Thế giới

Dân Triều Tiên xoay sở thế nào giữa vòng vây trừng phạt?

12/05/2017, 19:52

Bình Nhưỡng vẫn theo đuổi chiến lược phát triển cùng lúc quân sự và kinh tế để tồn tại và tự vệ.

24

Các sản phẩm nội địa được bày bán rộng khắp tại các cửa hàng và siêu thị tại Triều Tiên

Trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cân nhắc tiếp tục áp dụng các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn với Triều Tiên nhằm cắt “nguồn cung tài chính” cho các dự án phát triển vũ khí, Bình Nhưỡng vẫn theo đuổi chiến lược phát triển cùng lúc quân sự và kinh tế để hạn chế ảnh hưởng từ những đòn trừng phạt. 

Gia tăng sản phẩm “Made in North Korea”

Một thực tế tại Triều Tiên được phóng viên hãng tin Reuters ghi nhận thời gian gần đây đó là: Từ kem đánh răng hương vị carot, mặt nạ than hoạt tính đến ô tô và tấm pin năng lượng mặt trời… đều là các sản phẩm được sản xuất trong nước và bày bán rộng khắp tại các siêu thị, cửa hàng của Triều Tiên, thay thế các sản phẩm vẫn thường nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo Reuters, Chủ tịch Kim Jong-un rất nỗ lực thực hiện chủ trương sử dụng sản phẩm nội địa, củng cố hệ tư tưởng chủ thể. Tuy nhiên, những đánh giá trên chỉ dựa vào ghi nhận tình hình thực tế, chưa có số liệu cụ thể có bao nhiêu sản phẩm xuất xứ nội địa. Còn những số liệu xuất khẩu từ các nước Trung Quốc, Malaysia sang Triều Tiên không phản ánh được chính xác tình hình.

Theo hãng tin Reuters, các công ty lớn của Triều Tiên như Hãng hàng không Air Koryo và Tập đoàn Naegohyang của Triều Tiên đã và đang đa dạng hóa sản xuất các sản phẩm tiêu dùng như thuốc lá và quần áo thể thao

b-nk-a-20161124

Một khu bày bán hàng may mặc ở trung tâm mua sắm tại Bình Nhưỡng

Sản phẩm nội địa được ưa chuộng hơn Trung Quốc

Cô Rhee Kyong-sook, 33 tuổi, trợ lý bán hàng tại một cửa hàng ở Triều Tiên cho biết: “Vì nhiều nhà máy mới được mở cửa nên chất lượng sản phẩm của chúng tôi đã cải thiện rất nhiều”. 

Không chỉ vậy, các sản phẩm tiêu dùng nội địa ngày càng được cải thiện chất lượng, mẫu mã và có cả mã vạch, mã QR trên sản phẩm. Nhiều người bán hàng ở chợ cũng cạnh tranh hơn bằng cách giới thiệu sản phẩm của mình tới các cửa hàng, siêu thị. 

Ông Andray Abrahamian, Tập đoàn Choson Exchange, có trụ sở tại Singapore, đào tạo người dân Triều Tiên kỹ năng kinh doanh cho biết: “Khoảng năm 2013, ông Kim Jong-un đã bắt đầu bàn về các biện pháp thay thế nhập khẩu. Rõ ràng, có quá nhiều sản phẩm được nhập từ Trung Quốc, không chỉ hàng hóa cao cấp mà cả hàng hóa thông thường như thực phẩm, đồ uống”. 

Các chuyên gia thương mại và bán lẻ cho biết, thị trường Triều Tiên khá hấp dẫn nhờ tầng lớp “kiếm ra tiền” từ hoạt động ở chợ đen (donju) phát triển. Ngoài ra, mặc dù khan hiếm sản phẩm nhưng người Triều Tiên cũng rất chọn lọc sản phẩm khi sử dụng.

Một thương lái đến từ Đông Nam Á, nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng tới Hàn Quốc chia sẻ: “Người dân Triều Tiên ngày càng không thích sử dụng các sản phẩm Trung Quốc vì họ sợ chất lượng kém”. Do thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục có những bê bối an toàn thực phẩm như gạo, sữa nhiễm độc gây rúng động thế giới.

“Người mẹ ở Triều Tiên cũng như người mẹ ở Trung Quốc hay Canada, họ đều muốn cho con cái sử dụng những sản phẩm tốt nhất”, ông Michael Spavor đến từ Công ty Paektu Exchange, chuyên đưa các đoàn nhà đầu tư, khách du lịch, học giả tới Triều Tiên chia sẻ. “Chính mắt tôi chứng kiến, ở siêu thị Triều Tiên, người ta thường so sánh các sản phẩm do Triều Tiên và Trung Quốc sản xuất, cuối cùng chọn hàng nội địa”, ông Michael Spavor kể. 

Vẫn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc

north-korea

Đời sống thường nhật ở Triều Tiên

Dù đã có những thay đổi rất lớn nhưng Triều Tiên vẫn phải phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc. Phần lớn các nguyên liệu thô để sản xuất các sản phẩm tiêu dùng đều đến từ Trung Quốc hoặc thông qua nước này. Chẳng hạn, cà phê hòa tan sản xuất nội địa của Bình Nhưỡng được sản xuất tại Trung Quốc hoặc đất nước khác nhập qua Trung Quốc.

“Chúng tôi chứng kiến tình hình các sản phẩm sản xuất nội địa như xe máy, tấm pin năng lượng mặt trời, thực phẩm ngày càng gia tăng nhưng các sản phẩm này vẫn phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu từ Trung Quốc”, ông Abrahamian nói thêm.

Vì vậy, gần như các công ty sản xuất hàng hóa “Made in North Korea” vẫn đều chịu ảnh hưởng nếu Trung Quốc siết chặt trừng phạt kinh tế. Theo Reuters, giới chức ngoại giao cho biết, tuần này, Washington đang đàm phán với Trung Quốc để thúc đẩy Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đưa ra phản ứng mạnh mẽ hơn như các lệnh trừng phạt mới trước hoạt động phóng tên lửa của Triều Tiên.

Video xem thêm:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.