Điện ảnh

"Đáng sống" và kỳ công tìm lối thoát cho phim tài liệu

27/11/2016, 07:44

"Đáng sống" ghi lại hành trình chiến đấu với căn bệnh ung thư gan của anh Tăng A Pẩu.

Một cảnh trong phim Đáng sống

Một cảnh trong phim Đáng sống

“Trong con đường hầm đầy bóng tối, con người vẫn bước đi và hy vọng thấy ánh sáng từ phía cuối”- Đó là thông điệp trong bộ phim tài liệu Đáng sống của đạo diễn Đặng Hồng Giang.

Vượt qua cái chết: Chồi nảy cây

Một năm sau Lửa thiện nhân gây nhiều tiếng vang, đạo diễn Đặng Hồng Giang trở lại với chùm phim tài liệu ngắn đặc biệt mang tên: Đáng sống. Phim kể về câu chuyện chị Hoàng Thị Kim Dung (TS, giảng viên trường ĐH Bách khoa Hà Nội), người đã tìm thấy “mầm sống” trong tai ương. Chồng chị tử nạn trong một vụ TNGT. Trong nỗi đau tột cùng, chị chỉ suy nghĩ phải giữ lại thứ gì đó của chồng. Và hành trình sinh con từ tinh trùng của người chồng đã mất của chị Dung dưới sự giúp đỡ của bác sĩ Lê Vương Văn Vệ khiến nhiều người cảm phục, bởi tinh thần và tình yêu thương, chấp nhận bị mọi người dị nghị. Ca sinh đôi của chị Dung khi ấy là một sự kiện đặc biệt của y học Việt Nam, cũng là câu chuyện xã hội gây xúc động.

Nếu Mầm sống truyền tải những thông điệp tích cực về tri thức và tình yêu thì Đáng sống lại mang tới tinh thần lạc quan trong gian nan. Đáng sống ghi lại hành trình chiến đấu với căn bệnh ung thư gan của anh Tăng A Pẩu (TP HCM). Anh đã suy sụp sau khi nghe bác sĩ thông báo chỉ có thể sống thêm được gần một năm. Lạc lõng, mất phương hướng, tuyệt vọng, anh chọn giải pháp mổ cắt bỏ khối u và xác định 90% là chết. Tuy nhiên sau đó, anh khiến mọi người bất ngờ khi vẫn sống khỏe và ý nghĩa. Trong 11 năm chiến đấu với bệnh hiểm nghèo, anh bỏ rượu bia, bỏ nhậu nhẹt để làm bạn với thiên nhiên, lặn lội khắp nơi để chụp hình chim quý. Đến giờ, anh Pẩu đã sở hữu bộ sưu tập ảnh hơn 500 loài chim quý giá trị nhất Việt Nam.

Hay bộ phim Một con đường đưa khán giả về với mảnh đất Quảng Trị, gặp gỡ anh Nguyễn Ngọc Triệu - người hàng ngày mưu sinh bằng nghề thu lượm phế liệu chiến tranh. Câu chuyện của anh Triệu cùng những người dân nơi đây và câu nói: “Dân làng tôi gặp bom là họ mừng rồi” khiến nhiều người phải cười chua chát, xót xa cho những mảnh đời hàng ngày phải đối diện với cái chết để mưu sinh. Đoạn phim khép lại bằng nụ cười hồn hậu và cái ôm ấm áp của anh Triệu với con trai, trong lễ tốt nghiệp đại học khiến nhiều người không cầm được nước mắt.

Đó là những thân phận, con người đối diện và vượt qua được cái chết để tiệm cận với cuộc đời bằng niềm tin và hy vọng. Đạo diễn Lý Quang Trung (Giám đốc Hãng phim truyền hình TP HCM) chia sẻ sau khi xem bộ phim: “Đáng sống mang ý nghĩa nhân văn, nhân bản. Nó cũng cho thấy công trình nghiên cứu khoa học về y học và thiên nhiên. Đạo diễn rất chỉn chu và chắt chiu trong mỗi hình ảnh, không dùng lời bình mà để nhân vật tự kể câu chuyện của mình để tạo cảm xúc cho người xem. Đó là một cách rất thông minh”, ông nhận xét.

