Xã hội

Dân nhậu tự lái xe về ngày càng ít

04/03/2015, 19:00

Tại quán nhậu thí điểm mô hình đưa người say về tận nhà, lượng khách tự lái xe về giảm rõ rệt.

31
Nhà hàng Tràng An - nơi đầu tiên thí điểm mô hình “Điểm kinh doanh rượu, bia ATGT”

Đó là chia sẻ của anh Phan Đoàn Lâm, Quản lý nhà hàng Tràng An (số 42 Tăng Bạt Hổ, Hà Nội) - nơi được chọn là điểm đầu tiên thí điểm mô hình “Điểm kinh doanh rượu, bia ATGT”, trong đó có dịch vụ đưa khách say về tận nhà.

Tuyển bảo vệ phải có bằng lái xe

“Ngày đầu tiên tiến hành thí điểm, hầu hết các khách hàng đến quán, cả khách lạ và khách quen đều tỏ ra ngỡ ngàng, thắc mắc khi thấy trong nhà hàng có rất nhiều biển hiệu tuyên truyền về việc lái xe an toàn sau khi uống rượu, bia, từ cổng vào, từ cánh cửa, bàn ăn, chỗ ngồi của khách cho đến nhà vệ sinh cũng đều có. Ngoài ra, các logo tuyên truyền còn được in trên đồng phục nhân viên, trên các bao đũa, lót ly…”, anh Lâm nói.

Khi phía Ủy ban ATGT Quốc gia đề đạt đến chuyện này, phía nhà hàng cứ ngỡ họ... nói đùa. Nhưng khi Ủy ban đưa ra văn bản đề xuất cụ thể với những yêu cầu và quyền lợi rõ ràng, nhà hàng lại thấy việc này rất hữu ích.

Trước đó, Ủy ban ATGT Quốc gia và Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam đã xây dựng mô hình "Điểm kinh doanh rượu, bia ATGT" thí điểm tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM. Theo đó, tại các điểm kinh doanh bia, rượu sẽ vận động khách hàng không lái xe sau khi uống bia, rượu; Tổ chức dịch vụ trông giữ xe qua đêm; Tổ chức dịch vụ xe đưa khách hàng đã uống rượu, bia về nhà. Tại Hà Nội, nhà hàng Tràng An được chọn là địa điểm đầu tiên thí điểm mô hình này.

Theo thỏa thuận, phía nhà hàng sẽ cho trưng các biển đèn và cho treo các logo mang tính chất tuyên truyền về việc “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”, “Tính mạng là trên hết”… tại tất cả các vị trí mà khách ngồi, in trên cả khăn ăn, bao đũa, lót ly…

Trước ngày áp dụng, nhà hàng cũng phải khá vất vả mới tìm và tuyển được hai nhân viên bảo vệ có bằng lái xe. Trước đây, một nhân viên bảo vệ thông thường, nhà hàng chỉ phải trả mức lương 4 - 5 triệu đồng/tháng, nhưng riêng với nhân viên bảo vệ có bằng lái xe, phải trả cho họ mức lương 7 triệu đồng/tháng.

Nhằm đáp ứng nhu cầu để xe qua đêm của khách khi khách say và cần đưa về, nhà hàng cũng đã bố trí một bãi đậu xe rất rộng đối diện bên kia đường.

“Chúng tôi đã có những cơ sở vật chất đủ để đảm bảo cho việc thực hiện thí điểm. Bãi đỗ xe rộng hàng trăm m2 nên không bao giờ phải lo xe của khách không có chỗ để. Với các khách hàng khi uống say, chúng tôi luôn có trách nhiệm cao nhất để bảo vệ tài sản cho khách, rất hiếm khi xảy ra tình trạng khách mất tài sản khi uống say tại nhà hàng”, anh Lâm cho hay.

Sau gần một tháng, chưa phải đưa khách nào về

Tính đến ngày 4/3, chỉ còn bốn ngày nữa là tròn một tháng thí điểm mô hình “Điểm kinh doanh rượu, bia ATGT”, sẵn sàng đưa khách hàng về nếu khách say, nhưng quản lý nhà hàng Tràng An cho biết, vẫn chưa đưa bất cứ người khách nào về nhà.

“Cũng có nhiều trường hợp khách đến nhà hàng uống rượu say, nhưng hầu như khi đó, họ đều đi cùng với vợ con, bạn bè, đồng nghiệp hay những người thân trong gia đình, nên khi chúng tôi tới thuyết phục đưa khách say về thì người nhà đều bày tỏ thái độ cảm ơn trước nhã ý của nhà hàng”, anh Lâm kể.

Thực hiện thí điểm mô hình, khi thấy khách hàng say, nhân viên nhà hàng sẽ có trách nhiệm tuyên truyền, giới thiệu tới khách về việc không nên lái xe sau khi sử dụng rượu. Đặc biệt, nhân viên sẽ tư vấn cho khách gửi xe ô tô tại nhà hàng, đi taxi về. Hoặc nhân viên bảo vệ của quán sẽ đưa khách về tận nhà bằng ô tô của nhà hàng.

Nhà hàng cũng đã chọn hãng Taxi Group để hỗ trợ thực hiện thí điểm dịch vụ này. Chi phí đi taxi sẽ do nhà hàng, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, Ủy ban ATGTQG chi trả, xe để qua đêm tại nhà hàng cũng không mất tiền.

“Trong trường hợp khách hàng say mà muốn đi xe riêng của mình về nhà, nhân viên nhà hàng sẽ đề nghị lái xe thay cho khách. Khi chở khách về tới nhà, nhân viên sẽ bàn giao phương tiện, đồ đạc cho người thân của khách. Khi người thân khách say xác nhận đã nhận đủ đồ đạc thì nhân viên mới bắt xe ôm quay trở lại nhà hàng”, quản lý nhà hàng Tràng An thông tin thêm.

Trước khi tiến hành thí điểm dịch vụ này, đội ngũ nhân viên nhà hàng gồm khoảng 40 người cũng đã được Ủy ban ATGT Quốc gia phổ biến, tuyên truyền về việc không lái xe sau khi uống rượu, bia, để khi khách hàng hỏi thì nhân viên có thể giải thích ngay.

Theo anh Lâm, kể từ khi áp dụng thí điểm mô hình này tại nhà hàng, lượng khách đến uống rượu và trở về bằng xe taxi chứ không tự điều khiển xe cũng ngày một tăng, điều đó chứng tỏ mô hình cũng đang phát huy hiệu quả, nếu được nhân rộng sẽ rất tốt.

Anh Lâm cho biết dự kiến cuối tháng này, nhà hàng sẽ cùng ngồi lại với các bên liên quan để đánh giá lại việc tiến hành thí điểm mô hình trên và bàn tới các giải pháp tiếp theo. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.