Xã hội

Dân sửa nhà trong ngõ sâu thì thanh tra biết, cao ốc vi phạm thì không hay

03/11/2022, 16:55

Đó là thực trạng được Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy nêu ra trong phiên chất vấn Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chiều 3/11.

Thị trường bất động sản sẽ khó khăn thời gian tới

Tại phiên chất vấn chiều 3/11, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) nêu vấn đề, thị trường tài chính, bất động sản, tăng trưởng kinh tế là ba chân kiềng có mối quan hệ biện chứng. Vậy Bộ trưởng Xây dựng dự báo ra sao về xu hướng bất động sản Việt Nam thời gian tới cũng như những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải sẽ được giải quyết thế nào?

img

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội)

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận thị trường bất động sản còn nhiều tồn tại liên quan đến đất đai, kinh doanh bất động sản, quy hoạch xây dựng...

Hiện việc triển khai xây dựng dự án bất động sản tại hầu hết địa phương còn khó khăn, khiến nguồn cung sụt giảm, các công trình xây dựng chậm tiến độ, nhất là các công trình nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp.

Bên cạnh đó, giá bất động sản cũng cao hơn so với thu nhập của đại đa số người dân và việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào bất động sản chưa chặt chẽ, cơ cấu nguồn vốn bất động sản còn hạn chế. Nguồn cung vốn trung và dài hạn cho bất động sản chưa có.

"Quý III, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận bất động sản. Vẫn còn tình trạng đầu cơ, găm hàng bất động sản. Thị trường bất động sản còn thiếu công khai, minh bạch do hệ thống thông tin chưa được cập nhật đầy đủ", ông Nghị cho biết và dự báo thị trường bất động sản Việt Nam sẽ còn khó khăn do chính sách tín dụng thắt chặt; thiếu can thiệp kịp thời, hợp lý.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ trưởng Xây dựng cho rằng cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp như hoàn thiện hệ thống pháp luật về nhà ở, tạo điều kiện cho vay theo đúng quy định pháp luật đối với các chủ đầu tư làm ăn chân chính.

Cần ưu tiên vốn, tín dụng cho các chủ đầu tư xây dựng các công trình nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp. Đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có năng lực, thực hiện đúng quy định pháp luật về huy động vốn, trái phiếu… từ đó tạo nguồn cung bất động sản cho thị trường.

Có tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong vi phạm xây dựng?

img

Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (đoàn Bắc Kạn)

Tại phiên chất vấn, bà Nguyễn Thị Thuỷ, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp (đại biểu đoàn Bắc Kạn) phản ánh: "Người dân sửa chữa nhà cửa trong ngõ sâu thanh tra xây dựng vẫn nắm được, nhưng công trình lớn, cao ốc ngay mặt đường vi phạm trật tự xây dựng thì thanh tra xây dựng không phát hiện ra?"

Từ tình trạng này, bà Thủy đề nghị Bộ trưởng cho biết, những giải pháp Bộ đã triển khai để đảm bảo mọi vi phạm trong trật tự xây dựng đều được phát hiện.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho hay, với đặc thù của xây dựng, các vi phạm về xây dựng là vi phạm rất khó khắc phục hậu quả. Các trường hợp buộc phá dỡ các công trình vi phạm đều dẫn đến lãng phí nguồn lực xã hội. Do đó, giải pháp phát hiện, khắc phục, phòng ngừa luôn là ưu tiên.

Bộ Xây dựng đã tham mưu cho Chính phủ, các quy định pháp luật đến nay cơ bản đầy đủ và đồng bộ, điều chỉnh được các hoạt động xây dựng theo hướng tăng nặng xử phạt và buộc phá dỡ các công trình vi phạm.

Theo báo cáo của các địa phương, số công trình sai phép, không phép trên tổng số công trình qua thanh tra, kiểm tra đã giảm dần theo từng năm. Như năm 2020, số công trình sai phép, không phép chiếm tỉ lệ 23,8% trong tổng số cuộc kiểm tra, thanh tra; năm 2021, con số này là 13,4%; 6 tháng năm 2022 là 7,1%.

Nhận trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong hướng dẫn, đôn đốc địa phương triển khai thực hiện các văn bản pháp luật để tăng cường quản lý; cũng như có trách nhiệm rà soát, hướng dẫn các địa phương để đảm bảo hạn chế vi phạm trật tự xây dựng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị hứa sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát để đảm bảo chặt chẽ, khả thi, quản lý tốt hơn và hạn chế vi phạm trật tự xây dựng.

Cũng quan tâm đến việc xử lý vi phạm quy hoạch, xây dựng đô thị, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho rằng, một trong những giải pháp khắc phục hiệu quả tình trạng vi phạm trong lĩnh vực này là xử lý nghiêm cán bộ, công chức có thẩm quyền để xảy ra vi phạm hoặc có những hành vi dung túng, bao che.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết quan điểm của Bộ về vấn đề này? Bộ Xây dựng đã xây dựng và ban hành quy định nào? Hiệu quả thực hiện giải pháp ra sao?

Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, về xử lý hành vi vi phạm đã quy định cụ thể tại Nghị định 16/2022 về quy định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực xây dựng. Tuy nhiên, việc xử lý cán bộ phải theo quy trình, thủ tục, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Đại biểu đề nghị làm rõ nguyên nhân nhà tái định cư bỏ hoang

Tại phiên chất vấn, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu thực trạng phát triển nhà ở tái định cư có nơi có nơi không, chưa tính đến nhu cầu của người dân gây thất thoát lãng phí.

Bên cạnh đó, nhà ở cho công nhân còn bất cập, chất lượng thấp, không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. Ông đề nghị Bộ trưởng Xây dựng nêu giải pháp khắc phục cũng như thúc đẩy nhà ở xã hội cho công nhân.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận thực trạng đại biểu phản ánh nhiều dự án nhà ở tái định cư còn bỏ hoang, hầu hết các dự án này xây dựng trước khi có Luật Nhà ở. Nguyên nhân do người dân không có nhu cầu tái định cư, nhà tái định cư xuống cấp; chính sách an sinh xã hội sau tái định cư chưa được quan tâm; dự án tái định cư chưa thuận lợi trong giao thông.

Về giải pháp, ông Nghị nói tiếp tục hoàn thiện pháp luật về nhà ở đất đai, không chỉ giải quyết chỗ ở mà còn là không gian sống đồng bộ; xác định nhu cầu để xây dựng nhà ở tái định cư phù hợp; rà soát công tác quy hoạch đảm bảo kết nối giao thông; bổ sung quy định về nguyên tắc bố trí tái định cư, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân sau tái định cư.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.