Xã hội

Dân Pá Mỵ bán trâu, bò góp tiền mở đường xuyên núi

16/12/2016, 09:05
image

Người dân xóm Pá Mỵ phấn khởi khi con đường đất xuyên núi sắp hoàn thành, phá vỡ thế cô lập của xóm nghèo.

IMG_0092

Người dân xóm Pá Mỵ phấn khởi khi con đường đất xuyên núi sắp hoàn thành, sẽ phá vỡ thế cô lập của xóm nghèo miền núi.

Dù cuộc sống rất khó khăn, nhưng 11 hộ dân nghèo xóm Pá Mỵ đã tự nguyện bán trâu, bò, góp tiền mở đường xuyên núi để “con cháu đến với cái chữ, tương lai người dân bớt nghèo”.

“Ốc đảo” Pá Mỵ

Từ QL1 thuộc địa bàn huyện Chi Lăng (Lạng Sơn), vượt hơn 40km đường bê tông được xây dựng từ chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (chương trình 135) vào tới thôn Nà Lìa, xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng. Dù chỉ cách hơn 40km nhưng để đi xe máy vào thôn Nà Kìa cũng mất hơn 2 tiếng đồng hồ vì địa hình núi cao, liên tục có những đoạn dốc thẳng đứng và xen kẽ các khúc cua nguy hiểm.

Đầu thôn Nà Lìa đang xây dựng một con đường đất đỏ xuyên núi dài 7km. Một máy xúc ủi nhỏ đang đào đắp mặt đường, hai bên triền đồi là hàng chục người dân hăng hái vác đá, chặt cây để mở đường. Anh Vi Ngọc Kế, người dân thôn Nà Lìa đang giúp bà con chặt cây làm kè đường cho biết, con đường xuyên núi này được 11 hộ dân xóm Pá Mỵ góp tiền làm và được khởi công từ ngày 6/7/2016. “Khi nào con đường này xong thì mới phá thế cô lập của thôn nghèo Pá Mỵ. Còn bây giờ chỉ có cách lội bộ vào xóm thôi”, anh Kế nói.

Để đi tới xóm Pá Mỵ, chúng tôi phải dựng xe máy ngoài thôn, vượt qua gần 5km đường suối với những mỏm đá lởm chởm, dòng nước chảy xiết, thỉnh thoảng có những con rắn từ trong bụi rậm trườn qua vách đá “hù dọa” khách lạ. Sau 2 tiếng vượt đường suối, chúng tôi mới đến được xóm Pá Mỵ. Chỉ tay về phía con đường dang dở, ông Nguyễn Văn Xuân (SN 1974, xóm Pá Mỵ, thôn Nà Lìa) cho biết, mùa này còn lội bộ vào thôn được, chứ mùa lũ nước lên, cả xóm Pá Mỵ bị cô lập. “Muốn sang ruộng chăm lúa cũng không được. Gặt rồi muốn đưa thóc về nhà cũng chỉ có cách chở thóc bằng xe máy đến bờ suối, để xe lại đó rồi gánh thóc băng qua đá, qua suối về nhà”, ông Xuân kể.

Địa hình cách trở cheo leo, nên Pá Mỵ có 11 hộ dân thì có 8 hộ nghèo và 3 hộ cận nghèo phân bố rải rác dọc theo triền núi, có nhà nằm chênh vênh giữa sườn đồi, xung quanh là những thửa ruộng bậc thang. Xóm có 11 cháu đang đi học, ngày thường, những cháu lớn men theo đường suối đến trường ở trung tâm thôn, còn những cháu nhỏ bố mẹ phải địu đi. Ngày lũ lên thì các cháu buộc phải ở nhà.

Không chỉ khó khăn cho việc học của các cháu mà ngay cả kinh tế của xóm cũng không thể phát triển. Anh Hoàng Văn Trường (SN 1987, xóm Pá Mỵ) cho biết: “Không có đường nên mỗi lần bán trâu, bò đều phải dắt qua đường suối hiểm trở. Đường xa, đi lại khó khăn nên nhiều thương lái ép giá, trả rất thấp. Có những hôm mất cả nửa ngày mang trâu ra mà họ không mua lại phải dắt về nhà rất vất vả. Chưa kể mỗi lần trong nhà có người ốm, chúng tôi phải đặt người bệnh lên võng gánh theo đường suối để ra trạm y tế xã, có những đêm vừa soi đèn vừa mò đường đi, ra được tới trạm thì bệnh càng thêm nặng”,

Theo anh Trường, từ Pá Mỵ muốn đến được trung tâm thôn phải mất cả một ngày đi bộ. Cũng vì đường đi lại khó khăn mà năm 2003 có một điểm trường được đặt tại xóm đã phải đóng cửa, nhiều trẻ nhỏ phải bỏ học giữa chừng.

Con đường hy vọng

Theo ông Luận, trưởng thôn Nà Lìa, lúc đầu khi lên kế hoạch làm đường, người dân băn khoăn vì chi phí quá lớn do đường phải xuyên núi. Nhưng nghĩ đến cuộc sống bao năm vất vả, tương lai con cháu sau này nghèo khổ như mình nên 11 hộ dân xóm Pá Mỵ động viên nhau thu gom tiền bạc, thuê một chiếc máy xúc ủi loại nhỏ và tự làm đường.

“Để có tiền làm đường, các hộ dân ở đây phải xoay xở đủ cách, nhà tôi bán 6 con trâu, bán cả thóc, ngô còn hộ dân ông Vội cũng phải bán 3 con trâu. Thế nhưng, đến giờ tiền thuê máy xúc vẫn chưa trả hết, chỉ mong đàn gà mau lớn để bán đi có tiền đóng góp tiếp”, ông Xuân tâm sự.

Để mở rộng con đường dài 7km, rộng 3-5m, mỗi hộ dân đã tự nguyện bỏ ra 30 triệu đồng thuê máy xúc và mỗi ngày cử hai hộ dân ra trông máy, dọn đất đá, cây cối trên đường để máy xúc làm việc dễ dàng. Chi phí mỗi giờ thuê máy xúc là 530 nghìn đồng.

Sau hơn ba tháng thi công, con đường xuyên núi cũng sắp hoàn thành, đó là niềm vui vô bờ bến của người dân xóm Pá Mỵ. Bởi, khi có đường, cuộc sống người dân Pá Mỵ mới có cơ hội dần thay đổi. Anh Trường đã lên kế hoạch mua một chiếc xe máy, mong đến ngày được chở con đến trường, chở hàng hóa nông sản từ ruộng về nhà, từ nhà ra chợ bán...

Để ủng hộ tinh thần đoàn kết đóng góp công sức tự mở đường của người dân, chính quyền huyện Chi Lăng đã bố trí ngân sách hỗ trợ cống thoát nước, kiên cố hóa những đoạn xung yếu để hoàn thiện con đường. Tuy nhiên, về cơ bản, con đường này vẫn là đường đất, ngày mưa đi lại khó khăn, dễ bị chia cắt.

Kinh phí của bà con chỉ đủ để thuê máy xúc mở đường đất xuyên núi, còn đổ bê tông thì không đủ, nên người dân thôn Pá Mỵ chỉ mong chính quyền, các cơ quan chức năng giúp sức để bà con có đường đẹp hơn, vừa đảm bảo an toàn khi lại, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.