Xã hội

Dân ùn ùn về quê: Cách ly tại nhà, miền Tây làm gì để tránh bùng dịch?

06/10/2021, 15:22

Từ tối 30/9, người dân ở TP.HCM, Bình Dương... bắt đầu đổ về các tỉnh miền Tây, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng.

Người dân ồ ạt trở về gây áp lực rất lớn cho các địa phương trong công tác phòng chống dịch. Tính đến nay, các tỉnh miền Tây đã ghi nhận hàng trăm ca F0 từ các công dân trở về. Tuy nhiên, các tỉnh vẫn tiếp đón và có phương án cách ly, chăm lo an sinh.

img

Công dân tỉnh Vĩnh Long được đón trở về địa phương.

Đã linh động phân loại

Theo ông Văn Công Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, tính riêng từ ngày 9/7 đến sáng 6/10, địa phương ghi nhận 2.202 ca mắc đã công bố, có thời điểm hơn 10 ngày không ghi nhận ca nhiễm ngoài cộng đồng.

“Chúng tôi đã có kế hoạch đón người dân từ TP.HCM và các tỉnh vùng dịch từ tháng 7 và tháng 8. Tuy nhiên, do dịch nhiễm sâu, thực hiện giãn cách “ai ở đâu, ở yên đó”, vì vậy chưa triển khai được. Do đó, khi người dân trở về, địa phương đã tận dụng các cơ sở chuẩn bị từ trước làm nơi ở tạm thời cho bà con".

Là địa phương có trên 3.000 người dân trở về quê, ông Tô Minh Đương, Chủ tịch UBND huyện Đông Hải (Bạc Liêu) chia sẻ: “Tinh thần chung, bà con đã về thì địa phương tiếp nhận tất cả, không bỏ ai. Tuy nhiên, nếu người tự phát về quê không cách ly để sàng lọc thì khả năng lây lan rất cao. Do đó, tạm thời đưa bà con vào các trường học để cách ly tạm thời.

Sau đó, phân loại, sàng lọc những đối tượng ưu tiên (người tiêm 2 mũi vaccine; 1 mũi; trẻ em, phụ nữ mang thai; người có bệnh nền…) để test nhanh hoặc xét nghiệm RT-PCR, nếu âm tính sẽ bóc tách ra. Khi khảo sát nhà ở đảm bảo đủ điều kiện, an toàn sẽ đưa đối tượng này về cách ly y tế tại nhà”, ông Đương cho hay.

Tuy nhiên, theo kế hoạch là đón từ từ nên việc người dân về ồ ạt như 5-6 ngày nay đã gây áp lực rất lớn cho tỉnh”, ông Minh cho hay.

Nói về việc tổ chức tiếp nhận, ông Minh cho biết, trên cơ bản, tỉnh cũng đã có phương án xử lý. Theo đó, người dân trở về được đưa về khu cách ly và phân thành 3 nhóm. Nhóm thứ nhất là người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và những người bị nhiễm đã được điều trị khỏi; nhóm thứ 2 là người đã tiêm mũi 1, còn lại là nhóm chưa tiêm được mũi nào. Mỗi nhóm sẽ có phương án xử lý khác nhau và phù hợp theo quy định phòng chống dịch.

“Hôm qua đến nay, tình hình người dân trở về đã có dấu hiệu giảm lại. Tuy nhiên, theo dự báo thì vẫn còn và có khả năng kéo dài từ 1 - 2 tuần. Tỉnh đã có chỉ đạo, các huyện, thị xã, TP chuẩn bị cơ sở cách ly, tối thiểu tiếp nhận 1.500 người. Riêng tỉnh chuẩn bị cơ sở để tiếp nhận tối thiểu là 2.000 người”, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long cho biết thêm.

Nhiều tỉnh thành đã cho cách ly tại nhà

Theo ông Nguyễn Văn Quận, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND TP Sóc Trăng (Sóc Trăng), tỉnh Sóc Trăng cũng đang áp dụng quản lý người về địa phương theo hướng đối với người đã tiêm 2 mũi vaccine ngừa Covid-19, người đã điều trị rồi, người tiêm ngừa 1 mũi thì cho cách ly tại nhà, giăng dây và treo bảng cách ly y tế tại nhà. Đồng thời, thành lập Tổ Y tế cộng đồng để hỗ trợ cho người dân này, buộc họ không ra ngoài...

Ngày 4/10, ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đã ban hành công văn uốn nắn công tác phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, ông Hẳn yêu cầu các Tổ Covid-19 cộng đồng giám sát chặt chẽ, phát hiện kịp thời người ngoài tỉnh vào địa bàn ở lại cư trú, tránh tình trạng địa phương không biết. Do hiện nay có rất nhiều người ngoài tỉnh muốn vào ở lại cư trú, nếu không quản lý tốt, dịch sẽ tái bùng phát.

img

Do quá tải, nhiều tỉnh thành đã cho người dân tự phát về quê cách ly tại nhà.

