Nhà nước thu hồi giá thấp, doanh nghiệp bán giá cao
Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, hiện nay, có hai hình thức bồi thường khi thu hồi đất: Một là thu hồi đất với mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Trường hợp này nhà nước thu hồi và bồi thường theo khung giá quy định. Trường hợp còn lại, giá bồi thường đất do nhà đầu tư tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng.
Một người dân Bắc Giang bức xúc về đền bù giá đất làm dự án (ảnh minh hoạ)
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều dự án nhà ở "núp bóng" dưới danh nghĩa dự án phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, chính quyền địa phương đứng ra thu hồi với đơn giá quy định nhà nước, thấp hơn nhiều lần giá thị trường. Sau đó, đất được giao lại cho doanh nghiệp san gạt mặt bằng, xây dựng hạ tầng bán ra với giá "trên trời", cao hơn từ chục đến vài chục lần giá bồi thường. Điều này khiến nhiều người dân bức xúc, khiếu nại, khiếu kiện.
Theo báo cáo của Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm tại phiên họp mở rộng Thẩm tra báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2021 của Chính phủ, khiếu nại trong lĩnh vực đất đai chiếm tỷ lệ 64,6% số vụ. Nội dung khiếu nại chủ yếu về việc thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giao đất dịch vụ và các dự án khu dân cư, khu du lịch, thương mại...
Cho người dân tham gia xây dựng giá đất
Trước tình trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải sửa Luật Đất đai, cho người dân tham gia vào xây dựng giá đất.
PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Luật Hà Nội cho hay, người dân là đối tượng chịu tác động khi bị thu hồi đất, thế nhưng người dân lại đứng ngoài quy trình xây dựng giá đất dẫn đến nhiều bất đồng, đặc biệt là giá thu hồi đất.
Do đó Giáo sư Tuyến cho rằng, Luật Đất đai cần thay đổi, thực hiện khảo sát tỷ lệ người dân đồng thuận, không đồng thuận về giá bồi thường đất. Ông Tuyến khẳng định, đây sẽ là cơ chế dân chủ và đồng thuận hơn khi thực hiện đền bù đất cho người dân khi thực hiện dự án, đặc biệt là những dự án đầu tư nhà ở, phân lô bán nền.
Cùng quan điểm trên, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS nhận định, việc xét duyệt giá bồi thường thu hồi đất ở nhiều địa phương chưa rõ ràng, mang tính chất định tính. Từ đó dẫn đến mức giá bồi thường trên thực tế không đảm bảo yêu cầu phù hợp giá thị trường, quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.
Luật sư Hùng cho rằng, nếu người dân được tham gia xây dựng giá đất cũng như đóng góp ý kiến, quan điểm của mình trong việc xây dựng quy định của pháp luật đất đai sẽ có sự linh hoạt hơn, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Giá đền bù hợp lý, phù hợp với giá thị trường, công tác giải phóng mặt bằng sẽ dễ dàng hơn. Người dân sẽ có những khoản chi phí cân đối để sẵn sàng trả lại mặt bằng cũ đến mặt bằng mới, thúc đẩy việc thực hiện, triển khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các địa phương.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận