong gia đình phần lớn làm phụ hồ, buôn bán tạm ngoài chợ đắp đổi cuộc sống qua ngày.
Cùng cảnh ngộ với bà Mong, gia đình bà Đinh Thị Kim Thu trú tại nhà số 2184/10 Phạm Thế Hiển cũng đang ngày ngày mong ngóng chờ đền bù hoặc có nơi tái định cư mới. Cho biết đã sinh sống ven con kênh này từ hơn 60 năm nay, bà Thu nói: “Khu vực nhà tôi ở là ngã ba sông gió rất mạnh nên không dám xây nhà cao, ghe thuyền lại thường xuyên qua lại nên gây sạt lở. Trước đây, con kênh này rất sạch sẽ nhưng càng ngày càng dơ bẩn, mỗi tháng đều đặn hai lần thủy triều lên nên nhà lúc nào cũng ẩm ướt hôi hám”.
Theo bà Thu, khu bà ở đã quy hoạch hàng chục năm nay, cách đây ba năm quận 8 cho người đến đo đạc rồi lặng im từ đó. “Lần này nghe nói có Bí thư Thăng đi thị sát, chỉ đạo sớm cho chúng tôi di dời sang chỗ ở mới, tôi mừng lắm”, bà Thu phấn khởi.
Dẫn chúng tôi sang những nhà hàng xóm, bà Thu cho PV thấy một loạt những ngôi nhà, cái sạt lở, cái ngập đến đầu gối, trái ngược hẳn với những tòa nhà hiện đại phía quận 1 cách đó không xa.
Chia sẻ với PV, bà Vũ Thị Kim Tuyết (sống tại hẻm 2444 Phạm Thế Hiển) bày tỏ: “Chúng tôi chẳng dám mơ nhà cao cửa rộng gì, chỉ mong Nhà nước xây căn hộ tái định cư ở gần đây để có nơi ở ổn định và được tạo điều kiện có công việc làm ăn là quý lắm rồi”.
Mời doanh nghiệp tham gia di dời, tái định cư
Trở lại với chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng sau chuyến thị sát dọc bờ kênh, PV Báo Giao thông được biết, Bí thư Thăng đã giao UBND quận 8 làm chủ đầu tư dự án, tiến hành đấu thầu, cho doanh nghiệp tư nhân tham gia giải tỏa và tổ chức tái định cư cho người dân.
Trao đổi với PV, ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, có khoảng gần phân nửa số hộ dân có thể được bồi thường với số tiền thấp không đủ tiền để mua nhà ở thương mại. Vì vậy, ông Khoa cũng đề xuất nên tái định cư tại chỗ cho người dân.
Theo ông Khoa, nếu có cơ chế thuận lợi, nhà đầu tư cũng có thể ứng tiền ra đền bù giải phóng mặt bằng. “Tiền đó có thể của nhà đầu tư và cũng có thể nhà đầu tư đi vay và được Nhà nước hỗ trợ lãi suất”, ông Khoa nói và nhận định: Dự án này sẽ đem lại rất nhiều lợi ích, ngoài việc tổ chức lại cuộc sống người dân đàng hoàng hơn, còn kết hợp nạo vét làm sạch kênh, mở rộng đường Phạm Thế Hiển. An ninh trật tự chắc chắn chuyển biến tốt hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận