Điều tra

Dân "sống dở, chết dở" giữa 2 nhà máy xi măng

12/04/2016, 13:02

Hàng trăm hộ dân hai xã của huyện Lương Sơn ám ảnh khi phải sống chung với tiếng ồn, bụi bẩn và ô nhiễm.

Hinh 2 (4)

Người dân ở xóm Lộc Môn phản ánh Nhà máy xi măng Trung Sơn gây ô nhiễm

Nhà máy xi măng Trung Sơn (nằm trên địa bàn xã Trung Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) có công suất lên tới gần 1 triệu tấn/năm nhưng lại được bố trí ngay sát khu vực dân cư sinh sống, khiến đời sống, sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng nặng nề.

Cá chết, cây “vô sinh”

Như dồn nén bức xúc từ lâu, khi biết có PV tới gặp, bà Đinh Thị Hiền (SN 1949, trú tại xóm Lộc Môn) tập hợp cả gia đình lại để “tố khổ”: “Từ ngày nhà máy xi măng này đi vào hoạt động, tôi hầu như chẳng hôm nào ngủ ngon giấc. Trừ những lúc máy móc trục trặc, còn lại là ầm ầm suốt ngày đêm như máy xay trên đầu”, bà Hiền nói oang oang như hét vào mặt chúng tôi. Sợ cơn bức xúc của mẹ chồng dâng lên, người con dâu, chị Nguyễn Thị Thảo (SN 1985) ngồi bên đỡ lời: “Khổ lắm, tiếng ồn, khói bụi, mùi hôi… Quần áo thì phải phơi trong gốc cây cho đỡ bị bụi bám, rau cỏ trong vườn hầu như chẳng ăn được vì bụi xi măng bám. Đem rửa đến mấy lần nước rồi, nhưng chỉ cần để ráo nước là lá rau lập tức xuất hiện mảng trắng bám trên mặt”, chị Thảo kể.

Cũng chính bởi sống trong môi trường tiếng ồn lớn mà bà Hiền và không ít người dân ở xóm Lộc Môn này bị lãng tai, nói chuyện như… quát vào mặt khách. Ngay cạnh đó, ngôi nhà ông Đinh Công Biểu (SN 1949) đã xuất hiện nhiều vết nứt lớn mà theo ông, là do sự rung lắc bởi hoạt động nổ mìn khai thác đá của nhà máy xi măng. “Mỗi lần họ cho nổ mìn, trong nhà mọi thứ cứ rung lên bần bật. Cốc chén chỉ chực rơi xuống đất”, ông Biểu nói.

Sơ sơ, trong ngôi nhà của vợ chồng ông xuất hiện gần chục vết rạn nứt lớn nhỏ. Ám ảnh nhất vào ban đêm, tiếng động cơ gầm rú, tiếng đất đá đổ xuồng ầm ầm, ào ào như thác nước khiến cho giấc ngủ của người già như ông Biểu vốn đã khó khăn lại càng trở nên xa xỉ. “Hồi đầu khó chịu lắm, tiếng ồn dồn dập tức hết cả ngực. Mãi rồi cũng quen. Cứ thức đến khi nào mệt là ngủ được thôi”, ông Biểu ngán ngẩm.

Khói bụi từ Nhà máy Xi măng Trung Sơn còn khiến vườn cây ăn quả nhà ông Biểu không thể kết trái. Ao nuôi cá gần sát tường bao nhà máy cũng “treo” từ lâu vì có nuôi cá cũng chết dần. Xót cây, tiếc của nhưng vợ chồng ông đành bất lực. “Chẳng riêng vườn nhà tôi, quanh khu này nhà nào cũng thế. Bụi bám trắng mặt lá thế này thì cây cối  “vô sinh” là phải”, ông Biểu bức xúc.

Cách Nhà máy Xi măng Trung Sơn khoảng vài trăm mét, Nhà máy Xi măng Vĩnh Sơn (chủ đầu tư là Công ty TNHH Xi măng Vĩnh Sơn) có tổng công suất hai dây chuyền lên tới 2,2 triệu tấn/năm. Ông Nguyễn Xuân Đường, Trưởng thôn Ao Kềnh (xã Thành Lập) cho biết nhiều lần, các đoàn cán bộ xã, huyện và cả trên tỉnh về kiểm tra, xác nhận tình trạng ô nhiễm và yêu cầu nhà máy xi măng khắc phục nhưng chẳng hiểu sao, sự việc đâu lại hoàn đó.

“Nhà máy đã từng cam kết với dân không gây ô nhiễm nữa mà có thực hiện đâu. Lần nào gặp dân họ cũng hứa hẹn, xong rồi lại để đấy. Bà con chúng tôi giờ đã chẳng còn ai tin vào những lời hứa đó nữa”, ông Đường nói.

Bệnh đường hô hấp tăng đột biến

Theo số liệu từ Trạm y tế xã Thành Lập, trong ba tháng đầu năm 2016, số người dân đến khám và được chẩn đoán mắc các chứng bệnh liên quan đến đường hô hấp (viêm phổi, viêm họng, viêm đường hô hấp trên) vô cùng lớn. Trong đó, tháng 1 là 80 trường hợp, tháng 2 là 67 trường hợp. Riêng tháng 3 (tính đến ngày 30/3) lên tới 116 trường hợp. Ông Hoàng Bá Dân, Trạm phó Trạm Y tế xã Thành Lập cho biết, trong vài năm trở lại đây, năm nào cũng có vài trường hợp tử vong vì các bệnh liên quan đến đường hô hấp như ung thư phổi và viêm phổi cấp. Trong đó, thôn Ao Kềnh là nơi có nhiều trường hợp nhất.

Theo ông Dân, để đánh giá chính xác thủ phạm gây ra các bệnh về đường hô hấp của người dân địa phương có phải là Nhà máy Xi măng Vĩnh Sơn hay không thì cần có các nhà khoa học nghiên cứu cụ thể nhưng tình trạng ô nhiễm khói bụi từ nhà máy này là điều không cần bàn cãi. “Trong thôn Ao Kềnh, khói bụi kinh lắm. Có lần tôi vào nhà người quen trong đó buổi tối. Dựng xe ngoài sân khoảng một tiếng thôi lúc ra bụi đã bám trắng yên xe, lau mãi mới sạch”, ông Dân kể.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Anh, Trạm phó Trạm Y tế xã Trung Sơn xác nhận, trong khoảng 2 - 3 năm trở lại đây, số người dân địa phương đến trạm khám và được chẩn đoán mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp cũng tăng đột biến. Trong đó chiếm tỉ lệ cao nhất là người già và trẻ em. “Trung bình mỗi tháng có khoảng 50 trường hợp đến khám vì các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Phổ biến nhất là viêm họng và viêm đường hô hấp trên. Nhiều người phải khám đi khám lại vì bệnh tái phát liên tục”, bà Anh nói.

Theo Trạm phó Trạm y tế xã này thì con số trên vẫn chưa đánh giá hết được thực trạng bệnh tật của người dân địa phương bởi phần lớn những trường hợp đến khám tại trạm chủ yếu là triệu chứng nhẹ và là những người có thẻ bảo hiểm y tế. Nếu tính cả người khám ở ngoài và các bệnh viện tuyến trên thì con số còn cao hơn rất nhiều.

Ngoài các khu dân cư, hoạt động của Nhà máy Xi măng Trung Sơn còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến ba trường học trên địa bàn xã Thành Lập. Ông Nguyễn Huy Đoan, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nam Lương Sơn cho biết, từ ngày Nhà máy Xi măng Vĩnh Sơn đi vào hoạt động, việc dạy và học của nhà trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt là khói bụi và tiếng ồn.

Nhà trường đã phải thay đổi toàn bộ hệ thống cửa của các phòng học thành cửa kính để chống ồn và bụi nhưng đây chỉ là biện pháp tình thế. “Nếu được, chúng tôi đề xuất di dời nhà máy đi nơi khác chứ để trường học nằm ngay cạnh nhà máy xi măng thế này thì làm sao việc dạy và học đảm bảo được”, ông Đoan cho biết.

Nhà máy Xi măng Trung Sơn sắp tăng công suất lên 6 lần

Nhà máy Xi măng Trung Sơn (chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Du lịch Bình Minh) có công suất thiết kế là 910 nghìn tấn/năm được xây dựng trên diện tích 54,7ha nằm trên địa phận xã Trung Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình và bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 11/2014.

Vừa qua, UBND tỉnh Hòa Bình đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép mở rộng và nâng công suất Nhà máy xi măng Trung Sơn từ 910 nghìn tấn xi măng/năm lên 5,5 triệu tấn xi măng/năm. Như vậy, nếu được phê duyệt, công suất của nhà máy này sẽ tăng lên khoảng 6 lần so với hiện nay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.