Xã hội

Dân mù chữ đổi đời ở Cái Xà Cong

10/01/2021, 06:30

Nhiều người thất học, nghèo khó ở Cái Xà Cong không nghĩ lại có ngày cuộc đời mình được bước sang trang mới, như một giấc mơ.

img

Từ khi lên bờ, cuộc sống của chị Tình bước sang trang mới khi biết chữ, học được nghề cắt tóc gội đầu (Trong ảnh: Bà Vân đến làm đầu tại cửa hàng của chị Tình)

Bao đời sống nghèo khó lênh đênh trên ngọn sóng, chông chênh trong hang núi, năm nay là năm thứ 5, hơn ngàn hộ dân khu phố Cái Xà Cong vui đón Tết trên bờ. Nhiều người thất học, nghèo khó không nghĩ lại có ngày cuộc đời mình được bước sang trang mới, như một giấc mơ.

An cư đón Tết

Ngồi trong căn nhà tuy nhỏ nhưng ấm cúng, khá đầy đủ tiện nghi, ông Nguyễn Văn Ky, gần 70 tuổi, Phó trưởng khu 8, phường Hà Phong phấn khởi cho hay, hàng ngày ông phụ giúp vợ ra cảng mua cá, tôm về giao cho các nhà hàng, thu nhập cũng được 4-5 triệu đồng/tháng. Các con ông do biết ít chữ, nên đi làm phụ bếp ở nhà hàng ăn uống. Dẫu thế, cuộc sống trên đất liền vẫn như là một giấc mơ với gia đình ông.

Nhớ về quãng đời nghèo khó của mình, cũng như của hàng nghìn hộ dân vạn chài Cửa Vạn, Ba Hang, Vông Viêng khi bám vịnh Hạ Long để mưu sinh bằng nghề chài lưới, ông Ky kể, mình là con út trong gia đình có 6 anh, chị em.

Cả nhà ngày cũng như đêm chen chúc trên chiếc thuyền nan con con lênh đênh khắp các lạch nước, hẻm núi trong khu vực để bắt tôm, bắt ốc. Cuộc sống cứ thế đắp đổi qua ngày, cái ăn còn chưa lo đủ, nên ai nấy đều thất học.

Năm tròn 18 tuổi, ông Ky đã theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường vào Nam đánh giặc. Khi đất nước thống nhất, ông lại trở về với chiếc thuyền nan con con và lập gia đình với thiếu nữ cùng làng chài, của hồi môn là mấy cân gạo, 2 chiếc nồi, vài cái bát và một chiếc thuyền nan để tiếp tục lập ra một hộ vạn chài mới.

“Sống trên sông nước mỗi khi Tết về thì có nghỉ chài lưới vài ngày nhưng biết đi đâu? Nếu mưa gió thì cho thuyền vào sâu trong hang núi, rồi đắp chăn ngủ qua ngày. Chỉ từ khi Nhà nước cho đất làm nhà như thế này, dân vạn chài chúng tôi mới biết thế nào là Tết, cảm giác yên tâm, ấm áp thực sự, có tivi xem, có thể đi chợ hoa, sắm đồ Tết…”, ông Ky nói.

img

Căn hộ của gia đình ông Nguyễn Văn Ky ấm áp, đầy đủ tiện nghi

Cách gia đình ông Ky mươi căn, bà Phạm Thị Vân (72 tuổi) đang đi làm đầu ở quán ngay lối vào khu phố, thật thà khoe: “Trước kia ở dưới làng chài, bọn trẻ muốn nhuộm tóc cũng phải đi nhờ tàu hoặc thuê xuồng vào đất liền mất cả ngày mới xong, nên người già như chúng tôi chả bao giờ biết đến làm đẹp. Giờ vào đất liền, đặt chân ra ngõ là có thể làm đầu đón Tết”.

Bà Vân vốn là cư dân làng chài Vông Viêng, chồng mất sớm, mình bà lặn lội mưu sinh trên chiếc thuyền nan nhỏ xíu nuôi 2 con, trong đó người con trai út bị bệnh tâm thần phân liệt. Cuộc sống khốn khó, nghèo đói lênh đênh đeo bám khiến bà chỉ mơ một bữa cơm no, một đêm ngủ ấm, chứ chưa bao giờ dám nghĩ đón Tết.

“Có được căn nhà vững chắc trên đất liền đúng là chuyện cổ tích đời tôi. Giờ tôi ở nhà trông cháu cho con lớn đi làm hướng dẫn viên du lịch ở trên vịnh. Con trai út thì được đưa vào Bệnh viện Tâm thần chăm sóc. Lúc rảnh, tôi sang phụ giúp đứa cháu họ bán hàng, mỗi tháng cháu đưa cho mấy trăm nghìn tiêu vặt”, bà Vân cho hay.

Cuộc đời sang trang mới

Quán mà bà Vân vào làm đầu chính là quán cắt tóc, gội đầu do cô gái Nguyễn Tình, năm nay 20 tuổi làm chủ. Tình cũng là một trong những người đã thực sự đổi đời kể từ khi lên bờ.

Tình nhớ lại, khi còn sống lênh đênh dưới biển, dân làng chài cơ bản đều thất học, mù chữ. Bản thân gia đình Tình cũng vậy, cả 6 chị em chỉ được học biết mặt chữ rồi ở nhà đi câu, đi bắt ốc.