Lối thoát nào cho phim tài liệu bán vé

Được biết, chùm phim này được đạo diễn Đặng Hồng Giang bắt tay thực hiện từ tháng 11/2012, anh cố tình lựa chọn ba tuyến nhân vật trong ba tầng lớp xã hội: Trí thức - doanh nhân - nông dân, với ba câu chuyện ở ba vùng Bắc - Trung - Nam để kể lại. Theo anh, đã gọi là tai ương thì không thể nói trước điều gì. Mỗi câu chuyện mang dấu ấn cá nhân nhưng mỗi nhân vật dù ở địa vị nào trong xã hội, ở vùng miền nào cũng đều mang lại những bài học giá trị và đáng suy ngẫm.

Bộ phim tài liệu Đáng sống là chùm phim ngắn gồm 3 phim, mỗi phim dài 30 phút gồm: Mầm sống, Đáng sống và Một con đường.

Xuyên suốt 90 phút, bộ phim dẫn dắt khán giả trải qua nhiều cung bậc cảm xúc với những thông tin ý nghĩa và những thông điệp đáng suy ngẫm. 

Trong hành trình 4 năm làm phim bền bỉ, đạo diễn Đặng Hồng Giang phải trải qua nhiều khó khăn để mang lại những thước phim chân thực, giàu cảm xúc nhất truyền tải tới người xem. Trong một thước ghi hình lại một cảnh chân thực công việc cuốc bom, mìn sau chiến tranh của người dân Quảng Trị, cả ê-kíp đã trực tiếp đi theo người dân ra đồi núi để dò bom mìn. Anh kể, dù đã mua bảo hiểm cho toàn bộ thành viên nhưng vẫn biểu quyết xem ai muốn cùng anh tới hiện trường. Bất ngờ, mọi người trong ê-kíp đều muốn đi.

Đạo diễn của Lửa thiện nhân nhớ lại, khi quay một cảnh tại kênh mương còn rải rác khá nhiều bom bi, một người dẫn đoàn đi cùng cắm mai đào đất thì bất ngờ đất lở. “Nhiều thành viên trong ê-kíp quay phim đang đứng trên bờ chạy tán loạn vì sợ bom nổ, tôi và các anh em đứng dưới mương sợ xanh mặt vì ở dưới mương không chạy đi đâu được. Sợ đấy, nhưng muốn làm nên chuyện đôi khi phải liều. Có những lúc đối diện với cái chết như thế mới hiểu và cảm thông cho những người dân nơi đây”, đạo diễn Đặng Hồng Giang nói.

Sau Lửa thiện nhân, các rạp phim đã rộng đường hơn với phim tài liệu của đạo diễn Đặng Hồng Giang. Phim được chiếu tại các cụm rạp BHD ở Hà Nội, TP HCM và rạp Tháng 8. Tuy nhiên, các suất chiếu lại rơi vào những khung giờ khá… “khó nhằn” nên lượng khán giả đến với bộ phim không khả quan.

Sự không khả quan ấy được đạo diễn Chu Dương nhìn nhận, phim tài liệu vốn không hút khách nên truyền thông phải thực sự mạnh. Bởi rạp phim chấp nhận đưa phim tài liệu vào nghĩa là phim chất lượng. Nhưng truyền thông cũng là một trong những yếu tố chính để quyết định phim có bán vé được hay không. Đạo diễn Chu Dương bày tỏ hy vọng, dù khó khăn thế nào, đạo diễn Đặng Hồng Giang cũng giữ được lửa nghề, tiếp tục cống hiến cho điện ảnh những bộ phim hay. Bởi việc có thể đưa phim tài liệu ra rạp bán vé đã là một thành công. “Tôi tin nếu tiếp tục, người xem sẽ không phụ Giang”, ông chia sẻ.

Dù còn nhiều gian nan nhưng đạo diễn Đặng Hồng Giang cho hay, anh vẫn luôn tin tưởng sẽ tìm thấy ánh sáng phía cuối con đường như chính phương châm của bộ phim “Mỗi câu chuyện là một lối thoát”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.