“Đối với cá nhân hoặc tập thể nào thực hiện không đúng, không đầy đủ, ký văn bản vượt thẩm quyền hoặc có nội dung trái với chỉ đạo, kết luận của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh về phòng chống dịch Covid-19, nhất là nội dung nhạy cảm như người từ ngoài tỉnh vào cư trú ở địa bàn tỉnh, dẫn đến không kiểm soát được, làm phát sinh lây lan dịch bệnh thì tùy theo hậu quả thiệt hại xảy ra sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định”, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh chỉ đạo tại công văn.

Ngày 5/10, UBND TP Cần Thơ đã có tờ trình ban hành kế hoạch tổ chức tiếp nhận, cách ly người dân Cần Thơ trở về từ vùng dịch trình Thường trực Thành ủy.

Theo đó, người dân từ các địa phương khác đến TP sẽ được kiểm tra, phân loại ngay tại các chốt kiểm soát ở cửa ngõ ra vào. Sau đó, sẽ được bố trí xe để đưa người và phương tiện từ chốt kiểm soát về cơ sở cách ly tập trung hoặc nơi lưu trú để bàn giao cho địa phương tiếp tục quản lý theo quy định.

Người dân Cần Thơ trở về từ vùng dịch sẽ được hỗ trợ 80.000 đồng/người/ngày đối với người phải điều trị, cách ly tập trung. Các chi phí điều trị, chăm sóc y tế, đều được hỗ trợ theo quy định hiện hành.

Còn người thực hiện cách ly tại nhà, được hỗ trợ 15kg gạo/người và 500.000 đồng/người. Đó là các trường hợp về từ vùng dịch, địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 hoặc sau cách ly tập trung thực hiện cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú 14 ngày kể từ ngày đến/về địa phương, tiếp tục theo dõi sức khỏe trong thời gian 14 ngày tiếp theo.

Kiên Giang, Cà Mau cũng đã phân loại, test Covid-19 và cho cách ly tại nhà với những trường hợp đã tiêm vaccine hoặc test có kết quả âm tính trong tổng số khoảng 50.000 người về 2 tỉnh này.

Tỉnh An Giang cũng đã thực hiện phân loại, và cho cách ly, theo dõi y tế tại nhà đối với những trường hợp đảm bảo theo quy định.

Ông Tô Minh Đương, Chủ tịch UBND huyện Đông Hải (Bạc Liêu) cũng cho rằng, việc áp dụng cách ly tại nhà sẽ giảm áp lực cho các khu cách ly tạm thời.

“Hiện tại, huyện đã tiếp nhận trên 3.000 người, cố gắng thì cũng chỉ tiếp nhận thêm được khoảng 1.000 người nữa. Đồng thời, địa phương cũng chỉ đạo các đơn vị bảo đảm ăn uống, sinh hoạt cho bà con trong khu cách ly được chu đáo, an toàn”, ông Đương nói.

Cách ly tại nhà, đỡ tốn kém, nhưng làm sao để tránh nguy cơ bùng dịch?

Theo quy định của tỉnh Kiên Giang những người này sau khi xét nghiệm virus SARS-CoV-2 có kết quả âm tính thì được đưa về nhà cách ly 14 ngày dưới dự giám sát chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền, khu phố, ấp.

Gò Quao là 1 trong những huyện có người lao động tự đi xe máy về quê tránh dịch từ TP.HCM và các tỉnh miền Đông cao nhất tỉnh Kiên Giang. Trong số gần 30.000 người về quê những ngày vừa qua được cách ly tại nhà thì tính đến chiều 6/10, huyện này đã có gần 5.000 người.

img

Phát đồ ăn cho người dân vừa về tới cửa ngõ Kiên Giang. Ảnh: Văn Vũ

Đây là một áp lực rất lớn đối với chính quyền huyện Gò Quao trong công tác phòng chống dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp như hiện nay.

Trước đó, với lượng người về ngày càng đông, để giảm tải cho các khu cách ly tập trung cũng như các lực lượng tham gia phòng chống dịch, Ban Thường vụ tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo về tăng cường quản lý người từ các tỉnh, thành có dịch Covid-19 về địa phương, dù có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19, cách ly tại nhà 14 ngày, phải theo dõi lấy mẫu xét nghiệm 3 lần.

Theo ông Tô Hải Đăng, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH - thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch huyện Gò Quao: “Việc cách ly y tế tại nhà cho người dân đi về từ TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ tự đi xe máy về quê có một số thuận lợi cho địa phương cũng như cho chính người cách ly, bởi họ có cảm giác thoải mái khi ở nhà.

img

Các nữ CSGT Sóc Trăng phát quà cho người dân trở về. Ảnh: Vũ Phong

Khi các khu vực cách ly tập trung quá tải, việc cách ly tại nhà sẽ là giải pháp để giảm tải cho các khu vực cách ly tập trung. Bên cạnh đó, giúp cho người cách ly giảm thiểu được nguy cơ lây nhiễm chéo khi phải cách ly trong các khu cách ly tập trung bị quá tải. Ngoài ra, cách ly tại nhà còn tạo điều kiện sinh hoạt tốt hơn cho người cách ly trong suốt thời gian cách ly theo quy định”.

