Chuyện dọc đường

Đằng sau chiếc phong bì ngày Nhà giáo

20/11/2020, 06:30

Hãy đừng dậy con bài học sai về sự tri ân qua cách hành xử với những người thầy trên bục giảng của con mình...

img
Chiếc phong bì tặng ngày 20/11 nhiều khi vô cùng nhạy cảm

“Các bố mẹ “đi” thầy cô năm nay bao nhiêu?” - là câu hỏi khá phổ biến trong các nhóm cha mẹ học sinh trước ngày Nhà giáo 20/11.

Một cô giáo đã nghẹn ngào kể lại với tôi: “Trước tuần thi giữa kỳ, cô điện thoại cho một phụ huynh nhờ nhắc nhở con ôn tập vì con có biểu hiện chểnh mảng. Lập tức phụ huynh xin lỗi cô vì “dịp 20/11 tôi đi công tác xa nên không tới thăm cô được, mong cô thông cảm”.

Lo ngại cô giáo “nhắc khéo” là tâm lý của nhiều phụ huynh. Nhưng dù là gì thì quan niệm “phải có quà thì cô mới quan tâm hơn hoặc bỏ qua lỗi lầm của con” là điều dễ gặp ở khá nhiều phụ huynh thời nay.

Cũng vì suy nghĩ đó mà mỗi khi tới dịp 20/11, nhiều phụ huynh cố gắng thực hiện việc “tri ân” sao cho nhanh gọn nhất: Gặp cô đang dẫn học sinh ra khỏi cổng trường, dúi phong bì vào tay cô trước mặt học sinh.

Gửi con chiếc phong bì dày cộp đã ghi tên phụ huynh ở trên và nói “con đưa cảm ơn cô cho mẹ”.

Lại có cả phụ huynh tận dụng phương thức thanh toán điện tử, gửi tiền vào tài khoản của cô rồi nhắn tin “Bố/mẹ con… đang bận công tác xa, gửi cô chút quà, cô kiểm tra tài khoản giúp”.

Giáo viên có cần tiền không? Rất cần. Một Trưởng phòng GD&ĐT tại vùng vừa bị bão lũ ở Hà Tĩnh chia sẻ với tôi, lương giáo viên mới ra trường chỉ 2 - 3 triệu đồng/tháng, người làm lâu năm thì được gấp đôi.

Một giáo viên mầm non có mặt ở trường từ sáng đến chiều tối, ngoài đồng lương eo hẹp, họ được hưởng tiền hỗ trợ trông trưa từ quỹ phụ huynh tự nguyện là 2 nghìn đồng/ngày/học sinh. Với mức hỗ trợ đó, công việc của một giáo viên trông buổi trưa được thống kê tới hơn chục đầu việc.

Tại Hà Nội, một giáo viên dạy học sinh khiếm thính có thâm niên công tác hơn 20 năm, thu nhập 10 triệu đồng/tháng. Họ không chỉ dạy mà phải dỗ dành, phải tìm cách hỗ trợ, giải quyết rất nhiều khó khăn mà một trẻ khuyết tật vướng phải.

Tại các trường “điểm” ở thành phố, những giáo viên gạo cội mức lương cũng chỉ trên dưới 10 triệu đồng/tháng.

Với mức lương đó, nếu không có sự hỗ trợ của gia đình hoặc làm thêm, giáo viên không đủ chi trả mức sống tối thiểu. Nên cũng như nhiều người có mức lương thấp, công việc vất vả trong xã hội, giáo viên mong muốn được tăng lương, mong muốn thu nhập có thể đủ sống. Họ cần tiền, một nhu cầu bình thường và chính đáng.

Nhưng rất nhiều giáo viên đã bám trụ với nghề, vượt qua nhiều khó khăn, vất vả khác nhau, chắc chắn không phải chờ một năm được một vài lần nhận phong bì. Cái quý hơn tiền để nhiều người giữ được ngọn lửa yêu nghề chính là những món quà tinh thần từ học sinh, từ phụ huynh, từ xã hội. Đó là sự tôn vinh, ghi nhận xứng đáng và cách tri ân.

Một lời chúc, một thái độ ứng xử tôn trọng, tinh tế với người thầy của con mình sẽ nói lên tất cả, rằng chúng ta thực sự muốn tri ân hay chỉ là suy nghĩ “trả nợ”, là cách đưa tiền để cầu những lợi ích cho con cái.

Nhiều người thấy “nhẹ cả người” khi dúi xong cái phong bì, yên tâm với mức tiền đã cho vào phong bì đó, thầy/cô sẽ lưu tâm tới con mình. Họ có thể không hiểu họ đã gieo vào lòng những người đang hết lòng vì con trẻ một vết thương tinh thần, một nỗi buồn, sự chán nản, thất vọng.

Với một người thầy tận tụy, trách nhiệm, dành tâm huyết cho nhà trường, cho học sinh, những món quà bằng tiền có thể không bao giờ tương xứng. Nhưng họ sẽ cảm thấy hạnh phúc khi nhận ở học sinh và phụ huynh tình cảm, sự tin yêu.

Mỗi bậc cha mẹ cũng là những người thầy của con.

Hãy đừng dậy con bài học sai về sự tri ân qua cách hành xử với những người thầy trên bục giảng của con mình.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.