Đường bộ

Đăng ký khai thác trực tuyến, loại bỏ “xin - cho” cấp nốt vận tải khách

29/06/2021, 15:54

Trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp DN có thể đăng ký khai thác tuyến và chọn giờ xuất bến trực tuyến qua Cổng dịch vụ công của Bộ GTVT...

img

Việc đăng ký khai thác tuyến vận tải khách cố định sẽ được thực hiện hoàn toàn qua phần mềm của Bộ GTVT - Ảnh minh họa

Hai tháng mới được chấp thuận khai thác tuyến

Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty cổ phần vận tải và thương mại Đất Cảng cho hay, thủ tục xin khai thác tuyến vận tải khách tuyến cố định hiện nay còn rất rườm rà do phải làm thủ công, nhiều giấy tờ, qua nhiều công đoạn, nhiều cửa.

“Khi doanh nghiệp muốn đăng ký khai thác tuyến phải trình phương án kinh doanh cho hai sở GTVT đầu tuyến. Doanh nghiệp muốn khai thác tuyến nào, phải đăng ký với sở GTVT địa phương. Sau đó, sở này xin ý kiến với sở GTVT đầu đối lưu. Nhận được ý kiến phản hồi, sở GTVT sở tại có văn bản gửi Bộ GTVT xin điều chỉnh quy hoạch hay bổ sung quy hoạch. Sau khi nhận được đồng ý của Bộ GTVT, sở này lại thống nhất lần nữa với sở GTVT đầu đối lưu về đăng ký khai thác tuyến của doanh nghiệp. Tiếp đó, sở đối lưu phải có văn bản đồng ý thì sở GTVT sở tại mới công bố chấp thuận cho doanh nghiệp khai thác. Quy trình này doanh nghiệp phải chờ đợi trong vòng 2 tháng”, ông Hải cho biết.

Tương tự, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát - đơn vị sở hữu thương hiệu xe Sao Việt cho hay: "Tốn kém chi phí, thời gian là những điều doanh nghiệp vận tải đang gặp phải khi làm thủ tục đăng lý khai thác tuyến mới hay bổ sung tuyến. Việc rút ngắn thủ tục, công khai, minh bạch sẽ có lợi cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh".

Để khắc phục tình trạng trên, từ ngày 1/7 tới đây, Bộ GTVT sẽ chính thức đưa vào sử dụng phần mềm dịch vụ công trực tuyến đối với thủ tục đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách cố định (hay còn gọi là nốt vận tải) tại địa chỉ https://tuyenvantai.mt.gov.vn.

Đây là việc làm được đánh giá là đổi mới công tác giải quyết thủ tục hành chính theo hướng nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thực hiện công khai, minh bạch, giảm thời gian, chi phí và tạo thuận lợi cho đơn vị kinh doanh vận tải tham gia khai thác tuyến vận tải hành khách cố định, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp hiện nay. Đồng thời, việc này phù hợp với chương trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

Công khai, minh bạch cấp nốt

Ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin Bộ GTVT cho hay, tới đây toàn bộ quá trình lựa chọn tuyến đăng ký khai thác, lựa chọn giờ biểu đồ, nộp hồ sơ đăng ký, theo dõi tiến trình của hồ sơ, nhận kết quả của đơn vị kinh doanh vận tải và quá trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ, thông báo kết quả giải quyết thủ tục hành chính của cán bộ chuyên môn tại các sở GTVT đều được thực hiện trên phần mềm. Quá trình này được diễn ra hoàn toàn tự động, không cho phép sự can thiệp của các đối tượng sử dụng.

Theo ông Đỗ Công Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ VN), doanh nghiệp vận tải khách theo tuyến cố định căn cứ vào danh mục mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định "biểu đồ" chạy xe theo tuyến đã công bố được toàn quyền lựa chọn giờ xuất bến và thực hiện đăng ký khai thác tuyến tại các thời điểm chưa có đơn vị khai thác trên phần mềm dịch vụ công trực tuyến mà không nhận hồ sơ gửi trực tiếp đến cơ quan quản lý tuyến hoặc hồ sơ gửi qua đường bưu điện.

Toàn bộ quá trình lựa chọn tuyến đăng ký khai thác, lựa chọn giờ biểu đồ, nộp hồ sơ đăng ký, theo dõi tiến trình của hồ sơ, nhận kết quả của đơn vị kinh doanh vận tải và quá trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ, thông báo kết quả giải quyết thủ tục hành chính của cán bộ chuyên môn tại các sở GTVT được thực hiện hoàn toàn trên phần mềm theo đúng quy định tại Nghị định 10/2020.

Hiện Bộ GTVT đang cung cấp 254 dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 4. Trong đó có 90 dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 164 dịch vụ công mức 4. Bộ GTVT dự kiến đến cuối năm nay sẽ hoàn thành việc đưa toàn bộ 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên cung cấp trực tuyến mức 4 cho người dân, doanh nghiệp.

Ông Thủy cho biết, để có thể đưa phần mềm vào áp dụng từ ngày 1/7/2021 theo đúng lộ trình quy định tại Nghị định số 10/2020, Tổng cục Đường bộ VN và Trung tâm CNTT (Bộ GTVT) đã hoàn thành việc cập nhật và số hóa trên 10.000 tuyến vận tải hành khách cố định trên toàn quốc; hỗ trợ 63 sở GTVT cập nhật biểu đồ chạy xe của toàn bộ các tuyến vận tải hành khách cố định thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương.

"Việc đưa vào sử dụng phần mềm đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách cố định tiếp tục là bước chuyển đổi số mạnh mẽ của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ VN trong việc đổi mới toàn diện quản lý kinh doanh vận tải, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước. Quan trọng hơn là thực hiện công khai, minh bạch, giảm thời gian, chi phí và tạo thuận lợi cho đơn vị kinh doanh vận tải tham gia khai thác tuyến vận tải hành khách cố định", ông Thủy nói.

Theo ông Khúc Hữu Thanh Hải, việc đăng đăng ký khai thác tuyến vận tải trực tuyến là bước cải cách thủ tục hành chính quan trọng, giúp doanh nghiệp giảm thiểu thủ tục hành chính, không mất thời gian đi lại. Quan trọng hơn, việc này giúp doanh nghiệp phát huy hiệu quả đồng vốn đầu tư khi không phải chờ đợi. Đặc biệt, giúp loại bỏ “xin - cho” cấp nốt vận tải do doanh nghiệp không phải tiếp xúc trực tiếp với đơn vị quản lý, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN cho hay, việc này tương tự như đấu thầu qua mạng, trên cơ sở tiêu chí mời thầu, doanh nghiệp đủ năng lực có thể tham gia, tạo công khai minh bạch trong hoạt động vận tải. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả, tới đây cần có đánh giá, sơ kết tổng kết để các dịch vụ công được thực hiện thực chất hơn để người sử dụng lựa chọn.

img

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.