Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình cuối phiên thảo luận |
Ngày 20/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Đa số ĐBQH kỳ vọng khi áp dụng những cơ chế này, không chỉ TP.HCM phát triển mà sẽ kéo theo sự phát triển của cả nước.
Cơ chế ràng buộc, từ sầm uất trở nên “trầm uất”
ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nhận định đây là thời điểm chín muồi để Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho TP HCM. Theo ông Học, đây là đô thị đặc biệt có quy mô dân số và mật độ dân số lớn nhất, trung tâm kinh tế lớn nhất, thu nhập đầu người cao nhất, là địa phương đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, chính sách hiện hành không còn phù hợp mà đã bộc lộ sự kìm hãm, không tạo điều kiện cho thành phố phát huy các tiềm năng, lợi thế để phát triển.
Ủng hộ việc ban hành nghị quyết, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, đã đến lúc cần áp dụng ngay cơ chế đặc thù, vì nơi này từ một thành phố sầm uất đang trở nên "trầm uất" với cơ chế ràng buộc. Ông nhận định, sau khi đất nước thống nhất, TP.HCM là địa phương đi đầu trong đổi mới, trong việc tìm cơ chế bứt phá. Tuy nhiên, đến nay, thành phố vẫn nằm trong một hành lang pháp lý chung như bất kỳ địa phương nào khác. "Trước đây, chúng ta có nguyên lý là không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng, còn hiện nay là không sợ thiếu, chỉ sợ cào bằng", ông Quốc nói và nhấn mạnh, việc áp dụng cơ chế đặc thù cho TP.HCM cũng sẽ mang lại sự "giải thoát”, “bứt phá” mới cho Hà Nội và cả nước.
Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng, trong suốt thời kỳ bao cấp, nhiều lần TP.HCM đã có cách làm "xé rào" để tạo làn sóng đổi mới. Với nghị quyết này, thành phố sẽ không cần phải loay hoay "xé rào" mà có đủ căn cứ pháp lý để bứt phá, phát triển.
Tăng thuế, phí phải được đồng thuận
Trong khi đó, ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) bày tỏ băn khoăn với việc quy định thí điểm cho TP.HCM được thực hiện chính sách thuế tài sản, được tăng thêm mức thuế, thu thêm các loại phí, lệ phí. Bà Hương lưu ý cần cân nhắc thật kỹ lưỡng, tránh tác dụng ngược của cơ chế, chính sách này, tránh để người dân phải chịu chi phí quá đắt đỏ tại TP.HCM và không khéo sẽ mất nguồn thu thêm từ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ. Đồng tình với quy định là ngân sách thành phố được hưởng 100% để đầu tư cơ sở hạ tầng về kinh tế - xã hội nhưng ĐB đề nghị cần phải bổ sung quy định là ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, bảo vệ môi trường, nhằm tập trung nguồn lực giải quyết các bức xúc về tình trạng đang tắc đường, kẹt xe, ô nhiễm môi trường.
Đối với cơ chế cho phép TP.HCM quyết định mức thu bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, bà Hương góp ý cần quy định minh bạch về tỷ lệ khung mức thu nhập được tăng thêm so với mức lương cơ bản và mức khung được tăng thêm giữa các thành phố lớn với nhau, tránh sự quá chênh lệch và gây ra bất bình đẳng.
Đồng tình với cơ chế đặc thù về tài chính ngân sách, để TP tự quyết tăng các loại thuế, phí để đem lại nguồn thu lớn, nhưng ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) lưu ý, chính sách này sẽ ảnh hưởng đến một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp và người dân, nên cần lường trước những phản ứng của những đối tượng này. “Cần bổ sung nguyên tắc có sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp. Phải có đánh giá tác động trước khi triển khai, tránh những phản ứng không đáng có”, bà Hoa nhấn mạnh.
Đã lường trước các vấn đề nảy sinh
Giải trình cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng lý giải, TP.HCM đã và đang là trung tâm kinh tế lớn nhất nên nếu thành phố phát triển nhanh hơn sẽ đóng góp nhiều hơn cho đất nước. "Thành phố thu 100 đồng, chỉ giữ lại 18 đồng, điều tiết về T.Ư 82 đồng. Vấn đề là động lực tăng trưởng của thành phố đang chậm lại. Năm 2010 tăng 10,7%, đến năm 2015 còn hơn 9%, qua đó làm chậm lại mức tăng chung của cả nước mà các địa phương khác có tăng nhanh hơn cũng không bù lại được", Bộ trưởng Dũng phân tích.
Ông khẳng định khi đề xuất các chính sách, cơ chế đặc thù cho TP.HCM, Chính phủ và thành phố đã lường trước các vấn đề nảy sinh, do vậy trong dự thảo nghị quyết quy định rõ các nguyên tắc để không ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp.
Riêng về thuế tài sản, Bộ trưởng Dũng cho rằng cần sự đồng thuận và thí điểm để tổng kết nhân rộng. Ông cũng lưu ý, việc Quốc hội ban hành nghị quyết này không có nghĩa TP.HCM sẽ thực hiện ngay việc tăng thuế, mà phải xây dựng đề án cụ thể, đánh giá đầy đủ tác động đến môi trường kinh doanh, đời sống người dân.
Về việc nâng mức dư nợ vay của TP, Bộ trưởng Tài chính cho hay ước dư nợ vay của thành phố đến 31/12 khoảng 22.000 tỷ đồng, bằng 40% mức dư nợ vay cho phép theo quy định hiện hành. Quy định tăng mức dư nợ vay sẽ đảm bảo cho TP.HCM có thêm dư địa vay và phù hợp với chủ trương đẩy mạnh cơ chế cho vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài, thay vì cấp phát như hiện nay. Dự kiến theo các hiệp định đã ký, trong thời gian tới TP.HCM vay lại từ nguồn này khoảng một tỷ USD để đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm.
Theo dự thảo Nghị quyết, TP.HCM sẽ được thí điểm áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù như được quyết định chủ trương đầu tư với các dự án nhóm A (sử dụng ngân sách TP); được quyết định mức thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ công chức, chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt; chuyển mục đích sử dụng đất lúa từ 10ha trở lên. Được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương; vay từ tổ chức tài chính trong nước, từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài (không vượt quá 90% số thu ngân sách TP). Được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng mặt đất khi bán tài sản Nhà nước gắn liền với tài sản trên đất; từ số thu từ cổ phần hóa của các DNNN do TP quản lý, từ thoái vốn Nhà nước tại các tổ chức kinh tế. Được sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách cấp TP để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận