Thị trường

Truy xuất phân biệt đào trồng với đào rừng: Chi phí, cách thức ra sao?

21/01/2021, 06:05

Sơn La là địa phương đầu tiên thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc cho cây đào, tháo gỡ lo lắng cho cả người trồng lẫn khách mua...

img

Tem truy xuất nguồn gốc dùng phân biệt đào rừng với đào trồng tại Sơn La

Hơn 1.000 tem truy xuất, chi phí mỗi tem chỉ 300 đồng

Ngày 20/1, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Bùi Bá Chính, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia, cho biết: Để truy xuất nguồn gốc cho cây đào phục vụ Tết Nguyên đán, Sở KH&CN Sơn La đã phối hợp với Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia – Cơ quan đầu mối thực hiện triển khai Quyết định 100 của Thủ tướng Chính phủ cung cấp hệ thống và tem truy xuất nguồn gốc.

Theo đó, khi được quét mã QR code gắn trên cây đào, hệ thống truy xuất nguồn gốc do Trung tâm mã số mã vạch Quốc gia vận hành sẽ cung cấp thông tin về người trồng, địa chỉ, diện tích, thông tin về năm trồng đào…

“Việc dán tem truy xuất nguồn gốc cho cây đào sẽ giúp người mua xác định rõ nguồn gốc xuất xứ cây đào và giúp cây đào trở thành hàng hóa lưu thông một cách thuận lợi”, ông Chính cho biết.

Hiện Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia đã sẵn sàng kích hoạt cho hơn 1.000 tem truy xuất để đào Sơn La dễ dàng khi tiêu thụ.

Được biết, kinh phí cho mỗi tem truy xuất nguồn gốc đào tại Sơn La giá chỉ 300 đồng. Trong thời gian thực hiện thí điểm, tỉnh Sơn La sẽ hỗ trợ toàn bộ kinh phí cho người dân trồng đào.

img

Chỉ cần quét mã QR code gắn trên cây đào, thông tin về người trồng, địa chỉ, diện tích, thông tin về năm trồng đào...sẽ được hiển thị

Thủ tục xác nhận đào trồng ra sao?

Theo ông Hà Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Sơn La, trên địa bàn hiện có 5.000 ha diện tích trồng đào, chủ yếu do đồng bào dân tộc ở vùng cao, nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, chăm sóc trên đất nông nghiệp hoặc vườn nhà. Do đó, thời gian qua, cây đào đã trở thành nguồn thu nhập của bà con trong dịp Tết Nguyên đán.

“Sơn La đã chủ động lựa chọn cây đào để truy xuất nguồn gốc trong mùa Tết năm nay, nhằm tìm hướng tiêu thụ thuận lợi cho cây đào trồng, vốn là loại cây mang lại thu nhập khá cho người dân của tỉnh”, ông Hùng nói và phân tích: “Mục tiêu truy xuất nguồn gốc để xác định rõ cây đào có xuất xứ như thế nào, vùng trồng ra sao, tính hợp pháp sử dụng của sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị thương hiệu cho đào Sơn La. Ngoài ra, việc dán tem truy xuất cũng giúp phân biệt đào rừng với đào trồng tạo điều kiện cho bà con buôn bán”.

Cũng theo ông Hùng, quy trình thủ tục xác nhận đào trồng rất đơn giản. “Cán bộ địa phương sẽ đi khảo sát nhu cầu của người dân có mong muốn thực hiện truy xuất nguồn gốc cho cây đào hay không. Sau trưởng bản, cán bộ địa chính xã xác định hộ gia đình đó trồng đào tại vườn thuộc đất nông nghiệp hay vườn nhà. Tất cả thông tin này sẽ được cung cấp cho hệ thống truy xuất nguồn gốc”, ông Hùng thông tin.

Trước đó, tại Hội nghị tổng kết năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 của ngành nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến “người dân không tự ý chặt, phá cây rừng, đào rừng phục vụ thú chơi vào dịp Tết”.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trên địa bàn tỉnh khai thác, bán, vận chuyển cây đào dịp tết Nguyên đán năm 2021, UBND tỉnh Sơn La đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chỉ đạo thực hiện việc truy xuất nguồn gốc cho cây đào để xác định nguồn gốc, xuất xứ cây đào, xác định vùng trồng, xác định cây đào được trồng trên đất nông nghiệp, không phải là đào rừng tự nhiên.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.