Tài chính

Đằng sau sự trở lại của cổ phiếu "vua thép"

18/05/2024, 11:48

Hòa Phát đã vượt Vingroup lên vị trí vốn hóa lớn thứ 5 toàn sàn với mốc 183.747 tỷ đồng.

Tài sản Chủ tịch HPG lên 2,6 tỷ USD

Trong ngày giao dịch cuối của tuần qua, thị trường chứng khoán đã có thời điểm tăng lên gần 1.275 điểm, với điểm nóng là nhóm cổ phiếu chăn nuôi.

Tuy nhiên, một số mã bluechip giảm điểm, trong đó có cổ phiếu ngân hàng, đã khiến VN-Index nhanh chóng thu hẹp biên độ và dần bật lên trên 1.270 điểm.

Chốt phiên giao dịch ngày 17/5, VN-Index tăng 4,33 điểm lên 1.273,11 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 937 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 23.074 tỷ đồng. Toàn sàn có 234 mã tăng giá, 176 mã giảm giá.

Cùng với việc thanh khoản tăng, nhóm cổ phiếu chứng khoán giao dịch sôi động, nhiều mã tăng mạnh như: APS tăng kịch trần, MBS tăng 6%, HAC tăng 4,32%, VND tăng 4,04%...

Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng ở đà tăng giá. Theo đó, VIC, VHM, VRE đều ở chiều giá xanh. Các mã khác như BCM, KDH, DIG, DXG, CEO, NVL… cùng tăng giá tích cực.

Đằng sau sự trở lại của cổ phiếu "vua thép"- Ảnh 1.

Cổ phiếu HPG đã tăng trưởng liên tục từ cuối năm 2022 và phá đỉnh trong tháng 5/2024. Ảnh: TradingView.

Mặc dù trải qua 1 tuần không có nhiều đột biến, song thị trường chứng khoán vẫn ghi nhận đà bứt phá của cổ phiếu "vua" ngành thép – HPG.

Hiện tại, cổ phiếu Hòa Phát được giao dịch ở giá 31.600 đồng/cp, vốn hóa đạt mức 183.747 tỷ đồng.

So với mức đáy vào cuối tháng 10/2023, HPG đã tăng tới 38,6%. Nếu nhìn xa hơn vào đáy của thị trường vào cuối năm 2022, siêu cổ phiếu ngành thép đã tăng trưởng liên tục với mức gấp 2,6 lần.

Ngay sau khi phá đỉnh, Hòa Phát đã vượt Vingroup lên vị trí vốn hóa lớn thứ 5 toàn sàn. Vốn hóa Hòa Phát chỉ xếp sau 4 doanh nghiệp có vốn nhà nước gồm: Vietcombank, BIDV, Viettel Global và ACV.

Không chỉ vậy, với kết quả tích cực từ cổ phiếu, tài sản của tỷ phú Trần Đình Long - Chủ tịch Hòa Phát cũng tăng hơn 94 triệu USD (3,8%), lên 2,6 tỷ USD, theo Forbes.

Trong đó, riêng số cổ phiếu HPG do ông Long trực tiếp nắm giữ đã có giá trị 46.800 tỷ đồng (1,9 tỷ USD), tăng gần 14.000 tỷ đồng sau một năm.

Động lực nào cho cổ phiếu HPG?

Hiện tại, động lực lớn nhất giúp các cổ đông đặt niềm tin vào cổ phiếu HPG chính là nhờ kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong quý I/2024.

Theo đó, Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận doanh thu thuần đạt 30.852 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Giá vốn tăng chậm đã giúp lợi nhuận gộp của Hòa Phát tăng gần 2,7 lần cùng kỳ, lên 4.154 tỷ đồng.

Trong kỳ, chi phí tài chính cũng giảm hơn 20% xuống 1.061 tỷ đồng, chủ yếu do giảm lãi vay.

Khấu trừ chi phí, HPG báo lãi sau thuế quý I/2024 đạt 2.869 tỷ đồng, gấp 7,5 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Đằng sau sự trở lại của cổ phiếu "vua thép"- Ảnh 2.

Các dự án Dung Quất 1-2 đang trở thành động lực chính trong bức tranh ngành thép của Hòa Phát. Ảnh: Hòa Phát Dung Quất.

Năm 2024, Hòa Phát đặt mục tiêu đạt doanh thu 140.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 10.000 tỷ đồng. Như vậy, hết quý I, công ty đã thực hiện được 22% kế hoạch doanh thu và 28,7% chỉ tiêu lợi nhuận.

Tính đến 31/3/3024, tổng tài sản của Hòa Phát tăng 7,5% so với đầu năm lên 201.940 tỷ đồng, trong đó lượng tiền mặt và tiền gửi nhích nhẹ lên 34.700 tỷ đồng, tương đương 17% tổng tài sản.

Nhìn chung, với việc sản lượng tăng mạnh, các nhà đầu tư cũng không quá ngạc nhiên về đà tăng trưởng lợi nhuận của HPG.

Được biết, chỉ riêng trong quý I/2024, tập đoàn này đã sản xuất 2,1 triệu tấn thép thô, tăng 70% so với cùng kỳ 2023. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và HRC đạt 1,85 triệu tấn, tăng 34%.

Quý đầu năm, thép xây dựng, thép chất lượng cao của Hòa Phát đạt sản lượng 956.000 tấn, tăng 10%. Thép cuộn cán nóng đạt 805.000 tấn, tăng 67% so với 3 tháng đầu năm ngoái. Hòa Phát còn cung cấp trên 87.000 tấn phôi thép cho các nhà máy cán thép khác của Việt Nam và phục vụ xuất khẩu.

Đặc biệt, đến cuối quý I/2024, Hòa Phát đã mạnh tay đầu tư 26.800 tỷ đồng cho dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 (Quảng Ngãi). Đến tháng 3/2024, dự án Dung Quất 2 đã đạt trên 50% toàn bộ các hạng mục chính.

Theo kế hoạch, giai đoạn 1 sẽ được hoạt động vào quý đầu năm 2025. Giai đoạn 2 hoàn thiện và hoạt động vào quý IV/2025. Dự kiến, khi Dung Quất 2 hoàn thành sẽ đưa Hòa Phát vào top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới.

Theo báo cáo phân tích mới đây của Chứng khoán BIDV (BSC Research), Hòa Phát có thể mang về doanh thu gần 190.000 tỷ đồng với lợi nhuận sau thuế khoảng 22.000-23.000 tỷ đồng vào năm 2025 khi dự án Dung Quất 2 đi vào hoạt động giai đoạn 1.

Đáng chú ý, trong ĐHĐCĐ mới đây, Chủ tịch Trần Đình Long chia sẻ, sau dự án Dung Quất mở rộng, chiến lược mà Hòa Phát hướng đến là nghiên cứu sản xuất tôn silic – sản phẩm cho các điện thế, mô tơ điện dùng cho xe điện, một lĩnh vực đang phát triển trên thế giới. Việt Nam hiện mới có một đơn vị, song mới dừng ở khâu gia công. Trong khi đó, Hòa Phát sẽ thực hiện từ gốc.

Lĩnh vực thứ hai mà HPG quan tâm đó là thép đường ray, loại thép đang ứng dụng cho tàu chạy cao tốc từ 800-1.000 km/h, một sản phẩm rất khó thực hiện. Chủ tịch HPG cho biết, Hòa Phát đang lập công ty nghiên cứu và doanh nghiệp của ông cũng bày tỏ mong muốn tham gia gói thầu làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.