Giao thông

Đăng kiểm và nhiệm vụ "gác chắn" an toàn cho phương tiện

24/04/2014, 13:18

Trải qua 50 năm kể từ khi thành lập (25/4/1964 - 25/4/2014), ngành Đăng kiểm VN đã và đang đảm nhiệm tốt chức năng "gác chắn" an toàn kỹ thuật phương tiện GTVT và công trình dầu khí...

Kiểm tra hệ thống treo xe tải
Kiểm tra hệ thống treo xe tải


“Gác cửa” tàu phá thủy lôi thời chiến


10 năm đầu khi mới thành lập (1964-1974), Ty Đăng kiểm xây dựng mạng lưới hoạt động phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và chống chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, chi viện cho cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam. Nhiều phương tiện đóng mới đã ra đời để phục vụ yêu cầu cấp thiết trong sản xuất, chiến đấu. Trong điều kiện chiến tranh, thiếu vật tư, thiết bị, ngành Đăng kiểm non trẻ cùng chủ tàu, nhà máy tìm cách giải quyết khó khăn, đảm bảo những yêu cầu an toàn tối thiểu để có phương tiện hoạt động, trong đó có cả tàu rà, phá thủy lôi. 


Thắng lợi to lớn trong cuộc kháng chiến vĩ đại chống đế quốc Mỹ của dân tộc có sự đóng góp không nhỏ của ngành Đăng kiểm.
 

Cục Đăng kiểm VN hiện có 42 chi cục, trung tâm đăng kiểm xe cơ giới và các đơn vị khác trực thuộc; 101 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, phương tiện thủy thuộc các Sở GTVT và xã hội hóa trên cả nước, tạo thành mạng lưới đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước và chủ phương tiện, công trình dầu khí biển.

Ngay ở buổi ban đầu chập chững, lại ở vào hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo của chiến tranh, các cán bộ của Ty Đăng kiểm vẫn ý thức và dành nhiều công sức để tạo dựng nên nội dung và nề nếp hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ quy củ. Các cơ sở pháp lý, đặc biệt là hệ thống tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm, được quan tâm biên soạn và đưa vào áp dụng, như: Tiêu chuẩn thử kín nước vỏ tàu, Tiêu chuẩn xích neo, các quy trình kiểm tra kỹ thuật tàu và sà lan. Đặc biệt, năm 1970-1971, bộ Quy phạm Đóng tàu biển và tàu sông đầu tiên của Việt Nam đã ra đời trên cơ sở tham khảo Quy phạm tàu sông của Trung Quốc, Quy phạm Phân cấp và Đóng tàu biển của Ba Lan và Liên Xô cũ.

Trong giai đoạn chiến tranh ác liệt, các cán bộ Đăng kiểm không quản hy sinh gian khổ, luôn bám sát hiện trường, cùng với toàn ngành GTVT có mặt trên mặt trận đảm bảo giao thông phục vụ công cuộc bảo vệ, xây dựng miền Bắc và chi viện cho sự nghiệp giải phóng miền Nam. Gần 12.000 phương tiện vận tải thủy đã được kiểm tra kỹ thuật vào những năm tháng đó. Trong đó có chiếc tàu biển trọng tải 1.000 tấn đầu tiên lắp máy hơi nước mang tên 20/7, cùng hàng loạt các tàu kéo 225 mã lực được đóng ở Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng, Xưởng đóng tàu III; các sà lan do Rumani và Triều Tiên chi viện được kiểm tra, nghiệm thu lắp ráp để kịp thời đưa vào khai thác vận chuyển xăng dầu phục vụ chiến đấu. 


Dù trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn mọi bề, bom đạn ác liệt, nhưng những cán bộ Đăng kiểm vẫn dày công nghiên cứu, đóng góp công sức vào những công trình mang tính ứng dụng khoa học công nghệ như thiết kế và sản xuất các phương tiện thủy bằng xi măng lưới thép, các ụ tàu và cần cẩu nổi, đặc biệt là việc chế tạo các ca nô phá thủy lôi điều khiển từ xa.


Đây là những trang vàng truyền thống, đánh dấu một chặng đường đầy gian lao, thử thách nhưng rất đỗi tự hào và vẻ vang của ngành Đăng kiểm.


Chất lượng hóa phương tiện GTVT thời bình


Hoạt động đăng kiểm là rào chắn kỹ thuật ngăn ngừa phương tiện kém chất lượng lưu hành, là một mắt xích không thể thiếu trong guồng máy GTVT và của xã hội. Sự giám sát của Đăng kiểm vừa mang tính tư vấn, vừa mang tính pháp chế giúp phương tiện, công trình có chất lượng tốt hơn. 


