Làm báo cùng Giao thông

Đạn nổ rầm rầm sao gọi là phế liệu?

12/01/2018, 08:49

Hàng tấn, có lẽ phải là hơn chục tấn đạn vẫn thường được gọi là phế liệu lang thang đâu đó trong dân...

16

Người dân nhặt đạn vương vãi khắp nơi sau vụ nổ kho phế liệu ở Bắc Ninh - Ảnh: IT

Một người buôn phế liệu tên Nguyễn Đức Doanh chủ động khai báo với chính quyền xã Dân Tiến (Khoái Châu, Hưng Yên) về 2 tấn đạn “phế liệu” trong vườn.

Lý do tự khai báo là vì vụ nổ kho đạn ở Bắc Ninh khiến ông Doanh thấy sợ hãi.

7 tấn đầu đạn trong kho phế liệu bị nổ ở xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh từ đâu mà có, ai bán, ai có chừng đó đạn để bán, đến nay chưa có người trả lời. Vậy thì tiếp tục hỏi, 2 tấn đạn của ông Nguyễn Đức Doanh từ đâu mà có, mua ở đâu?

Và hỏi luôn chính quyền xã Dân Tiến, tại sao 2 tấn đạn chứa ở trên địa bàn xã mà các ông không biết? May mà nó chưa nổ, may mà ông chủ kho đạn này đi khai báo. Quản lý sát sao vậy đó.

Về vụ nổ khủng khiếp ở Bắc Ninh, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò phân tích đúng chất nhà lính, khó cãi được: Không thể gọi những thứ này là phế liệu mà là vũ khí, vật liệu nổ chưa qua xử lý, bởi vì phế liệu thì không thể nổ được. Nghe tướng Sùng Thìn Cò nói mới thấy mở óc ra, đạn nổ rầm rầm như vậy sao gọi là phế liệu. Cứ đánh lừa nhau thế này nên dân nghĩ đó là phế liệu, mua bán hồn nhiên, hậu quả nhãn tiền.

Còn bao nhiêu kho đạn tương tự trong các bãi phế liệu khắp nơi, có người quý mạng sống nên chủ động khai báo, nhưng có người tiếc của vẫn buôn bán. Không ai biết được có vụ nổ nào nữa sẽ xảy ra và ở đâu, cho nên chính quyền phải ra tay dẹp tận gốc.

Phải truy trách nhiệm của các cơ quan quản lý thuộc Bộ Quốc phòng. Bởi vì, có nguồn đạn sót lại sau chiến tranh nhưng chắc chắn không nhiều đến hàng tấn, vậy thì phải có nguồn cung cấp khác cho các nhà buôn phế liệu, như tướng Sùng Thìn Cò cảnh báo trên báo chí: “Hiện nay, trong quân đội có rất nhiều vũ khí gọi là vũ khí cấp 5, gồm các loại không còn sử dụng được trong huấn luyện, chiến đấu nên được thải loại rồi đem đi tiêu hủy. Những vũ khí này vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát nổ. Vì thế, nếu việc quản lý các loại vũ khí cấp 5 này không chặt chẽ, để những người trong cơ quan quản lý có hành vi tiêu cực mang ra ngoài bán cho các cơ sở phế liệu là vô cùng nguy hiểm”.

Chiến tranh đã lùi xa 43 năm, chẳng lẽ dân mình cứ chịu chết vì bom đạn? Dân nghèo vì miếng cơm mà coi thường chính mạng sống của mình, đi lượm đạn, cưa bom, nhưng chính quyền không thể kệ cho dân muốn làm gì thì làm. Phải có cách ngăn chặn, bằng tuyên truyền và bằng việc thu gom, tiêu hủy cho bằng hết.

Nơi nào có kho đạn núp bóng buôn bán phế liệu thì ngoài xử lý nhà buôn, cách chức lãnh đạo địa phương. Truy tìm nguồn gốc của những tấn đạn để tìm ra nơi bán, xử lý kỷ luật người cung cấp, nếu đủ căn cứ thì truy tố trước pháp luật.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.