Hồ sơ tài liệu

Đằng sau việc Nga - Thổ đột ngột bình thường hóa quan hệ

01/07/2016, 06:30

7 tháng sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay chiến đấu Nga, quan hệ hai nước đột ngột được cải thiện.

Tổng thống Nga Vladimir Putin điện đàm với Tổng th

Nga - Thổ nối lại quan hệ song phương sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan

7 tháng sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay chiến đấu Nga, quan hệ hai nước đang được cải thiện sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.

Bình thường hóa để “tự bảo vệ”

Cuộc điện đàm được thực hiện đêm 29/6, một tuần sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ gửi thư xin lỗi và bày tỏ sự hối tiếc về vụ bắn rơi máy bay Nga. Trong cuộc điện đàm, ông Putin cam kết sẽ rút lại một số lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ và khẳng định, sẽ yêu cầu Chính phủ đàm phán để nối lại mối quan hệ kinh tế và thương mại. Trước mắt, lệnh cấm vận du khách Nga thăm Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được dỡ bỏ.

Các chuyên gia cho rằng, đằng sau động thái này là rất nhiều lý do cả về chính trị và kinh tế. Về chính trị, chính quyền Tổng thống Erdogan đang đối mặt bế tắc trong nội bộ không chỉ từ các đảng đối lập và còn một bộ phận lớn người dân phản đối những quy định ngày càng độc tài của ông Erdogan cũng như tình hình bạo lực “như nấm sau mưa” giữa các lực lượng người Kurd và lực lượng Chính phủ.

Chỉ riêng nửa đầu năm nay, 7 vụ đánh bom khủng bố lớn tại hai TP Ankara và Istanbul đã khiến hơn 200 người thiệt mạng. Bên cạnh đó, cuộc xung đột kéo dài hơn hai thập kỷ qua giữa chính quyền Ankara với cộng đồng người Kurd, vốn đã cướp đi sinh mạng của khoảng 40 nghìn người, đang có dấu hiệu leo thang nghiêm trọng. Điều đó không cho phép Ankara lún sâu hơn vào khủng hoảng trong quan hệ với Nga.

Ngoài ra, ông Erdogan nhận thấy, tình hình Nga hỗ trợ Syria đang đạt được hiệu quả và hy vọng lật đổ chế độ Tổng thống Syria Bashar al-Assad của Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng mờ nhạt. Do vậy, hòa hoãn với Moscow, Ankara hy vọng tìm được cách bình ổn tình hình tại Syria và loại bỏ rủi ro bất ổn tại Syria lây lan sang Thổ Nhĩ Kỳ trên diện rộng.

Không những thế, Thổ Nhĩ Kỳ không nhận được sự hậu thuẫn của đồng minh Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà nước này là thành viên. Washington ngay từ đầu đã tuyên bố “không liên quan” tới tranh cãi giữa hai bên. Mặt khác, cú sốc “Anh ra khỏi EU - Brexit” cũng là một yếu tố thúc đẩy Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách tự bảo vệ mình khỏi ảnh hưởng từ những bất ổn châu Âu.

Gánh nặng kinh tế

Hơn hết, những thiệt hại kinh tế vì căng thẳng là tác nhân quan trọng, vì Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Nga với tổng kim ngạch thương mại song phương đạt gần 40 tỷ USD/năm, còn Nga là thị trường lớn nhất đối với hàng xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ. Thậm chí, hai nước đã đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD năm 2020.

Ông Georgy Vashchenko, Giám đốc điều hành thị trường chứng khoán Nga tại Công ty Đầu tư Freedom Finance cho biết: “Bản thân Thổ Nhĩ Kỳ từng đánh giá, họ thua lỗ 9 tỷ USD/năm vì các lệnh trừng phạt của Nga. Con số này bằng 1,2% tổng sản phẩm quốc nội Thổ Nhĩ Kỳ (GDP). Trong đó, sụt giảm lợi nhuận du lịch là lớn nhất chiếm khoảng 5 tỷ USD; Thua lỗ liên quan tới ngành xuất khẩu dệt may lên tới 1,2 tỷ USD/năm - theo ông Vashchenko. Về phía Nga, ước tính, thiệt hại kinh tế hơn 11 tỷ USD vì các lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ, ông Vashchenko cho biết thêm.

Sở dĩ cả hai nước đều thiệt hại kinh tế nặng nề. Vì, thứ nhất, Thổ Nhĩ Kỳ là nước tiêu thụ khí đốt lớn thứ hai của Nga. Năm 2015, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Nga Gazprom bán 26,9 tỷ m3 khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ, chiếm 55% nhu cầu của nước này. Quan hệ bế tắc giữa hai bên khiến dự án xây dựng đường ống khí đốt thứ hai dưới biển Đen với công suất 63 tỷ m3 khí đốt/năm phải dừng lại. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ không thể tìm được nguồn cung khí đốt nào thay thế và tiếp tục phải mua khí đốt Nga qua đường ống dẫn hiện có.

Thứ hai, Thổ Nhĩ Kỳ là điểm đến du lịch hấp dẫn và vừa giá tiền đối với người dân Nga. Sau lệnh trừng phạt du lịch Nga áp đối với Thổ Nhĩ Kỳ tính đến tháng 5/2016, lượng tìm kiếm tour du lịch giảm 15,5% so với cùng kỳ năm 2015. Hiệp hội Điều hành Tour Nga cho biết: “Một khi Nga - Thổ nối lại quan hệ, nhu cầu du lịch của người Nga sẽ nhanh chóng phục hồi”. Lý do khác, Thổ Nhĩ Kỳ là nhà cung cấp hoa quả, rau củ chủ yếu cho Nga. Lệnh trừng phạt cấm nhập khẩu thực phẩm từ Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến lượng nhập khẩu thực phẩm từ Thổ Nhĩ Kỳ trong 4 tháng đầu năm 2016 giảm 274,6 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Do vậy, lợi ích kinh tế và chính trị khiến hai bên không thể không xuống thang. Tuy nhiên, còn phải thêm thời gian và nhiều thủ tục; Nhưng đây là một tín hiệu tích cực không chỉ cho hai bên mà cho cả cuộc chiến chống khủng bố Trung Đông.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.