Thời sự

Đăng ký xe phải mở tài khoản có khả thi?

13/06/2019, 06:35

Cũng có một bất cập là nếu bắt buộc phải có một số tiền nhất định trong tài khoản của mỗi chủ xe thì số tiền “chết” là rất lớn.

img
Hệ thống pháp luật hiện hành chưa có quy định nào buộc người đăng ký xe hay vi phạm
giao thông phải có tài khoản đảm bảo. Ảnh: PLO

Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết đang nghiên cứu sửa đổi thông tư quy định về đăng ký xe theo hướng ràng buộc trách nhiệm của chủ sở hữu khi mua bán, cho, tặng xe. Trong đó, đề xuất quy định khi đăng ký xe thì người dân bắt buộc phải có tài khoản ngân hàng. Việc này được cho là sẽ rất thuận lợi cho việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông.

Tiền “chết” trong tài khoản rất lớn

Bắt buộc chủ xe khi đăng ký phải có tài khoản sẽ rất thuận lợi cho việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, tuy nhiên Việt Nam chưa thể làm ngay, cần được cơ quan có thẩm quyền quyết định, có khung pháp lý hoàn chỉnh và phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Đây mới là định hướng cho tương lai, Cục đề xuất để xin ý kiến. Nếu nhận được nhiều sự đồng tình và có khung pháp lý rõ ràng, chúng tôi mới bắt tay xây dựng chứ chưa bổ sung ngay để áp dụng.
Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng,
Cục trưởng Cục CSGT

Theo Đại tá Trần Sơn, nguyên Phó phòng Tuyên truyền, hướng dẫn luật (Cục CSGT), việc người dân có tiền mua xe thì việc mở tài khoản là rất bình thường ở nhiều nước trên thế giới. Việc xử phạt qua tài khoản không những giúp minh bạch, hạn chế tiêu cực mà còn giúp tiết kiệm thời gian cho người dân. “Tiền ở trong tài khoản của chủ xe, lúc nào chủ xe muốn đều kiểm tra được và chỉ khi vi phạm mới bị trừ tiền. Quá trình xử phạt có vấn đề gì, người vi phạm có thể khiếu nại quyết định xử phạt”, Đại tá Sơn nói.

Tuy nhiên, việc này cần phải có lộ trình cụ thể, trước mắt có thể áp dụng đối với chủ sở hữu ô tô, sau đó mới đến xe máy. Đồng thời, để khả thi thì bắt buộc phải đưa quy định vào luật. Chẳng hạn như với ai đối phó, đăng ký tài khoản ngân hàng xong bỏ luôn sẽ bị xử phạt; khi kiểm tra lái xe không có tài khoản ngân hàng thì phạt bao nhiêu... Ngoài ra, vấn đề này cần phải lấy ý kiến rộng rãi chứ không thể làm trong ngày một ngày hai.

“Cũng có một bất cập là nếu bắt buộc phải có một số tiền nhất định trong tài khoản của mỗi chủ xe thì số tiền “chết” là rất lớn, trường hợp cả năm không vi phạm lần nào thì rất lãng phí. Hơn nữa, ngân hàng trừ thẳng vào tài khoản mà chủ tài khoản không đồng ý thì sẽ thế nào?”, ông Sơn băn khoăn.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích, dù đề xuất của CSGT có thể coi như một phát kiến hết sức táo bạo, tuy nhiên nó có phù hợp hoặc áp dụng được hay không là cả một câu chuyện.

Thứ nhất, không có căn cứ hay quy định nào của ngành giao thông và cả hệ thống pháp luật hiện hành buộc người đăng kí xe hay vi phạm giao thông phải có tài khoản đảm bảo. Hơn nữa ở Việt Nam, tỷ lệ thanh toán điện tử, giao dịch qua tài khoản hiện nay vẫn rất thấp. “Còn ở góc độ xử phạt hành chính, tôi vi phạm thì anh cứ phạt, còn việc chấp hành, nộp phạt thế nào là quyền của tôi”, luật sư Tú nêu quan điểm.

Theo luật sư, tài khoản đó chắc chắn phải có một số tiền tương ứng với mức xử phạt cao nhất trong lĩnh vực giao thông đường bộ (hiện là 18 triệu đồng đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn). “Như vậy, tài khoản của tôi chôn chân một chỗ, trong khi đó gia đình còn nhiều việc phải làm như ốm đau, đi viện cần tiền mà không có (18 triệu trong tài khoản không thể lấy ra tiêu), đó là điều vô lý. Thậm chí, việc này có dấu hiệu vi phạm quyền công dân”, luật sư nhận định.

