Thế giới

Đằng sau quyết định cứng rắn của Bắc Kinh với Hồng Kông

02/06/2020, 06:58

Đằng sau bộ luật được Bắc Kinh thông qua không phải là “sự ngạo mạn” mà là “nỗi lo sợ”.

img
Trung Quốc lo ngại bất ổn tại Hồng Kông có thể ảnh hưởng tới tình hình tại Đại lục

Tuần vừa qua, thông tin “nóng nhất” trên chính trường thế giới không gì khác nằm ngoài vấn đề Trung Quốc quyết định công bố luật an ninh quốc gia đối với khu tự trị hành chính Hồng Kông.

Che giấu nỗi lo trên nhiều mặt trận

Những lùm xùm, tranh luận xung quanh nguồn gốc của virus Covid-19 cũng như cách xử lý của Bắc Kinh với đại dịch, tạm “nhường sân” cho hình ảnh biểu tình tại Hồng Kông và các tuyên bố, đe dọa đanh thép từ Mỹ để gây áp lực với Chính phủ Trung Quốc Đại lục.

Tất nhiên, cũng có sự đáp trả cứng rắn từ chính quyền của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nhận định về thái độ kiên quyết của Bắc Kinh với Hồng Kông, nhiều chuyên gia như ông David Zweig, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn xuyên Quốc gia Trung Quốc và Giáo sư Danh dự của Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông cho rằng, đằng sau bộ luật được Bắc Kinh thông qua không phải là “sự ngạo mạn” mà là “nỗi lo sợ”.

Trong bài bình luận đăng tải trên tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP), ông David Zweig chỉ ra, Trung Quốc đang gặp rất nhiều rắc rối. Đầu tiên phải kể đến vấn đề kinh tế. Năm 2019, đánh dấu mốc tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc sụt giảm lần đầu tiên trong 4 thập kỷ trở lại đây và khó có thể hồi phục lại. Tỉ lệ thất nghiệp tính trong tháng 4 là 14,8%. Chưa kể, trong tương lai ngắn hạn, khó có thể xóa sổ hoàn toàn virus Covid-19. Bắc Kinh lại vừa phải giới nghiêm khu vực Đông Bắc với dân số hơn 100 triệu người. Nước này còn đối mặt với chỉ trích dữ dội về cách xử lý dịch Covid-19 ngay khi dịch mới nảy sinh.

Ngay trong nội bộ, đã có một bộ phận kêu gọi chính quyền công khai chi tiết phản ứng chính thức của Chính phủ Trung Quốc với virus Corona mới đã được thực hiện trong 20 ngày đầu bùng phát dịch. Kế đó là những chuỗi cung ứng giá trị cao đang dần dời xa Trung Quốc chuyển tới các quốc gia khác và kéo theo hàng triệu việc làm ở Trung Quốc sẽ mất đi.

Về mặt chính sách ngoại giao, nhiều nhà quan sát chỉ ra một số vấn đề mà Bắc Kinh đang đối mặt như Sáng kiến Vành đai và Con đường đang trục trặc, chính sách châu Phi của Trung Quốc cũng gặp rắc rối và quan hệ với Liên minh châu Âu rối ren.

Mối đe dọa lớn nhất trong mắt các lãnh đạo Trung Quốc có lẽ chính là những hành động quân sự với tần suất và mức độ khoa trương mạnh, chống lại Trung Quốc của Mỹ trên Biển Đông. Bộ Ngoại giao Mỹ đang mấp mé với quyết định trừng phạt các lãnh đạo Trung Quốc vì luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông. Nói cách khác, sự trỗi dậy không thể ngăn cản của Trung Quốc cùng giấc mơ Trung Hoa của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang rơi vào bế tắc.

Giữa lúc đó, xã hội Hồng Kông, theo quan điểm của Bắc Kinh, đang vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Viện Nghiên cứu các vấn đề quan hệ Quốc tế thuộc Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc vừa công bố một bản báo cáo cho biết, xu hướng chống Trung Quốc trên quy mô toàn cầu đang ở mức cao nhất từ năm 1989 nên nước này cần phải chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất, đó chính là chiến tranh.

Giáo sư Zweig cho rằng, hầu hết các vấn đề mà Trung Quốc đang trải qua, đặc biệt là vấn đề Hồng Kông đều xuất phát từ nguyên nhân nội tại như Bắc Kinh trì trệ cải cách, tập trung quá nhiều quyền lực vào một cá nhân có quan điểm bảo thủ, cứng rắn và chính sách ngoại giao theo kiểu đe dọa, mở rộng quá mức, chẳng hạn như hoạt động xây đảo (phi pháp) trên Biển Đông.

Theo Giáo sư Zweig, Trung Quốc hiểu hầu hết những nguy cơ phát sinh từ chính sách với Hồng Kông nhưng họ cảm thấy không thể để thành phố này xảy ra thêm một mùa hè biểu tình bạo lực nữa vì có thể ảnh hưởng tới những người lao động và người trẻ đang thất nghiệp hàng loạt tại Đại lục.

Và bởi họ cũng lo ngại những hành động thù địch của Mỹ có thể khiến Hồng Kông bất ổn, gây thêm những mối đe dọa với an ninh quốc gia Trung Quốc, làm suy thoái vai trò của khu tự trị này trong kế hoạch trẻ hóa quốc gia của Trung Quốc.

Từ quan điểm đó, vị Giáo sư tại Hồng Kông cho rằng, Trung Quốc đang hành động vì lo lắng chứ không phải kiêu ngạo nên không trông mong họ sẽ rút lại quyết định, bất kể thế giới cảnh báo họ sẽ phải đối mặt với vô vàn nguy cơ.

Trung Quốc sẽ làm gì tiếp theo?

Theo các chuyên gia pháp lý, bước tiếp theo sau khi nhất trí ban hành luật an ninh với Hồng Kông, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc sẽ soạn thảo dự luật sau đó sẽ trình lên trước cuộc họp của Ủy ban này (diễn ra 1 tháng/2 lần), có thể là vào đầu tháng 6 này.

Ông Tam Yiu-chung, đại diện duy nhất của Hồng Kông trong Ủy ban cho biết, thường sẽ mất từ 1 - 2 cuộc họp để có thể thông qua luật, đồng nghĩa luật an ninh quốc gia Hồng Kông có thể được thông qua vào sớm nhất là đầu tháng 6 và muộn hơn là khoảng tháng 8 năm nay.

Theo ông Tam, những người dân Hồng Kông lo lắng về dự luật mới có thể đề xuất quan điểm về luật qua nền tảng trực tuyến. Dù vậy, giới bình luận chính trị địa phương cho rằng, phản hồi của người dân khó có thể tạo ra sự khác biệt.

Ông Tam kỳ vọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tham vấn chính quyền Hồng Kông và Ủy ban Luật Cơ bản, cơ quan cố vấn luật quốc gia về vấn đề này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.