Thời sự

Dân tái định cư 10 năm thiếu nước bên nhà máy nước sạch 6 tỷ

21/07/2023, 21:31
image

Hơn 130 hộ dân thuộc khu vực tái định cư xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) đang thiếu nước sạch sau hơn 10 năm lên khu tái định cư.

"Khát" nước bên nhà máy nước bỏ hoang

Sau hơn 10 năm, hơn 130 hộ dân hộ tại xã Hương Điền (nay là xã Thọ Điền) di dời lên khu tái định cư (TĐC) Khe Ná - Khe Gỗ (gồm thôn Kiều, Đăng, Thị, Ngân) để nhường đất cho dự án hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang vẫn sống trong cảnh thiếu nước sạch, ảnh hưởng không nhỏ sinh hoạt.

img

Nhà máy nước 6 tỷ được khởi công đưa vào sử dụng khiến người dân rất vui mừng nhưng càng ngày hoang phế.

Ngay khi tới nơi ở mới, các hộ dân đã được hỗ trợ tiến hành đào giếng khoan để đáp ứng nhu cầu nước sạch. Tuy nhiên, nguồn nước giếng khoan không đảm bảo, có tạp chất, Nhiều giếng sau khi đào không có nước hoặc nước không đủ.

Trước tình hình đó, Ban chuyên trách Dự án hợp phần bồi thường, hỗ trợ TĐC công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang đã đầu tư xây dựng Nhà máy Nước sạch khu TĐC xã Hương Điền với tổng kinh phí hơn 6 tỷ đồng.

img

Nguồn nước giếng khoan không đảm bảo chất lượng nên buộc người dân phải lấy nước ở các con khe, suối sử dụng.

Cuối năm 2017, công trình được đưa vào sử dụng và giao cho UBND xã vận hành, quản lý. Tuy nhiên, nguồn nước từ nhà máy có mùi tanh hôi, nhiễm phèn do đầu vào lấy từ tầng đáy của đập Khe Ná - Khe Gỗ.

Theo phản ánh của người dân, từ thời điểm nhà máy nước sạch mới đi vào hoạt động thì nước đã đục, có mùi tanh hôi. Mặt khác, hệ thống bồn lọc nước bị rò rỉ, nguồn nước sau hệ thống lọc còn nhiều tạp chất bẩn không xử lý được. Chính vì lẽ đó, người dân đã từ chối nguồn nước cấp của nhà máy.

Bà Phan Thị Tình (thôn Kiều) cho biết, chúng tôi đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị lên cấp trên nhưng tình trạng nước máy nhiều tạp chất, bốc mùi vẫn chưa được khắc phục. Gia đình chúng tôi phải dùng nước giếng khoan để sinh hoạt nhưng cũng không đáp ứng được nhu cầu hằng ngày.

“Mùa này để bơm được 1 m3 khối nước, phải chia 3 lần bơm, mỗi lần bơm chỉ được 30 phút là giếng cạn, trung bình mỗi ngày chỉ được khoảng 1-2 m3 nước cho cả gia đình”, bà Tình ngao ngán nói.

Nguy cơ hoang phí nhà máy

Theo tìm hiểu, hiện nhà máy nước chỉ có một công nhân hợp đồng làm bảo vệ, vận hành với mức lương 2 triệu đồng/tháng. Nhiều máy móc, thiết bị như bồn lọc, dây dẫn xuống cấp trầm trọng.

Nguyên vật liệu dùng để lọc nước theo nguyên bản của nhà máy nay đã ngưng sản xuất. Hiện, các khu vực như bể lắng, bể chứa nước đã ngưng sử dụng, cỏ dại mọc khắp nơi.

Chủ tịch UBND xã Thọ Điền Nguyễn Đăng Nhàn cho biết: "Do địa phương không có nguồn kinh phí để duy tu, bảo dưỡng thường xuyên nên các thiết bị, máy móc của nhà máy ngày càng xuống cấp trầm trọng. Xã Thọ Điền đã làm tờ trình, báo cáo lên UBND huyện để có phương án khắc phục tình trạng trên".

Không sử dụng được nước từ nhà máy, người dân 4 thôn: Kiều, Đăng, Thị, Ngân đã xoay xở để có nước sinh hoạt như: dẫn nước từ khe suối về, đào giếng…

Tuy nhiên, các giải pháp này chỉ đáp ứng nhu cầu tạm thời cho người dân trong mùa mưa. Đến mùa nắng nóng (tháng 4 đến tháng 9) nguồn nước ngầm hạ thấp, nước khe suối sẽ cạn kiệt.

Một số hộ kéo vòi dẫn vào khe suối để lấy nước nhưng do khoảng cách xa, địa hình phức tạp nên phải bỏ một nguồn kinh phí quá cao (khoảng 15 triệu đồng/hộ) nên số lượng người dùng nguồn nước này rất ít.

"Nước từ nhà máy, người dân chỉ để tưới cây hoặc xịt rửa chuồng trại. Đối với một số hộ dân không có giếng khoan hoặc giếng khoan cạn nước thì đành nhắm mắt dùng để sinh hoạt. Mặc dù nhiều hộ đã mua các thiết bị lọc nước nhưng do nước quá nhiều tạp chất cùng mùi hôi trầm trọng nên chất lượng cũng không đảm bảo.

Hiện đang là mùa nắng nóng cao điểm, chính quyền địa phương đã vận động những hộ có nguồn nước giếng khoan lớn hoặc có vòi dẫn nước từ khe suối hỗ trợ những gia đình thiếu nước để đủ nước sinh hoạt trước mắt", ông Nhàn nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.