Kinh tế

Đằng sau kỳ tích xuất nhập khẩu cán mốc 400 tỷ USD

20/12/2017, 07:36

Chiều 19/12, Tổng cục Hải quan đã tổ chức Lễ ghi nhận xuất nhập khẩu hàng hoá Việt Nam đạt mốc 400 tỷ USD...

13

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi lễ 

Đóng góp của mỗi doanh nghiệp, mỗi nông dân

Chia sẻ tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Chủ tịch Ủy ban một cửa Quốc gia, một cửa ASEAN và Tạo thuận lợi thương mại cho rằng, “dấu mốc 400 tỷ USD” gợi lại cho ông về chặng đường của kinh tế Việt Nam. “Ngày 25/12/2011, khi đó tôi còn là Bộ trưởng Bộ Tài chính, đã chứng kiến tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mốc 200 tỷ USD. Sau 6 năm, con số này lên hơn gấp đôi”, Phó Thủ tướng nhớ lại. Ông Nguyễn Dương Thái, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cũng cho hay, từ con số kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2001 chỉ đạt 30 tỷ USD, sau 6 năm chúng ta tăng được gấp 3 lần. Bốn năm sau, năm 2011 đạt mốc 200 tỷ USD. Còn mốc 300 tỷ USD là vào năm 2015. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bổ sung: “Nhưng từ mốc 300 tỷ USD lên 400 tỷ USD ta chỉ mất nửa thời gian, đặc biệt xuất khẩu hàng hóa đã vượt mốc 200 tỷ USD, đạt mục tiêu mà Quốc hội đề ra cho năm 2017”.

"Thời gian tới, Bộ Tài chính tập trung chỉ đạo và Tổng cục Hải quan tích cực hơn để thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan theo chiến lược phát triển ngành đến năm 2002; chuyển tiền kiểm sang hậu kiểm, nâng cao hải quan điện tử, dịch vụ công trực tuyến, tăng cường CNTT và trang thiết bị đồng bộ, tạo điều kiện để doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu. Đồng thời, ngành Hải quan làm tốt vai trò là cơ quan thường trực về hải quan một cửa. Tôi cũng đề nghị các đồng chí hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan, đảm bảo tiết giảm hơn nữa thời gian thông quan. Năm 2017 là năm tiết giảm thủ tục, năm 2018 chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương này”.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ghi nhận nỗ lực của ngành chịu nhiều rủi ro do thiên tai là nông nghiệp: “Về cơ cấu, nộng - lâm - thủy sản trước chiếm 25%, thì nay còn 12%; còn 88% là hàng công nghiệp, công nghiệp chế biến. Tuy tỷ trọng nông - lâm - thủy sản giảm nhưng số tuyệt đối lại tăng nhanh. Theo Bộ NN&PTNT, tổng kim ngạch nông - lâm - thủy sản đạt 30-35 tỷ USD, đó là thành tích đáng nể”.

Ông Huệ cũng kể vừa có chuyến thăm Cơ quan Phát triển và Thương mại của Liên hợp quốc. So sánh các dấu mốc trong phát triển thương mại của Việt Nam, vị quan chức của Liên hợp quốc tỏ ra khâm phục và rất ngạc nhiên “không hiểu điều gì đã xảy ra ở Việt Nam” khi trong thời gian ngắn đã đạt được những thành quả đó. “Dấu mốc kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt mốc 400 tỷ USD là thành tích của cả nước, là sự nỗ lực của mỗi doanh nghiệp, mỗi người nông dân. Còn những người phục vụ trực tiếp là cán bộ công chức ngành Hải quan, đóng góp lớn vào kỳ tích này”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định.

Năm biến động mạnh của thị trường nhập khẩu ô tô

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lưu Mạnh Tưởng, Cục trưởng Cục Thu thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) cho biết, tốc độ tăng trưởng thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu năm nay tăng khoảng 10%. Điểm thay đổi đặc biệt như ông Tưởng nhấn mạnh trong năm nay là sự dịch chuyển của thị trường nhập khẩu do tác động của thuế suất. Rất nhiều mặt hàng đã chuyển từ các thị trường khác về khu vực ASEAN và Hàn Quốc do hưởng thuế suất thấp từ Hiệp định Thương mại Việt Nam - ASEAN (ATIGA), Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hàn Quốc. Trong đó, đặc biệt là mặt hàng ô tô. “Năm nay, nhập khẩu ô tô tăng đột biến và dịch chuyển từ các thị trường như Hàn Quốc, Ấn Độ sang các nước thuộc ASEAN như: Thái Lan, Indonesia do nằm trong lộ trình cắt giảm thuế  ATIGA”, ông Tưởng nói. Cục trưởng Cục Thu thuế xuất nhập khẩu cũng nhận định rằng, năm 2018, khi thuế suất nhập khẩu ô tô từ khối này giảm mạnh và giảm hết 30% về 0%, xe ô tô nhập khẩu sẽ chủ yếu từ hai thị trường và có khả năng thêm xe ô tô của Malaysia cũng sẽ vào Việt  Nam do có chất lượng tương tự như xe nhập khẩu từ Hàn Quốc hay Ấn Độ.

Bên cạnh ô tô là mặt hàng xăng dầu. Các năm trước, Việt Nam nhập khẩu xăng dầu chủ yếu từ ASEAN do vận chuyển thuận lợi, nhưng năm nay khi thuế nhập khẩu xăng dầu từ Hàn Quốc giảm còn 10% với xăng và 0% với dầu (trong thuế nhập khẩu từ các nước khác, gồm cả ASEAN vẫn là 20%) nên các doanh nghiệp đổ dồn nhập khẩu từ Hàn Quốc và chấp nhận quãng đường vận chuyển dài hơn.

“Năm nay là năm có biến động lớn. Sang năm, tác động còn lớn hơn nữa vì ATIGA vào giai đoạn cuối, cắt giảm thuế đến những mặt hàng quan trọng như ô tô mà chúng ta giữ đến tận bây giờ và Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam với Hàn Quốc và Nhật Bản vào giai đoạn giữa (giai đoạn bắt đầu cắt giảm mạnh thuế quan).  Điều này sẽ tác động mạnh làm giảm số thu ngân sách trực tiếp do giảm thuế và giảm do dịch chuyển thị trường nhập khẩu”, ông Tưởng nói. Do đó, Cục Thống kê và Tin học (Tổng cục Hải quan) đã theo dõi sát sao, tính toán và đưa ra đánh giá dự báo cho lãnh đạo.

Năm 2017, ngành Hải quan được giao số thu thuế 285.000 tỷ đồng. Năm 2018, số thu được Quốc hội giao giảm còn 283.000 tỷ đồng là do đã giảm trừ số tác động từ việc giảm thuế đối với nhiều mặt hàng như ô tô nói ở trên. Theo ông Tưởng, thu ngân sách từ xuất nhập khẩu năm tới phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó quan trọng là tình hình phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, đầu tư FDI…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.