Ông Nguyễn Văn Quận, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND TP Sóc Trăng (Sóc Trăng) chia sẻ, những ngày qua người dân trên địa bàn tỉnh đi làm ăn xa về quê rất đông, tập trung nhiều ở các huyện, thị trong tỉnh, riêng địa bàn TP Sóc Trăng có khoảng 1.000 người về và khả năng tiếp nhận của TP chỉ khoảng 3.000 người.

“Thiết nghĩ các tỉnh, thành có đông người lao động đang ở và làm việc cần hạn chế người dân về quê khoảng 10 - 15 ngày để các địa phương có khả năng giãn cách theo từng đợt, đảm bảo sàng lọc kịp thời và đầy đủ, không bỏ sót người về địa phương chưa qua sàng lọc để phòng, chống dịch đạt hiệu quả. Nếu ồ ạt và liên tục thì các địa phương rất khó kiểm soát được tình hình dịch bệnh”, ông Quận nói.

Tuy nhiên, theo ông, bên cạnh đó cũng có một số khó khăn. Nếu người cách ly không tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch thì sẽ làm lây lan cho người ở cùng và lây lan ra cộng đồng. Mặt khác, việc cách ly tại nhà cần sự giám sát rất chặt chẽ của chính quyền địa phương.

Các trường hợp ở rải rác nhiều nơi trên địa bàn nên cần phải bố trí nhiều cán bộ y tế, cán bộ chính quyền địa phương hơn để theo dõi, giám sát chặt chẽ đảm bảo không lây lan ra cộng đồng.

Đặc biệt là ở khâu giám sát, nếu không đủ người và không giám sát chặt chẽ trong trường hợp người cách ly không tuân thủ quy định, tự ý ra khỏi nhà và tiếp xúc với người khác trong quá trình cách ly thì nguy cơ lây nhiễm rất cao.

"Dân về đều được lo đầy đủ, không phải lo khó khăn về lương thực thực phẩm. Tỉnh đảm bảo cung cấp đủ lương thực thực phẩm cho bà con trong thời gian cách ly", ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nói.

Do đó tại Cà Mau, ngoài các quy định về điều kiện và nguyên tắc cách ly tại nhà, thì trước cửa nhà phải có biển cảnh báo “Nhà có người cách ly y tế” và ghi cụ thể họ và tên, số điện thoại (người cách ly y tế, cán bộ y tế và thành viên Tổ Covid cộng đồng được phân công hỗ trợ). Thời gian cách ly y tế tại nhà 28 ngày liên tục kể từ ngày bắt đầu cách ly.

img

Đưa người dân về địa phương cách ly y tế tại nhà. Ảnh: Văn Vũ

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau giao Chủ tịch UBND huyện, TP Cà Mau chịu trách nhiệm chỉ đạo Chi bộ, Tổ Covid cộng đồng, Tổ Nhân dân tự quản và cộng đồng dân cư tăng cường giám sát, theo dõi mọi hoạt động của người được cách ly y tế tại nhà, tuyệt đối không để tiếp xúc với người nhà, người địa phương.

Đồng thời xử lý nghiêm, thậm chí khởi tố người được cách ly y tế tại nhà có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Ông Tô Minh Đương, Chủ tịch UBND huyện Đông Hải (Bạc Liêu) cũng cho rằng, việc áp dụng cách ly tại nhà quan trọng vẫn là ý thức tự giác chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch của bà con.

Theo Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, từ ngày 1-5/10, có 4.855 công dân trở về địa phương, trong đó phát hiện 20 ca F0.

Sở Y tế Trà Vinh cho hay, thống kê sơ bộ đến nay, địa phương đã tiếp nhận trên 10.000 người dân ngoại tỉnh trở về, trong đó có khoảng 20 F0. Tính đến nay, toàn tỉnh có 1.534 ca nhiễm, đã điều trị khỏi 1.422 trường hợp.

Còn tại TP Cần Thơ, hiện con số người dân trở về vẫn chưa được cơ quan chức năng công bố chính thức. Tuy nhiên, theo Cổng thông tin Covid-19 TP Cần Thơ, trong ngày 5/10, Cần Thơ có thêm 54 ca nhiễm Covid-19, trong số này, có 30 ca là người ở tỉnh khác về.

Còn trong số gần 30.000 người về Kiên Giang, tính đến ngày 6/10 cũng đã phát hiện gần 70 F0.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.