Thời sự

Dẫn nghi vấn Tenma hối lộ, ĐBQH đề nghị kiểm toán Nhà nước dự án PPP

28/05/2020, 15:06

Kiểm toán dự án, cơ chế chia sẻ rủi ro là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm khi thảo luận về dự thảo Luật PPP.

img
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng đối với dự án PPP, chỉ kiểm toán những phần thuộc ngân sách Nhà nước, còn lại nhà đầu tư còn có quyền thuê kiểm toán độc lập để kiểm toán phần hoạt động của doanh nghiệp

Kiểm toán Nhà nước phải tham gia để đảm bảo minh bạch

Tại phiên thảo luận trực tuyến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 14 sáng nay (28/5) về dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), vấn đề kiểm toán Nhà nước đối với dự án PPP đã nhận được sự quan tâm, cho ý kiến của nhiều đại biểu.

Một số ý kiến cho rằng Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán tài sản công, tài chính công trong dự án PPP, không kiểm toán vốn đầu tư tư nhân trong dự án. Một số ý kiến khác cho rằng dự án PPP bản chất là đầu tư công nên phải kiểm toán toàn bộ, kể cả phần đầu tư từ nguồn vốn tư nhân. Có ý kiến đề nghị cần cân nhắc kỹ thời điểm nào, giai đoạn nào thực hiện kiểm toán dự án PPP, tránh gây khó khăn trong hoạt động của dự án.

img
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình)

Dẫn vụ việc Công ty Tenma Việt Nam tại Bắc Ninh bị báo chí Nhật Bản phản ánh đưa hối lộ, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho hay, dư luận cho rằng nhiều dự án, nhiều doanh nghiệp tìm cách “bôi trơn”, vì vậy cần thiết phải có kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán dự án PPP và tham gia kiểm toán ngay từ đầu để nâng cao hiệu quả, hiệu lực của Luật, tăng cường tính minh bạch, hạn chế rủi ro, thất thoát ngân sách Nhà nước.

Không đồng tình, đại biểu Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị) cho rằng, nếu đặt vấn đề phải kiểm toán toàn bộ dự án là không hợp lý vì có những dự án nhà đầu tư chỉ yêu cầu Nhà nước hỗ trợ phần giao đất, hỗ trợ mặt bằng đền bù, thì có thể thực hiện kiểm toán tài sản công; Còn toàn bộ phần vốn của nhà đầu tư thì chỉ kiểm soát sản phẩm đầu ra, giá trị đầu ra.

Theo đại biểu Đỗ Văn Sinh, có 3 nội dung cần kiểm toán toàn diện đối với tất cả các dự án. Thứ nhất, toàn bộ việc tuân thủ quá trình thẩm định, phê duyệt, đấu thầu để đảm bảo rằng phê duyệt giá thực chất hơn. Thứ hai, kiểm toán toàn bộ đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ đầu ra. Thứ ba là kiểm toán toàn bộ giá trị tài sản khi nhà đầu tư chuyển giao cho Nhà nước.

“Trong quá trình tổ chức thực hiện, những cấu phần nào hoặc dự án thành phần nào hoàn toàn độc lập, sử dụng tài sản Nhà nước thì được kiểm toán toàn diện theo Luật Đầu tư công. Những cấu phần hoàn toàn vốn tư nhân thì cơ quan liên ngành phải phối hợp với nhà đầu tư để thuê kiểm toán độc lập. Cách thức như vậy đảm bảo được quyền lợi của nhà đầu tư, đảm bảo quyền lợi của Nhà nước đảm bảo quyền lợi của nhân dân”, đại biểu Sinh nêu ý kiến.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, dự án PPP là dự án có mục tiêu đầu tư công và nguồn đầu tư là công - tư nên không hẳn là một dự án đầu tư công. Dự án này được thực hiện qua hợp đồng giữa một bên là nhà nước, cơ quan đại diện có thẩm quyền và một bên là doanh nghiệp.