Sau 50 năm, Cục Đăng kiểm VN đã xây dựng được hệ thống đầy đủ các quy phạm và tiêu chuẩn, dựa trên thành quả của những công trình nghiên cứu khoa học kết hợp tham khảo các tiêu chuẩn, kinh nghiệm của thế giới với điều kiện thực tế của Việt Nam. Ngoài các Luật do Quốc hội ban hành, các Nghị định, Thông tư, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan, một loạt công ước quốc tế về an toàn hàng hải được dịch, cập nhật và triển khai áp dụng. Nhiều tiêu chuẩn xe cơ giới của cộng đồng châu Âu và Nhật Bản đã được chuyển đổi thành tiêu chuẩn quốc gia. 


Ngành Đăng kiểm kịp thời có những bước phát triển phù hợp với nhu cầu phát triển của đất nước trong thời bình. Đến nay, đã tổ chức, thực hiện công tác đăng kiểm đối với tất cả các loại phương tiện GTVT (trừ máy bay) và công trình dầu khí trên biển, trực tiếp góp phần đảm bảo sinh mạng người tham gia giao thông. 


Trong lĩnh vực GTVT đường bộ, năm 1995, Cục Đăng kiểm VN triển khai kiểm định xe cơ giới, góp phần ngăn ngừa TNGT do lỗi kỹ thuật phương tiện. Nếu như trước năm 1995, số vụ TNGT đường bộ xảy ra do phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật là 9% thì đầu những năm 2000 chỉ 1,7%; năm 2004 chỉ còn 0,84% và từ năm 2004 cho đến nay còn từ  0,7% đến 0,8%.


Việc áp dụng nghị định về niên hạn sử dụng ô tô tải, ô tô khách làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Cục Đăng kiểm VN đã xây dựng ngân hàng dữ liệu phương tiện giao thông trong cả nước, có khả năng tra cứu nhanh và cung cấp cho các cơ quan quản lý. 

Hiện đại hóa mạnh mẽ, hội nhập quốc tế sâu rộng


Nâng chất lượng công tác đăng kiểm, Cục Đăng kiểm VN đã xây dựng và ứng dụng nhiều phần mềm quản lý hoạt động kiểm tra, giám sát kỹ thuật, kiểm định cũng như các phần mềm đánh giá thiết kế. Các Trung tâm Đăng kiểm của Cục được đầu tư xây dựng nhà kiểm định và trang bị dây chuyền kiểm tra hiện đại cơ giới hóa 100%; đã đầu tư xây dựng hai trung tâm thử nghiệm ô tô, xe máy và thử nghiệm khí thải với cơ sở vật chất thiết bị, máy móc hiện đại.


Ngoài kiểm tra an toàn kỹ thuật phương tiện, nghiệp vụ kiểm tra được mở rộng như thử nghiệm khí thải, đánh giá chứng nhận theo Bộ luật Quốc tế về An ninh tàu và Cảng biển, Công ước về Lao động Hàng hải, hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9000/14000. Hiện nay, Cục Đăng kiểm VN đã có thỏa thuận hợp tác song phương với 21 tổ chức đăng kiểm nước ngoài, trong đó có tất cả các thành viên của Hiệp hội phân cấp tàu quốc tế IACS. 
 

Những dấu mốc lịch sử 


1964 Thành lập Ty Đăng kiểm

1979 Ty Đăng kiểm chuyển thành Cục Đăng kiểm Việt Nam 

1980 Lần đầu tiên ký thỏa thuận hợp tác với tổ chức đăng kiểm nước ngoài (Cộng hòa dân chủ Đức)

1981 Đăng kiểm Việt Nam gia nhập Tổ chức đăng kiểm quốc tế (OTHK)

1984 Đăng kiểm Việt Nam là Văn phòng thường trực IMO Việt Nam (Tổ chức Hàng hải quốc tế )

1985 Xuất bản bộ Quy phạm phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép đầu tiên

1992 Triển khai đăng kiểm công trình dầu khí biển

1994 Triển khai kiểm tra chứng nhận chất lượng sản phẩm công nghiệp

1995 Triển khai đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ

1997 Xuất bản bộ Quy phạm phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép bằng tiếng Việt và tiếng Anh

1998 Chứng nhận chất lượng phương tiện cơ giới đường bộ sản xuất, lắp ráp trong nước

2000 Chứng nhận chất lượng phương tiện cơ giới đường bộ nhập khẩu

2002 Đưa vào sử dụng Trung tâm Thử nghiệm ô tô, xe máy

2003 Triển khai đăng kiểm phương tiện đường sắt

2003 Đăng kiểm Việt Nam là thành viên chính thức của Tổ chức kiểm định ô tô quốc tế (CITA)

2010 - Khánh thành, đưa vào sử dụng Trung tâm Thử nghiệm khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (NETC)

       - Là thành viên Hiệp hội Đăng kiểm châu Á (ACS)

 

Quốc Hưng

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.