Về việc thay vì bắt mở tài khoản ngân hàng, chủ xe phải có tài khoản giao thông, cứ vi phạm là bị trừ tiền như một số ý kiến, luật sư Tú cho rằng không có cơ chế nào cho phép triển khai việc này, vì nó vướng cả về mặt pháp luật lẫn thực tiễn đời sống, không phù hợp với bối cảnh KT-XH của chúng ta hiện nay.

Còn với ý kiến cho rằng, nếu có làm thì làm với ô tô trước, thay vì làm đại trà cả với xe máy, luật sư Tú đưa ra quan điểm: “Thực ra mọi công dân phải bình đẳng trước pháp luật và mọi phương tiện giao thông trên cùng một lĩnh vực cần phải bình đẳng”.

Không khả thi khi vẫn còn thói quen dùng tiền mặt

img
Ở góc độ xử phạt hành chính, việc chấp hành, nộp phạt thế nào là quyền
của chủ xe vi phạm (Trong ảnh: CSGT Đội 14 Hà Nội cho chủ xe xem lại hình ảnh
vi phạm trên đường Giải Phóng). Ảnh: Khánh Linh

Ngoài kiến nghị sửa đổi thông tư về đăng ký xe, Cục CSGT đề xuất bổ sung chế tài xử phạt đối với chủ xe khi bán, tặng không làm thủ tục đăng ký sang tên, chuyển chủ (hiện nay chỉ xử phạt người mua khi không sang tên).
Theo luật sư Trương Anh Tú, có thực tế chủ xe khi bán, tặng không làm thủ tục đăng ký sang tên, chuyển chủ là do thuế trước bạ sang tên hiện nay quá cao nên nhiều người không làm. “Khi tôi mua ô tô mới phải đăng kí mới, tiền thuế và lệ phí mất gần 200 triệu đồng, tương đương với cả một chiếc ô tô cũ. Vì vậy, khi mua bán sang tên mà lại thu thuế nữa thì rất khó khăn, vì mọi vấn đề đều đổ hết lên đầu người sử dụng. Một chiếc xe hiện nay đã phải gánh nhiều loại thuế phí rồi”, luật sư Tú nói.
Trong khi đó, một cán bộ CSGT làm công tác đăng ký xe cho biết: “Có một thực tế, giá trị chiếc xe ô tô mua lại có khi rất ít tiền nhưng người dân ngại đến cơ quan công quyền để làm thủ tục. Vì vậy, để khuyến khích, cần đơn giản hoá thủ tục hành chính hơn nữa và nếu có thể thì giảm cả phí sang tên để mọi người tự giác chấp hành làm thủ tục sang tên chính chủ phương tiện”.

Cũng phân tích dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khẳng định, việc này sẽ không khả thi và chưa thể áp dụng trong giai đoạn này, khi mà xu hướng sử dụng tiền mặt vẫn còn rất phổ biến.

“Ở các nước phát triển họ dùng tiền mặt chỉ 15-20%, còn lại là dùng thẻ ngân hàng và tất cả người dân đều bị kiểm soát tài khoản ngân hàng và giao dịch bằng điện tử. Và khi vi phạm giao thông thì 90% trường hợp vi phạm bị phạt nguội. Còn tại Việt Nam hiện nay chủ yếu giao dịch bằng tiền mặt, tỷ lệ đến 80-90%. Chưa kể rất nhiều người dân vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số còn chưa một lần đến ngân hàng, không biết tài khoản là gì và cũng không có tiền để mở”, luật sư dẫn chứng.

Theo luật sư Cường, nếu bắt buộc người dân sử dụng một cách miễn cưỡng thì chắc chắn sẽ rất nhiều người đối phó. Đó là sau khi mở tài khoản ngân hàng để đăng ký xe xong, họ sẽ bỏ luôn tài khoản đó, hoặc không giao dịch thì ngân hàng cũng sẽ đóng tài khoản. Bởi thế, nếu tài khoản đó không có tiền thì muốn xử phạt cũng không làm gì được. “Chúng ta không thể so sánh với các nước phát triển nên cũng không thể áp dụng máy móc giống như họ. Đến khi nào lượng tiền mặt lưu thông ít đi, thanh toán bằng giao dịch điện tử tăng lên mới khả thi. Mặt khác, việc bắt buộc mở tài khoản ngân hàng không khác gì đóng phạt trước, dù chưa vi phạm giao thông có thể vi phạm quyền định đoạt về tài sản của công dân. Trong khi việc xử phạt khó hay dễ là do CSGT, vướng mắc gì chỉ cần sửa luật mà không phải nghĩ ra thêm thủ tục làm xáo trộn xã hội”, luật sư Cường phân tích.

Trao đổi với Báo Giao thông, một chiến sĩ CSGT Hà Nội cho biết rất ủng hộ chủ trương trên. Tuy nhiên, nếu áp dụng trong bối cảnh hiện tại là không thể, nên cần lấy ý kiến rộng rãi hơn nữa.

Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức (Viện trưởng Viện Khoa học
Cảnh sát, Học viện CSND):

Quy định nào cũng cần có sự đồng thuận

img

Việc bắt buộc khi đăng ký xe, người dân phải có tài khoản ngân hàng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho xử lý vi phạm giao thông, đặc biệt hình thức xử phạt nguội hiện nay. Quy định này nếu được thực thi sẽ đạt được nhiều mục đích: Trước hết, bắt buộc người tham gia giao thông phải chấp hành luật nghiêm túc; nếu không chấp hành thì việc xử phạt cũng rất hiệu quả khi đánh thẳng vào lợi ích kinh tế, hạn chế tới mức thấp nhất chuyện xin cho, tiêu cực xuê xoa trong xử phạt vi phạm.

Để có hiệu lực pháp lý, Chính phủ cần phải ban hành một nghị định quy định chủ xe phải có tài khoản ngân hàng.

Tuy nhiên, quy định nào của pháp luật muốn khả thi cần phải phù hợp với thực tế xã hội, nhận được sự đồng thuận trong người dân. Nhìn vào thực tiễn hiện nay, ngoài cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước hoặc người lao động có hợp đồng có tài khoản ngân hàng, thì số còn lại là lao động tự do, làm công nhật vẫn được trả công nhật kiểu “tiền tươi thóc thật”. Thậm chí, ngay cả khi lập tài khoản thì thói quen tiêu tiền mặt trong người dân vẫn rất phổ biến. Nguyên nhân bởi chưa đủ dịch vụ tiện ích cà thẻ, cộng thêm những vụ khách hàng mất tiền trong tài khoản gần đây khiến người dùng lo lắng về độ an toàn, bảo mật khi thanh toán qua thẻ hoặc trực tuyến.

Do đó, để thay đổi thói quen tiêu tiền mặt, hệ thống máy quẹt thẻ phải được lắp đặt đồng bộ, dịch vụ phải thật sự tiện lợi, an toàn để người dân cảm thấy dùng thẻ thanh toán trực tuyến đem lại lợi ích nhiều hơn trả tiền mặt.

ĐBQH Bùi Văn Xuyền (Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội):
Nên khuyến khích tự nguyện trước

img

Các nước họ đã thực hiện quy định bắt buộc chủ xe phải có tài khoản từ lâu và xu thế tất yếu. Tại Singapore khi mua xe, ngân hàng sẵn sàng cấp cho chủ xe một tài khoản, thậm chí không có tiền sẽ được cho vay để có một số tiền tối thiểu phục vụ cơ quan chức năng thu phí, thuế và cả tiền phạt.

Tại Việt Nam, thói quen thanh toán bằng tiền mặt không chỉ gây bất tiện cho người dân và cơ quan chức năng mà còn gây thất thu và nhiều hệ lụy kèm theo trong việc quản lý dòng tiền, phòng chống tham nhũng…

Đối với quy định mang tính bắt buộc, lại liên quan tới quyền của công dân, để đảm bảo tính pháp lý cần phải đưa vào luật. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội hiện nay, quy định này khá nhạy cảm có thể gây phản ứng trong nhân dân. Do đó, trước hết cần được thực hiện thí điểm kèm theo nhiều hình thức, cơ chế khuyến khích để người dân tự nguyện áp dụng, sau đó mới đưa vào khuôn khổ bắt buộc.

Hoàng Ngân (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.