Hồ sơ tài liệu

Dân nghèo nhiều nước khốn khổ vì giá thực phẩm leo thang

24/11/2021, 09:59

Thời tiết cực đoan, dịch bệnh, giá nhiên liệu tăng, thiếu hụt lao động, tình trạng tắc nghẽn, gián đoạn nguồn cung do đại dịch Covid-19…

Ấn Độ: Tận dụng dầu thắp sáng để nấu ăn

Tất cả các yếu tố trên đã đẩy giá thực phẩm thế giới lên mức cao nhất trong vòng một thập kỷ trở lại đây.

Trong lễ hội ánh sáng năm nay, thành phố linh thiêng của Ấn Độ Ayodhya đã thắp sáng hơn 1 triệu cây đèn đất sét, nhuộm cả thành phố và bờ sông bằng một màu hổ phách.

Nhưng sau khi giới chức ra về, từ các ngả, nhiều gia đình nghèo ùa ra, từ người lớn đến trẻ con nhanh tay đổ dầu mù tạt thừa từ cây đèn vào chai và mang về nhà để nấu ăn, theo tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP).

Một video được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy, người dân Ấn Độ đang mua dầu mù tạt với giá 3,22 USD/lít (khoảng 73 nghìn VNĐ) gấp 1,5 lần so với trước đây.

So với vài tháng trước, giá dầu ăn tại Ấn Độ đã tăng 35%. Bà Kavita Verma, 42 tuổi cho biết, hiện tại gia đình bà không đủ tiền để sử dụng loại dầu này. Kể cả dầu cọ, vốn là loại dầu thường chỉ người nghèo mới dùng, cũng đang có giá cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

img

Nhiều người nghèo tại Ấn Độ đã trút lại dầu thừa từ đèn đất sét để về nấu ăn Chụp tại lễ hội ánh sáng ở Ấn Độ). Ảnh: AFP

Bữa ăn không có thịt tại Malaysia

img

Một tổ chức địa phương nấu súp hỗ trợ người nghèo tại Thủ đô Manila, Philippines

Tại Malaysia, nhiều người trong nhóm thu nhập thấp không còn lựa chọn nào khác ngoài việc giảm bớt các món ăn có thịt.

Cô Saliya Zamidi, 47 tuổi, bà mẹ 4 con bất đắc dĩ phải trở thành trụ cột chính trong gia đình sau khi chồng mất việc vì dịch bệnh.

Cả Zamidi và chồng đều chỉ làm việc vặt, đủ tiền thuê nhà, cho các con đi học và rau cháo qua ngày. Lương tháng của Zamidi chỉ khoảng 230 USD/tháng, thấp hơn nhiều so với mức lương trung bình toàn quốc là 700 USD.

Vì có ba con đang ở độ 7 - 17 tuổi nên Zamidi luôn phải cân đo đong đếm từng ngày để đảm bảo cả nhà đủ ăn. Gia đình 5 miệng ăn chỉ dám sử dụng trứng, đậu phụ và rau và gần như không dám mua thịt.

Theo số liệu của Chính phủ Malaysia, chỉ số giá tiêu dùng nước này nhìn chung đã tăng 2,2% trong cùng tháng.

Singapore: Giá thực phẩm cao nhất trong 1 thập kỷ

Tại đất nước phát triển như Singapore, giá thực phẩm cũng tăng cao nhất trong vòng 1 thập kỷ.

Ông Lai Chin Hooi, chủ sở hữu một quầy bán rau tại khu dân cư miền Đông Singapore cho biết: “Các mặt hàng hiện nay đều đắt đỏ và những người làm kinh doanh như chúng tôi rất khó buôn bán”.

Giá rau củ nhập từ Trung Quốc như súp lơ đã tăng khoảng 30-40% trong vài tháng gần đây, nguyên nhân là do khí hậu khắc nghiệt và giá vận tải cao hơn.

Các tổ chức phi lợi nhuận tại Singapore cảnh báo, tình trạng giá cả tăng vọt hiện nay sẽ đẩy những người thất nghiệp vì đại dịch vào cảnh sống khó khăn.

Bà Nichol Ng, người đồng sáng lập Ngân hàng Lương thực Singapore cho biết, tỷ lệ những gia đình “ăn bữa nay, lo bữa mai” tại Singapore tăng cao trong thời gian đại dịch bùng phát.

Bà Nichol Ng dự báo, tình trạng giá tăng hiện nay chỉ là mới bắt đầu, năm sau, khi các trợ cấp dịch bệnh của chính phủ cạn kiệt, tác động sẽ xảy ra toàn diện và mạnh hơn.

Giá thực phẩm tăng tới 31,3%

Tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP) dẫn thông báo từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp thế giới (FAO) cho biết, giá thực phẩm thế giới trong tháng 10 đã tăng lên mức cao nhất trong 1 thập kỷ trở lại đây.

Chỉ số giá thực phẩm đã tăng 3% so với tháng 9 và tăng tới 31,3% so với tháng 10/2020. Một số quốc gia mới nổi đang bị ảnh hưởng nặng nhất, trong đó một phần của Nam Mỹ, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang chứng kiến giá thực phẩm tăng lên mức 2 con số. Kể cả ở các quốc gia giàu nhất trong khối OECD cũng đang trải qua tình trạng giá tăng trung bình 4,5%.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.