Quản lý

Dân lợi đủ đường khi xã hội hóa đào tạo lái xe

11/12/2016, 08:02

Sau 15 năm thực hiện XHH đào tạo, sát hạch lái xe, người dân được quyền lựa chọn nơi học, địa điểm thi.

29

Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe Nam Triệu (Hải Phòng) được đầu tư theo mô hình xã hội hóa

Từ chỗ muốn học lái xe phải chờ cả năm, sau 15 năm thực hiện xã hội hóa công tác đào tạo, sát hạch lái xe, người dân được quyền lựa chọn nơi học, địa điểm thi. Không những vậy, nhờ đột phá trong cải cách hành chính, sau hai giờ đồng hồ, người dân được cấp, đổi lại GPLX thay vì chờ cả tháng như trước.

Từ “mua suất học” đến quyền được lựa chọn

Anh Nguyễn Minh Ngọc (50 tuổi, trú tại Thanh Trì, Hoàng Mai) chia sẻ, cách đây khoảng 20 năm, lượng người có nhu cầu học lái xe ô tô liên tục tăng, trong khi cơ sở đào tạo không nhiều khiến các trung tâm đào tạo rơi vào tình trạng quá tải. Nhanh thì người học phải chờ 3-4 tháng, có khi phải cả năm. “Để được học ngay, tôi phải “mua suất học”, với mức học phí gấp đôi, gấp ba quy định”, anh Ngọc nói.

"Năm 2001, cả nước chỉ có 147 cơ sở đào tạo lái xe cả ô tô và mô tô, đến năm 2016 đã có 326 cơ sở đào tạo lái xe ô tô và hầu hết bao gồm cả đào tạo lái xe mô tô. Cùng thời điểm năm 2001, tỷ lệ cơ sở đầu tư theo hình thức xã hội hóa mới chỉ có 20%, nay tăng lên 43%. Đã có 96 trung tâm sát hạch lái xe, trong đó có 49 trung tâm của doanh nghiệp được xây dựng theo hình thức xã hội hóa."

Ông Nguyễn Văn Huyện
Tổng cục trưởng
Tổng cục Đường bộ VN

Theo một giáo viên công tác lâu năm tại một trung tâm đào tạo nghề thuộc địa bàn Hà Nội, cách đây hơn 10 năm, cán bộ ở các trung tâm đào tạo lái xe “bò” ra làm cũng không hết việc. Các trung tâm đều rơi vào tình trạng quá tải, nhân viên làm việc hết công suất để thẩm định hồ sơ, giải đáp thắc mắc của học viên.

Trước thực trạng trên, năm 2001, Bộ GTVT bắt đầu thực hiện xã hội hóa, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào công tác đào tạo, sát hạch lái xe. Là người trực tiếp chỉ đạo và chứng kiến những đổi thay trong công tác này, ông Nguyễn Văn Quyền, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, chủ trương xã hội hóa đào tạo, sát hạch lái xe là bước đột phá quan trọng trong việc hình thành hệ thống cơ sở đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe ô tô trên toàn quốc.

“Sau 15 năm thực hiện xã hội hóa, đã huy động được nguồn lực lớn từ xã hội, các cơ sở đào tạo, sát hạch hiện đại được hình thành, các tiêu chí về hạ tầng được đầu tư, hiện đại hóa. Việc xã hội hóa cũng giúp tăng tính công khai, minh bạch, giảm tiêu cực trong đào tạo, sát hạch lái xe ô tô. Người học được quyền lựa chọn cơ sở đào tạo tốt để đăng ký học và thi. Khi vào học, học viên được công khai chương trình đào tạo, mức học phí; Có thể giám sát việc thực hiện hợp đồng đối với cơ sở đào tạo. Trong khâu sát hạch, được hiện đại hóa bằng việc dùng thiết bị chấm điểm tự động, công khai để mọi người đều có thể giám sát”, ông Quyền nói.

Tại Trung tâm Dạy nghề Ngọc Hà (Hà Nội), trao đổi với Báo Giao thông, anh Phạm Văn Hùng cho biết: “Học ở đây, tôi được quyền nhận xét về cơ sở đào tạo, cách dạy của giáo viên, đồng thời có quyền giám sát cơ sở đào tạo về vấn đề công khai, minh bạch trong hợp đồng đào tạo”.

2 giờ thay vì chờ đợi 1 tuần

Tại điểm cấp đổi GPLX của Tổng cục Đường bộ, PV ghi nhận, ai cũng phấn khởi vì được giải quyết sớm nhờ thủ tục nhanh gọn. Chị Lê Thùy Dương (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, sau khi đăng ký qua mạng, chị tới nộp hồ sơ lúc 8h, sau khi chụp ảnh và nộp lệ phí tại chỗ, đến gần 10h chị đã nhận GPLX mới.

Trường hợp như chị Dương cũng như nhiều người dân khác là kết quả từ việc áp dụng hệ thống chương trình phần mềm dịch vụ công cấp độ 3 đổi giấy phép lái xe (GPLX) được Tổng cục Đường bộ VN triển khai từ tháng 7/2015. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức đăng ký hồ sơ đổi GPLX trực tuyến qua mạng. Việc đăng ký hồ sơ trực tuyến qua mạng là bước tiến quan trọng trong tiến trình cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu thời gian đi lại và giảm chi phí của nhân dân.

Người dân khi đổi GPLX chỉ cần truy cập vào website: dichvucong.gov.vn và đăng ký trực tuyến. Chậm nhất sau ba ngày đối chiếu với hồ sơ lưu trữ, nếu đúng và đầy đủ, người dân sẽ được hẹn đến nơi cấp, đổi để cấp, đổi GPLX. Sau khi hoàn tất các thủ tục, tối đa khoảng hai giờ người dân được nhận GPLX mới. Tổng cục Đường bộ VN cũng miễn giấy khám sức khỏe đối với người cấp đổi GPLX mô tô và những người có GPLX ô tô vẫn còn thời hạn sử dụng từ ba tháng trở lên.

Không chỉ có dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, đến giữa năm 2016, Tổng cục đã triển khai mô hình dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 được áp dụng cho hình thức đổi GPLX quốc tế. Dịch vụ này áp dụng cho người Việt Nam, người nước ngoài có thẻ thường trú tại Việt Nam, có GPLX quốc gia do Việt Nam cấp bằng vật liệu PET, còn giá trị sử dụng trên một năm kể từ ngày được cấp, có nhu cầu lái xe khi cư trú, công tác, học tập và du lịch tại những nước tham gia Công ước Viên. Người dân sẽ đăng ký hồ sơ, thanh toán phí trực tuyến, nhận thông báo xác nhận hồ sơ hợp lệ và nhận GPLX quốc tế tại nhà.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết: “Chúng tôi liên tục đẩy mạnh việc cải cách hành chính theo hướng công khai, minh bạch trong quá trình đào tạo, sát hạch, cấp GPLX. Việc cấp, đổi GPLX qua mạng không những giảm chi phí đi lại cho người dân mà còn giảm phiền hà và các tiêu cực khác. Kết quả triển khai cho thấy những tiện ích rõ rệt trong ứng dụng công nghệ thông tin để giảm bớt thủ tục cho người dân. Đây là bước tiến quan trọng trong tiến trình cải cách thủ tục hành chính”. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.