Xã hội

Dân sai xử tù, lãnh đạo sai lại... thăng chức: Một dự án hai chính sách

17/05/2020, 06:34

Cùng thuộc Dự án di dân, tái định cư xây dựng Trường bắn Quốc gia nhưng chính sách bồi thường khiến người dân thắc mắc, khiếu kiện kéo dài...

img
Ông Trần Trung Kim (di dân từ thôn Đồng Dù, xã Kim Sơn) bức xúc vì hàng trăm cây vải thiều của gia đình chỉ được đền bù với đơn giá 371 nghìn đồng/cây

Có gia đình thiệt hại hơn 300 triệu khi di dân

Báo Giao thông số ra ngày 11 và 13/5 liên tiếp đăng tải các bài viết: “Bắc Giang: Dân sai xử tù, lãnh đạo sai lại… thăng chức”, “Tỉnh Bắc Giang làm trái quy định đến bao giờ?”, phản ánh những sai phạm, bất cập trong thực hiện Dự án di dân, tái định cư xây dựng Trường bắn Quốc gia khu vực 1 (Trường bắn TB1).

Sau khi báo phát hành, tòa soạn tiếp tục nhận được thông tin phản ánh của người dân về những bất cập trong thực hiện dự án này.

Theo đó, năm 2003, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức đền bù, hỗ trợ di dân, tái định cư cho 79 hộ dân sinh sống tại làng Lược, xã Kim Sơn chuyển đến các xã Tân Quang, Tân Lập và Quý Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Theo đó, các hộ có cây vải thiều đường kính gốc từ 22cm trở lên được đền bù 1,2 triệu đồng/cây.

Trong khi đó, đến năm 2006, các hộ di dân trong dự án từ thôn Đồng Dù, xã Kim Sơn đến thôn Biển Trên, xã Biển Động, huyện Lục Ngạn chỉ được đền bù 371 nghìn đồng/cây.

“Lúc đó, mỗi hộ chúng tôi đều có hàng trăm cây vải thiều đang kỳ cho thu hoạch, khi giá đền bù bị giảm, tính sơ gia đình tôi thiệt hơn 300 triệu đồng. Cả gia đình có 3 nhân khẩu và gần 10ha đất canh tác cùng nhà cửa, cây cối nhưng tổng tiền hỗ trợ chỉ được hơn 135 triệu đồng”, ông Trần Trung Kim, di dân từ thôn Đồng Dù cho biết.

Điều người dân bất bình nữa là chính sách bồi thường thiếu thống nhất giữa các đợt hỗ trợ. Đơn cử, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành quy định các hộ di dân, tái định cư theo dạng xen ghép với cộng đồng dân cư sẽ không được bồi thường về đất mà chỉ được hỗ trợ 15 triệu đồng/khẩu để mua đất, xây nhà, di chuyển chỗ ở ra ngoài dự án.

Tuy nhiên, hộ di chuyển từ năm 2007 trở về sau và các hộ sinh sống tại tỉnh Lạng Sơn thuộc vùng dự án lại được áp dụng mức giá gần gấp đôi là 26 triệu đồng/khẩu.

Bên cạnh đó, hộ mất hết đất đai, nhà cửa, phải tái định cư thì không được bồi thường đất, trong khi những gia đình sinh sống bên ngoài, có đất trong dự án lại được đền bù với giá gần 13 triệu đồng/sào ruộng khiến người dân bức xúc, so bì.

Do chính sách có nhiều thay đổi (!?)

Trong văn bản trả lời ý kiến của người dân, Sở Tài chính tỉnh Bắc Giang cho biết, giá đền bù cây ăn quả giữa các năm và các đợt di dân có sự khác nhau là do các phương án bồi thường, hỗ trợ được thực hiện theo quyết định của UBND tỉnh quy định đơn giá chung cho toàn tỉnh trong từng năm.

Theo đó, giá đền bù cây vải thiều sẽ được áp dụng theo giá cả thị trường, nguồn thu từ cây ăn quả. Vì vậy, áp giá có sự khác nhau giữa các đợt di dân.

Liên quan đến kiến nghị mức bồi thường nhân khẩu, UBND tỉnh Bắc Giang cho rằng, ngày 10/10/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1366/QĐ-TTg quy định nâng mức bồi thường đất ở, đất sản xuất đối với các hộ tái định cư xen ghép, tự nguyện di chuyển chỗ ở lên 26 triệu đồng/khẩu.

Trước đó, mức tiền hỗ trợ này được Chính phủ quy định là 15 triệu đồng/khẩu. Thời điểm áp dụng là từ ngày 1/1/2007 nên các hộ di chuyển các đợt trước đều chỉ được hưởng mức hỗ trợ cũ.

Dự án Trường bắn TB1 đã khiến 2.534 hộ với 12.035 nhân khẩu tại 2 huyện Lục Ngạn và Sơn Động, tỉnh Bắc Giang bị ảnh hưởng.

Lý giải việc trong cùng một dự án, nhưng chính sách bồi thường (theo nhân khẩu) giữa 2 tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn có sự khác nhau (tỉnh Lạng Sơn áp dụng đồng bộ mức hỗ trợ tiền 26 triệu đồng/khẩu đối với tất cả các đợt di dân), ông Bùi Văn Hạnh, Phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang (nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo dự án này của tỉnh Bắc Giang) cho biết: Do UBND tỉnh Lạng Sơn áp dụng quy định “hồi tố” cho tất cả các hộ cùng hưởng chính sách mới của Chính phủ. Trong khi đó, số hộ bị ảnh hưởng của Bắc Giang quá lớn nên không thể áp dụng quy định này.

Trao đổi với PV Báo Giao thông về thông tin phản ánh trong bài viết: “Dân sai xử tù, lãnh đạo sai lại... thăng chức”, ông Nguyễn Công Thức, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Bắc Giang cho biết, không nắm được hồ sơ cán bộ và quy trình bổ nhiệm đối với ông Bùi Văn Hạnh, Phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang vì đã được thực hiện từ các nhiệm kỳ trước. Trong quá trình sinh hoạt Ban Thường vụ Tỉnh ủy cùng nhau, ông chưa nghe thấy ông Hạnh bị xử lý kỷ luật bao giờ.

Trường hợp của ông La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn thì đã bị kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo từ năm 2017 khi đang là Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lục Ngạn. Lý do kỷ luật vì liên quan đến trách nhiệm lãnh đạo khi làm Phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, không liên quan đến dự án TB1.

Tháng 2 vừa qua, khi thực hiện quy trình bổ nhiệm Chủ tịch UBND huyện, ông Nam đều đạt phiếu tín nhiệm. Trước khi bổ nhiệm, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bắc Giang có tham khảo ý kiến Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và các ngành chức năng liên quan của tỉnh nhưng các đơn vị đều không có ý kiến phản đối gì.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.