Chỉ được mua các thiết bị đã đăng ký
Thương vụ Việt Nam tại Singapore thông tin, Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore (NEA) mở rộng Chương trình dán nhãn năng lượng bắt buộc (MELS) và Tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tối thiểu (MEPS) cho sản phẩm máy nước nóng gia dụng và tủ lạnh bảo quản thương mại từ ngày 1/4/2025.
Các quy định này nhằm cho phép người tiêu dùng và doanh nghiệp lựa chọn các sản phẩm tiết kiệm năng lượng hơn, giảm thiểu chi phí sử dụng năng lượng và đóng góp vào nỗ lực thực hiện cam kết trung hòa cacbon của Singapore.
Máy nước nóng, là thiết bị sử dụng nhiều năng lượng thứ ba trong các hộ gia đình tại Singapore, chỉ đứng sau máy điều hòa không khí và tủ lạnh, chiếm 10% mức tiêu thụ năng lượng của một hộ gia đình thông thường. Còn tủ lạnh bảo quản thương mại, là thiết bị thiết yếu trong các cơ sở thực phẩm, và là một trong những thiết bị tiêu tốn nhiều năng lượng nhất trong các bếp ăn.
Đối với 2 loại thiết bị này, NEA đưa ra các tiêu chuẩn năng lượng tối thiểu và nhãn năng lượng với thang đánh giá 5 điểm cho tất cả các loại máy nước nóng thường được sử dụng trong các hộ gia đình và tủ lạnh bảo quản thương mại, nhằm giúp người tiêu dùng và doanh nghiệp xác định hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm chi phí và khuyến khích các nhà cung cấp đưa ra các sản phẩm tiết kiệm năng lượng hơn.
NEA cũng nhắc lại các quy định pháp lý bắt buộc cho các thiết bị điều hòa không khí di động, các loại đèn và máy thu hình cũng sẽ áp dụng từ ngày 1/4/2024 theo quy định NEA-LSD-CIRCULAR-ECA-00002-2023.
Tại Singapore, người tiêu dùng chỉ được mua các thiết bị đã đăng ký với NEA và có tên trong Cơ sở dữ liệu hàng hóa đã đăng ký của NEA. Chương trình dán nhãn năng lượng bắt buộc được áp dụng cho các hàng hóa được NEA quản lý nhằm giúp người tiêu dùng so sánh hiệu quả sử dụng năng lượng và đưa ra quyết định mua hàng sáng suốt hơn.
Mục tiêu của Chương trình dán nhãn năng lượng bắt buộc là nâng cao hiệu suất năng lượng trung bình của hàng hóa được quản lý trên thị trường.
Theo đó, các nhà nhập khẩu và nhà sản xuất muốn cung cấp hàng hóa vào thị trường Singapore đều phải nộp đơn lên NEA để trở thành nhà cung cấp đã được đăng ký.
Theo ông Cao Xuân Thắng, Tham tán thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, các doanh nghiệp không tuân thủ sẽ có thể bị phạt tới 10.000 $ Singapore.
Việt Nam thực hiện ra sao?
Năm 2008, chương trình dán nhãn năng lượng được Bộ Công thương bắt đầu triển khai trên tinh thần tự nguyện, nhằm giúp tuyên truyền phổ biến kiến thức đến doanh nghiệp và người dân về các sản phẩm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Từ 1/7/2013 đến nay, theo lộ trình, việc dán nhãn năng lượng đã chuyển từ tự nguyện sang bắt buộc, nhiều mặt hàng từ điện tử, điện lạnh đến xe cơ giới đã phải dán nhãn tiêu thụ năng lượng. Đây là nhãn chứa thông tin về loại năng lượng sử dụng, hiệu suất năng lượng và các thông tin cơ bản để người tiêu dùng có sự so sánh đối chiếu với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Với các sản phẩm như bóng đèn, điều hòa, tủ lạnh, máy giặt, nồi cơm điện, quạt điện áp dụng dán nhãn năng lượng, người tiêu dùng chỉ cần quan tâm đến nhãn so sánh và nhãn xác nhận của sản phẩm là đủ.
Trong đó, nhãn xác nhận là chứng nhận sản phẩm có hiệu suất năng lượng cao nhất so với các sản phẩm cùng loại. Còn trên nhãn so sánh, căn cứ theo các mức tiết kiệm từ 1 sao đến 5 sao, "nhiều sao hơn - tiết kiệm hơn", với thông điệp này người tiêu dùng có thể dễ dàng chọn mua sản phẩm tiết kiệm năng lượng mà không phải tìm hiểu quá nhiều. Bởi các sản phẩm đã được đánh giá theo các tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) do Bộ Công thương phối hợp với Bộ Khoa học & Công nghệ xây dựng.
Chương trình chuyển đổi thị trường và quản lý hiệu suất năng lượng của phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng được Luật hóa tại chương IX- Quản lý phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng (Điều 37, 38,39,40) của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Các quy định chi tiết được hướng dẫn tại Nghị định 21 và Quyết định 51(hiện nay được thay thế bởi Quyết định 04) về quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng và áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu.
Chương trình dán nhãn năng lượng quy định bắt buộc các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phương tiện, thiết bị phải công khai minh bạch về hiệu suất năng lượng của các sản phẩm sử dụng năng lượng trong các khâu sản xuất, kinh doanh trên thị trường. Đồng thời, các phương tiện, thiết bị lạc hậu, hiệu suất năng lượng thấp dưới mức tối thiểu sẽ bị cấm sản xuất và kinh doanh trên thị trường.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, chưa bắt buộc người tiêu dùng phải mua hàng hóa có dán nhãn và cũng chưa có quy định xử phạt nếu không dán nhãn, vì thế, hiệu quả của chương trình dù bước đầu đã tạo thói quen cho cả người dùng lẫn nhà sản xuất, song sức lan tỏa chưa lớn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận