Thế giới

Dân Mỹ sốc vì Ebola thành lá bài chính trị?

30/10/2014, 09:02

Chính sách kiểm dịch ngặt nghèo đối với những người nghi nhiễm Ebola tại Mỹ đã tạo ra những phản ứng tiêu cực.

Nữ y tá gốc Việt Nina Phạm trò chuyện với Tổng thống Mỹ Obama sau khi khỏi bệnh Ebola
Nữ y tá gốc Việt Nina Phạm trò chuyện với Tổng thống Mỹ Obama sau khi khỏi bệnh Ebola

Siết chặt cửa ngõ hàng không

Cùng với New York và Illinois, New Jersey trở thành bang áp dụng biện pháp kiểm dịch bắt buộc cách li 21 ngày đối với tất cả các nhân viên y tế Mỹ trở về từ vùng dịch Ebola. Tuy nhiên, cuối tuần trước, Thống đốc New York Andrew Cuomo tuyên bố nới lỏng đối với nhân viên y tế, họ không bị bắt ở lại bệnh viện mà sẽ phải ở trong nhà trong vòng 21 ngày.

Trên thực tế, lệnh kiểm dịch bắt buộc trở nên chặt chẽ hơn sau khi bác sĩ Craig Spencer ở New York bị phát hiện nhiễm Ebola vào thứ năm tuần trước, sau khi trở về từ Guinea. Bác sĩ Craig Spencer cũng là người thứ bốn bị nhiễm bệnh ở Mỹ và người đầu tiên tại New York - thành phố lớn nhất nước Mỹ. Trường hợp của ông Spencer càng khiến những lo ngại về sự lây lan bệnh dịch ở Mỹ. Đặc biệt, trước kì bầu cử quốc hội vào ngày 4/11 tới, Ebola đã chính thức trở thành một vấn đề chính trị.

"Các biện pháp kiểm dịch mới có thể làm thoái chí các nhân viên y tế sẽ tới Tây Phi để hỗ trợ cuộc chiến chống lại dịch bệnh Ebola và cách tốt nhất để bảo vệ người dân là ngăn chặn dịch bệnh này ở châu Phi”.

Anthony Fauci Giám đốc Viện Dị ứng và

bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ

Thống đốc Illinois Pat Quinn đã yêu cầu kiểm dịch bắt buộc đối với bất cứ ai từng tiếp xúc với những bệnh nhân Ebola ở vùng dịch. Quyết định này rõ ràng nhắm đến những người tới sân bay quốc tế Chicago O’Hare. Sân bay này là một trong năm sân bay tại Mỹ có hệ thống theo dõi sức khỏe tại chỗ dành cho hành khách từ ba quốc gia Tây Phi, phải nhập cảnh thông qua năm sân bay này.

Sân bay Washington Dulles ở Virginia, Hartsfield-Jackson Atlanta ở Georgia cũng sẵn sàng thực hiện lệnh kiểm dịch và không công bố thêm bất cứ điều gì. Chính quyền của ông Obama cũng đang thảo luận sử dụng biện pháp tương tự trên toàn bộ lãnh thổ. Mặc dù trước đó, ông Obama có bài phát biểu động viên người Mỹ không nên quá lo sợ trước sự lan rộng của Ebola và chính phủ đang làm mọi cách để bảo vệ những nhân viên y tế làm công việc chăm sóc bệnh nhân Ebola. Ebola đã giết chết hơn 5 nghìn người ở các quốc gia Liberia, Sierra Leone và Guinea nhưng theo Tổ chức Y tế thế giới, con số thực sự có thể cao hơn rất nhiều.

Phản ứng trái chiều

Kaci Hickox là một chuyên gia dịch tễ tham gia điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus Ebola ở Sierra. Cô trở về sân bay Newark Liberty vào chiều thứ sáu và sau 7 tiếng đồng hồ đợi ở bệnh viện, cô bị cách li, trải qua hai lần xét nghiệm Ebola đều âm tính và không có bất kì triệu chứng nào. Tuy nhiên, cô vẫn bị cách ly 21 ngày. Kaci nói: "Đây là sự cực đoan không thể chấp nhận nổi. Tôi vốn là người có thể lực tốt nhưng cũng phải cảm thấy kiệt quệ về tinh thần trong quá trình này. 12 tiếng đầu tiên trong bệnh viện, tôi bị sốc và bây giờ là cảm thấy vô cùng giận dữ”.

Giới chức Australia đã ngưng xét duyệt mọi hồ sơ xin thị thực du lịch, học tập, sinh sống tạm thời tại Australia của những người ở các nước mà virus Ebola đang hoành hành, kể cả những người xin thị thực theo chương trình nhân đạo; đặc biệt từ các nước Liberia, Guinea và Sierra Leone. Những người có thị thực sẽ phải trải qua đợt kiểm tra y tế 21 ngày trước khi nhập cảnh vào Australia.

Theo Kaci Hickox, các chính trị gia đã phản ứng một cách vô thức đối với Ebola, không có kế hoạch cụ thể, không lường trước các vấn đề phát sinh. Cô cho rằng, Thống đốc bang New Jersey Chris Christie đã nhầm lẫn khi cho rằng, cô trông rất ốm yếu: “Ông ta đã phán như vậy mà không hề nhìn tôi và tôi không hề có triệu chứng nhiễm bệnh khi vào đây”.

Kaci cho rằng, kiểm dịch bắt buộc không giống như một quyết định liên quan đến sức khỏe cộng đồng, nó giống như một chính sách chính trị. Ông Norman Siegal - Luật sư riêng của Kaci khẳng định: “Kaci làm một công việc của người anh hùng và cô ấy xứng đáng được đối xử tử tế và tôn trọng thay vì bị cách li chỉ bởi vì những chính trị gia thấy rằng làm thế  có vẻ tốt hơn. Các bác sĩ không có lý do y tế nào để tiếp tục giữ cô ấy trong bệnh viện. Chính sách của Thống đốc Christie đang áp dụng là vi hiến. Chúng tôi muốn biết tình trạng y tế thực sự hiện nay là gì và tình trạng ban bố kiểm dịch bắt buộc là cần thiết hay chỉ để phục vụ lợi ích nhóm của các chính trị gia trước ngày bầu cử 4/11”.

Minh Hương

(Theo CNN,  Straight Times)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.