Lâu không đọc, không viết, nên mặt chữ cũng quên hết. Từ khi lên bờ, Tình được dự các lớp xóa mù chữ. Đến khi biết đọc, biết viết, Tình đi học nghề trang điểm rồi về mở quán ở trong khu phố, mỗi tháng thu nhập cũng được 5 - 6 triệu đồng.

Điều may mắn hơn cả với Tình, như lời cô gái nói, quá trình học trang điểm, đã quen và lấy được chồng như bây giờ. Chồng cô làm nghề điện nước, điều kiện gia đình khá giả.

Đây là giấc mơ mà cô chưa từng dám mơ khi còn sống lênh đên trên biển. “Dù mới lấy nhau, nhưng chúng em cũng đã mua được xe máy, sắm được tủ lạnh. Hạnh phúc nhất là mai này lớn lên, con cái sẽ được học hành đầy đủ, chứ không phải lênh đênh như mẹ chúng ngày trước nữa!”, Tình chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Mát, nhà ở giữa khu định cư cũng là người thất học và cũng được “nở mày, nở mặt” từ khi bước chân lên bờ sinh sống. Chị Mát bùi ngùi nhớ lại: “Từ ngày lên đây, được học chữ, được giao tiếp nhiều với bà con trong phường, nên đầu óc chúng em đã mở mang hơn hẳn. Nhờ sự giúp đỡ, tạo điều kiện của Ngân hàng Chính sách - xã hội thành phố và vay mượn thêm của họ hàng, hiện giờ vợ, chồng em đã có tiền mua tàu để buôn bán hải sản. Cuộc sống gia đình em khá lên từng ngày!”.

img

Hạ tầng trong khu tái định cư làng chài được đầu tư hoàn thiện

Sự “đổi đời” của bà Vân, ông Ky, chị Tình, chị Mát và cả nghìn người dân vạn chài trên vịnh Hạ Long bắt đầu khi tỉnh Quảng Ninh và TP Hạ Long quyết tâm xây khu tái định cư Cái Xà Cong để đưa bà con vạn chài lên bờ.

Thời điểm đó, trên vịnh Hạ Long, hộ vạn chài nào gom được chút kinh tế thì làm nhà bè, hộ ít tiền vẫn sinh sống trên chiếc thuyền nan, tổng số dân vạn chài Cửa Vạn, Ba Hang, Vông Viêng bám vịnh Hạ Long sinh sống lên đến gần 5.000 nhân khẩu.

Vì dân số phát triển quá nhanh, sự bùng nổ các hoạt động kinh doanh trên vịnh, môi trường bị ô nhiễm, nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt đã khiến cho đời sống của cư dân làng chài ngày càng cơ cực.

Thêm vào đó, thiên tai với chiều hướng ngày càng khắc nghiệt luôn đe dọa cuộc sống của họ. Do đó, việc đưa các hộ lên bờ định cư được coi là một trong những nhiệm vụ cấp bách.

Khu tái định cư được bố trí nằm tại bãi sú vẹt ở phía Nam phường Hà Phong, có diện tích khoảng 7,6ha với địa hình bằng phẳng, thuận tiện giao thông.

Tổng số nhà ở trong dự án được bố trí là 364 căn, quy mô nhà 1 tầng, mái tôn, diện tích trung bình khoảng 70m2. Hiện nay, các đơn vị liên quan đã tiếp nhận, bố trí 358 hộ dân với 1.806 nhân khẩu lên sinh sống. Cùng với đó, hệ thống hạ tầng gồm giao thông nội bộ, đèn chiếu sáng, nhà văn hoá, trường học, sân thể thao cho khu tái định cư được hoàn thiện, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt của bà con.

Vừa dẫn chúng tôi dạo quanh khu dân cư, ông Ky vừa phấn khởi khoe, trước kia, dưới biển hầu hết thất học, mù chữ, đa số là hộ nghèo, cận nghèo, nên lúc mới về đây, trong khu cũng xảy ra một số tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè.

Thế rồi, nhờ sự giúp đỡ của chính quyền, đến nay, tổ chức đảng được thành lập, các tổ chức chính trị - xã hội được hình thành phát huy tốt vai trò của mình, nên đã giữ được ổn định tình hình.

“Đáng mừng nhất là bà con đều yên tâm sinh sống, làm ăn, nên hiện tại, trong khu không có hộ nghèo, số hộ cận nghèo chỉ còn 3. Hiện số hộ khá, giàu chiếm tới trên 20%. Hầu như nhà nào cũng có đầy đủ đồ dùng sinh hoạt, có nhà còn mua được xe con…”, ông Ky cho hay.

Ông Cao Đăng Long, Chủ tịch UBND phường Hà Phong cho biết, sau hơn 5 năm tái định cư, cuộc sống bước đầu của bà con làng chài tại phường Hà Phong đã ổn định. Hiện phường đang đề nghị mở rộng cảng Cái Xà Cong, xây dựng chợ hải sản để phương tiện lớn vào bán hải sản và mua vật tư đi biển. Phường cũng nghiên cứu quy hoạch khu du lịch sinh thái Cái Xà Cong để hình thành tour du lịch trải nghiệm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.