Thị trường

Dân kinh doanh quần áo “khóc ròng” vì tắc biên

27/02/2020, 18:09

"Tắc biên" khiến hàng hóa không lưu thông, gây nỗi lo cho người kinh doanh quần áo khi thói quen người Việt vẫn ưu tiên thời trang Trung Quốc.

img
Tại chợ Ninh Hiệp (Bắc Ninh), lượng hàng hóa chỉ còn ít, chủ yếu hàng tồn...

Chủ buôn chơi dài…

Khảo sát của PV Báo Giao thông tại chợ Ninh Hiệp (Bắc Ninh) là chợ đầu mối quần áo lớn nhất tại miền Bắc trong những ngày này cho thấy, lượng hàng hóa tại các sạp còn khá ít, chủ yếu hàng tồn, nhiều cửa hàng phải đóng cửa vì không lấy được hàng phục vụ thời trang hè.

Chủ cửa hàng Thành Tính cho biết, bình thường sau Tết là thời điểm gom hàng hè để xuất đi cho các shop thời trang khắp các tỉnh trên cả nước, thời điểm này lúc nào hàng cũng ngập kho và nhiều mẫu mã mới. Tuy nhiên, thời gian “tắc biên” kéo dài hàng tháng trời, khiến cho cả chợ Ninh Hiệp đang dần cạn kiệt hàng, có nhà còn phải đóng cửa hàng cả tuần nay. “Ai còn hàng gì lưu kho thì bán hàng đấy, chứ không có nhiều hàng để lựa chọn nên các shop cũng tranh thủ nhặt nhạnh những mẫu vừa mắt nhất”, vị này nói.

img
“Tắc biên” kéo dài hàng tháng trời, khiến cho cả chợ Ninh Hiệp đang dần cạn kiệt hàng, có nhà còn phải đóng cửa hàng cả tuần nay", chủ cửa hàng Thành Tính lo lắng.

Chị Phương, một kiot khác cho rằng, giờ mở của hàng cũng chỉ để giữ khách quen bởi hàng Quảng Châu cao cấp của chị lúc nào cũng đắt hàng, không có nhiều hàng lưu kho nên còn bao nhiêu các shop đã nhặt gần hết, số còn lại chủ yếu là thời trang trái mùa.

“Không lấy được hàng thì chúng tôi cũng chơi dài chờ ngày mở biên trở lại chứ muốn lấy hàng vượt biên cũng không được vì các đường mòn, lối mở đã bị cơ quan chức năng đặt chốt kiểm soát, nghiêm cấm người dân qua lại và giao thương hàng hóa. Tình huống xấu nhất xẩy ra nếu không lấy được hàng trong tháng tới, thì một số shop phải chọn mua hàng miền Nam, số khác phải đóng cửa và chịu thiệt hại nặng nề”, theo chị Phương.

Tại cửa hàng Hoa Huyền, là một trong số ít những ki ốt ở chợ Ninh Hiệp om được hàng mới từ trước Tết, với số lượng lớn và nhiều mẫu mã, các Shop tranh nhau nhặt hàng khiến lực lượng công an phải xuất hiện để dẹp đường.

Theo tìm hiểu, chủ shop này có một nhóm kín buôn bán hàng trên mạng, những người mua hàng đều đặt đơn qua hệ thống với những mẫu mã “hót” của giới trẻ nên trước dịp khan hàng, nhiều shop đã đến tận nơi để lấy số lượng lớn, khiến trước của hàng lúc nào cũng đông người.

Kinh doanh online “méo mặt” vì thất thu

Trao đổi với Báo Giao thông, chị Thu Trang, chủ một shop kinh doanh online có tên Taly Vintage cho biết: Với thái độ mua online thường chọn theo kiểu “được chăng hay chớ” nên khách thường chọn mua những bộ đồ bắt mắt nhưng giá rẻ để khi không ưng thì cũng “chẳng sao”. Do đó, thời trang Trung Quốc luôn là lựa chọn của các chủ shop online.

“Một tháng với doanh thu khoảng 100 triệu đồng, nhưng không có hàng về buộc shop phải nghỉ bán và tìm hướng chuyển thị trường, cả mấy tuần nay shop vẫn đang làm việc với đối tác Sài Gòn để tìm những mẫu mã phù hợp. Tuy nhiên, điểm yếu của hàng Sài Gòn so với hàng Trung Quốc vẫn là màu sắc”, chị Trang chia sẻ.

img
Hàng loạt tiểu thương tại chợ đầu mối Ninh Hiếp không còn hàng để bán...

Tương tự, anh Nguyễn Văn Thắng (Xuân Đỉnh, Hà Nội) một người kinh doanh online lâu năm cho biết: Trong kinh doanh online, quần áo của Trung Quốc chiếm ít nhất 40% lượng hàng hóa. “Mỗi tháng doanh thu hơn 300 triệu đồng nhưng từ sau Tết, khi biên giới bị cấm giao dịch hàng hóa thì shop không có nguồn hàng, khiến cho doanh thu sụt đến 40%. Hiện, shop vẫn chưa có phương án thay thế bởi nếu lấy hàng trong nước thì khó cạnh tranh nên vẫn đợi ngày mở biên”, anh Thắng ngao ngán.

Không phải ngẫu nhiên thời trang Trung Quốc lại được ưu chuộng tại Việt Nam nên việc lệ thuộc vào Trung Quốc là điều khó tránh khỏi đối với nhiều người kinh doanh thời trang online. Bà Hoài, chủ shop thời trang Thu Hương (Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) nhận định: “Hàng Trung Quốc chiếm đến 90%, nếu có thay thế bằng hàng Việt Nam hay các nước khác thì khách cũng vẫn chỉ thích mua hàng Trung Quốc bởi mẫu mã không có nước nào cạnh tranh được. Nếu để chọn kinh doanh thay thế hay chờ đợi, tôi vẫn chấp nhận lỗ 50 triệu đồng/tháng để chờ hàng về”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.