Quản lý

Đăng kiểm chảy máu “chất xám” sau cổ phần hóa

15/08/2018, 10:02

Đằng sau sự gia tăng nhanh chóng các trung tâm đăng kiểm sau chủ trương xã hội hóa xuất hiện tình trạng...

7

Tổ kiểm tra Cục Đăng kiểm VN phúc tra chất lượng phương tiện được kiểm định tại Công ty CP Đăng kiểm xe cơ giới đường bộ Quảng Ninh

Bỏ nghề sau cổ phần hóa

Khoảng một năm trước đây, ông M.Q.V, giám đốc một trung tâm đăng kiểm ở Sơn La đã xin thôi chức giám đốc sau một thời gian đơn vị được chuyển từ đơn vị sự nghiệp sang công ty cổ phần. Ngoài vị trí lãnh đạo, ông còn là đăng kiểm viên (ĐKV) bậc cao lâu năm, có tay nghề cao.

Ông V. cho biết, một số lần trung tâm này bị phúc tra đột xuất chuyên ngành đều không có vi phạm bỏ sót lỗi kỹ thuật, các xe bị “trượt” đăng kiểm đa phần đúng với thực tế. Dù không nói cụ thể lý do chuyển sang nghề khác, nhưng ông V. chia sẻ: “Cơ chế DN khiến người đứng đầu trung tâm đăng kiểm phải chiều theo chủ sở hữu trung tâm. Nếu không hợp sẽ bị gây sức ép để ra đi”.

Theo ông V., trước khi cổ phần hóa, trên địa bàn có thêm một trung tâm đăng kiểm xã hội hóa nên khiến số lượng xe vào kiểm định sụt giảm, người lao động thiếu việc làm, doanh thu, thu nhập giảm hơn nhiều so với trước. Ngoài giám đốc, một số đăng kiểm viên tay nghề bậc cao của trung tâm trên cũng chuyển nghề.

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, chuyện lãnh đạo, ĐKV bậc cao ở các trung tâm đăng kiểm nghỉ việc, chuyển khỏi trung tâm đã công tác lâu năm (sau khi được cổ phần hóa) không còn hy hữu. Mới đây, Phó giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 86-02D Bình Thuận, trước kia chuyển từ  trung tâm đăng kiểm Nhà nước sang đầu quân cho trung tâm đăng kiểm tư nhân, đã xin nghỉ hẳn việc. Tương tự, một lãnh đạo của Trung tâm Đăng kiểm 60-06D Đồng Nai, vốn là người của đăng kiểm Nhà nước, sau khi trung tâm được bàn giao cho DN tư nhân quản lý, cũng đã thôi làm nghề đăng kiểm.

“Làm ở trung tâm đăng kiểm Nhà nước chủ yếu chịu áp lực về chất lượng kiểm định phương tiện, còn khi làm việc cho chủ DN phải chịu thêm áp lực về doanh thu, khiến có người phải chuyển đơn vị, bỏ nghề. Người chịu trách nhiệm chuyên môn, ĐKV chịu áp lực nhiều hơn. Nếu làm chặt quá xe không đến sẽ không vừa lòng chủ DN, còn dễ dãi khi mất an toàn, thanh, kiểm tra lại phải chịu trách nhiệm”, lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm phía Bắc (đề nghị không nêu tên) nói.

Lo ngại ĐKV suy giảm tay nghề

“Chủ mới sở hữu DN phải tính đến doanh thu, lợi nhuận mà chủ yếu phụ thuộc vào số lượng xe vào đăng kiểm, nên tạo ra sức ép với lãnh đạo chuyên môn ở trung tâm đăng kiểm, ĐKV. Thời gian qua, một số trường hợp lãnh đạo, ĐKV đã bỏ nghề đăng kiểm”, ông Ngô Hồng Hệ, Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm VN nói và cho biết, phần lớn các trung tâm đăng kiểm sau khi cổ phần hóa bị suy giảm doanh thu, ĐKV bị giảm thu nhập. Trong đó, một số trung tâm, ĐKV giảm tới 1/3 hoặc thu nhập giữa ĐKV ở các trung tâm đăng kiểm có mức chênh lệch khá lớn.

 Theo Cục Đăng kiểm VN, hiện có gần 1.600 ĐKV xe cơ giới làm việc tại 158 trung tâm, chi nhánh đăng kiểm trên toàn quốc. Dự kiến, nhu cầu về ĐKV trong thời gian tới còn tăng tiếp do xu hướng xã hội hóa đầu tư mạnh mẽ trong lĩnh vực kiểm định xe cơ giới. Điều này khiến áp lực nhân sự ĐKV càng lớn hơn. “Nguồn nhân lực ĐKV xe cơ giới hiện cơ bản đáp ứng được nhu cầu toàn quốc. Tuy nhiên, sắp tới khi việc xây dựng trung tâm đăng kiểm mới không còn phải theo quy hoạch, số lượng trung tâm đăng kiểm phát triển nhanh, có thể dẫn tới việc thiếu ĐKV”, ông Ngô Hồng Hệ nói.

Đề cập chất lượng nguồn nhân lực ĐKV, đại diện Cục Đăng kiểm VN cho biết, ĐKV đều phải đáp ứng tiêu chuẩn chung về trình độ đầu vào, sau đó phải qua quy trình đào tạo, sát hạch để được cấp chứng nhận ĐKV. Vì vậy, không lo về chất lượng đầu vào, song trong quá trình hành nghề, việc các trung tâm cạnh tranh nhau có thể dẫn đến mặt trái là lãnh đạo đơn vị, ĐKV không thực hiện đúng quy trình, tiêu chuẩn kiểm định để thu hút xe vào đăng kiểm. Từ đó dẫn đến việc duy trì chất lượng tay nghề, chất lượng kiểm định không đồng đều giữa các trung tâm đăng kiểm.

“Các trung tâm có các dấu hiệu bất thường như lượng xe tăng đột ngột, thời gian kiểm định nhanh, lượng xe lần đầu đến kiểm định tăng đột biến... đều được Cục Đăng kiểm VN chú ý để phúc tra phương tiện, ngăn chặn ĐKV bỏ qua tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật để cạnh tranh, thu hút xe”, ông Hệ nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.