Bộ trưởng Dũng cho rằng, với đặc thù như vậy chỉ kiểm toán những phần thuộc ngân sách Nhà nước, còn lại nhà đầu tư còn có quyền thuê kiểm toán độc lập để kiểm toán phần hoạt động của doanh nghiệp để đảm bảo bình đẳng giữa hai bên.

img
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, cơ chế chia sẻ phần tăng hoặc giảm doanh thu trên cơ sở kiểm toán doanh thu hàng năm là hoàn toàn phù hợp.

Chỉ chia sẻ rủi ro trên tăng, giảm doanh thu

Cơ chế chia sẻ rủi ro ra sao để vừa đảm bảo quyền lợi, thu hút nhà đầu tư, vừa đảm bảo lợi ích của Nhà nước cũng được nhiều đại biểu cho ý kiến.

Dự thảo Luật đưa ra cơ chế chia sẻ trên phần tăng, giảm doanh thu. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, đây là một cơ chế mang tính cách mạng, hết sức đặc biệt của bộ luật này.

“Nếu như bộ luật chúng ta không có được các cơ chế này thì xin khẳng định là sẽ không thể hấp dẫn được các nhà đầu tư. Tại sao là chia sẻ theo doanh thu chứ không phải chia sẻ theo lỗ, lãi. Thứ nhất, nó đã được nghiên cứu và thảo luận, phân tích, đánh giá hết sức kỹ lưỡng. Thứ hai là phù hợp với thông lệ quốc tế. Thứ ba là bảo đảm phản ánh và kiểm soát được tình hình tài chính của doanh nghiệp. Nếu chúng ta kiểm soát qua doanh thu thì chúng ta kiểm soát sẽ đảm bảo thuận lợi hơn. Nếu chúng ta kiểm soát bằng lỗ, lãi thì đây là một vấn đề rất khó, vì chúng ta không thể kiểm soát được quá trình hoạt động và lỗ, lãi của doanh nghiệp”, Bộ trưởng Dũng nói.

Thống nhất cơ chế chia sẻ này, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng, có rất nhiều yếu tố tác động trong thời gian thực hiện và đưa vào khai thác, sử dụng dự án. Ví dụ như thay đổi tỷ giá, lãi suất vay… sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp dự án PPP cố tình tăng cao các chi phí quản lý để tránh lãi phát sinh lớn hoặc nếu lỗ sẽ lỗ nhiều hơn làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước. Cơ chế chia sẻ phần tăng hoặc giảm doanh thu trên cơ sở kiểm toán doanh thu hàng năm là hoàn toàn phù hợp.

Tuy nhiên, về tỷ lệ chia sẻ rủi ro, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (đoàn Hà Nội) nêu quan điểm: “Khi doanh thu tăng thì chia 50% - 50% đối với nhà nước và nhà đầu tư thì tôi đồng ý. Nhưng khi doanh thu giảm, vẫn tỷ lệ 50% - 50% thì tôi thấy hoàn toàn không đúng. Bởi vì, khi doanh thu giảm thì có thể do lỗi điều chỉnh quy hoạch và chính sách, điều này chia sẻ 50% - 50% là hoàn toàn hợp lý. Nhưng khi quy hoạch không có thay đổi, chính sách cũng không thay đổi mà doanh thu vẫn giảm thì chúng ta phải xác định rõ lỗi thuộc nhà đầu tư bao nhiêu phần trăm và lỗi của nhà nước là bao nhiêu phần trăm một cách khách quan, để chúng ta đàm phán và quy ra tỷ lệ.”

Giải trình, làm rõ xung quanh những ý kiến khác nhau về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Nếu giảm doanh thu dưới 75% thì Nhà nước mới phải chia sẻ và trước khi chia sẻ thì phải thực hiện điều chỉnh các hợp đồng, như là thời hạn thu, mức thu. Còn tăng doanh thu lên thì trên 125%, bất kể lý do nào cũng chia 50% - 50% với Nhà nước”

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.