Hạ tầng

Dành làn ưu tiên xe buýt trên cao tốc để chở khách đến sân bay Long Thành?

26/09/2022, 06:00

PGS.TS Phạm Xuân Mai cho rằng nên dành riêng làn đường trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cho xe buýt chở khách đến sân bay Long Thành.

Sân bay Long Thành là cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực nên việc nghiên cứu kết nối hệ thống hạ tầng giao thông khu vực là một nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Xung quanh vấn đề này, Báo Giao thông có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, ĐH Bách khoa TP.HCM.

img

PGS.TS Phạm Xuân Mai

Phải có đường sắt kết nối

Ông đánh giá như thế nào về hiện trạng hệ thống giao thông kết nối khu vực triển khai dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành với TP.HCM và các vùng phụ cận?

Sân bay Long Thành là có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ đối với tỉnh Đồng Nai, TP.HCM mà còn với cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên hiện hệ thống giao thông của vùng Đông Nam Bộ và TP.HCM kết nối tới khu vực triển khai dự án sân bay vẫn đang ngổn ngang.

Chúng ta hiện có 4 dự án để tiếp cận bao gồm Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cao tốc Biên Hoà - Vùng Tàu, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức – Long Thành. Tuy nhiên, hiện nay chỉ mới có tuyến TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đang khai thác và đã quá tải.

Nhìn chung các tuyến đường bộ kết nối hiện nay còn hạn chế, nhiều đoạn tuyến đã mãn tải, đặc biệt tình trạng ùn tắc xảy ra thường xuyên trên tuyến QL1.

Hiện nay tình trạng ùn tắc, kẹt xe trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và QL51 diễn ra hàng ngày. Thậm chí trên cao tốc TP.HCM. Long Thành có thể kẹt bất cứ lúc nào nếu có va chạm trên cầu Long Thành… Nhiều ý kiến cho rằng tồn tại lớn nhất là chưa có kết nối đường sắt tới sân bay, quan điểm của ông thế nào?

Sân bay Long Thành cách khá xa TP.HCM. Ở các thành phố lớn trên thế giới cũng có các sân bay cách xa trung tâm thành phố trọng điểm như thế. Để kết nối giao thông, người ta sẽ dùng hệ thống đường sắt nhẹ.

Chúng ta cũng đã có dự án làm đường sắt nhẹ từ TP.HCM đi Long Thành từ cách đây khoảng 10 năm rồi nhưng đến nay chưa làm gì cả. Nếu bây giờ bắt đầu làm cũng đã là chậm hơn so với tiến độ sân bay Long Thành rồi.

Bởi vậy, cần nghiên cứu phương án triển khai dự án đầu tư xây dựng đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành để hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ với giai đoạn 2 của Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Thông thường làm một dự án đường sắt nhẹ mất từ 5 -10 năm. Dự kiến, năm 2025 sân bay Long Thành sẽ đưa vào khai thác, chúng ta sẽ mất từ 5 - 10 để làm các dự án như đường cao tốc, đường sắt nhẹ…Vậy trong thời gian chờ các dự án kết nối sân bay Long Thành hoàn thành, người dân đi đến sân bay bằng cách gì? Đây là vấn đề không đơn giản.

Vì nếu hành khách đến sân bay không thuận tiện, việc khai sân bay sẽ không hiệu quả. Khi đó khả năng người dân vẫn cứ chọn sân bay Tân Sơn Nhất. Mà nếu sân bay Long Thành chỉ để bay quốc tế thôi thì rất lãng phí. TP.HCM và các tỉnh lân cận phải tính toán, tìm cách giải quyết vấn đề này.

img

Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thường xuyên ùn tắc dịp lễ, Tết.

Cần làn đường riêng cho xe buýt?

Theo ông, loại hình vận chuyển nào khả thi nhất trong ngắn hạn để giải quyết phương thức vận chuyển hành khách từ TP.HCM đi sân bay Long Thành ?

Tôi cho rằng TP.HCM chưa quyết liệt giải quyết câu chuyện kết nối với các tỉnh xung quanh. Khu vực kinh tế trọng điểm phải kết nối bằng các tuyến đường sắt. Đường sắt phải là tuyến đường chủ lực chứ không phải đường bộ. Chỉ có đường sắt mới giải quyết được vấn đề ùn tắc. Đường bộ chỉ giải quyết được vấn đề trong giai đoạn ngắn. Về lâu dài chúng ta phải làm đường sắt kết nối vùng.

Hiện chúng tôi đã có đề nghị 6 tuyến đường sắt vùng, trong đó có một tuyến từ TP.HCM đi qua sân bay Long Thành và đến tỉnh Bà Rịa - Vùng Tàu. Đây là việc ưu tiên cần làm ngay.

Cao tốc TP.HCM- Long Thành - Dầu Giây dự kiến sẽ mở rộng 8 làn xe, có ý kiến đề xuất dành hẳn riêng một làn ưu tiên cho xe buýt để chuyên chở hành khách đi từ TP.HCM đến sân bay Long Thành và ngược lại, ông nghĩ sao?

Trước mắt sân bay đưa vào khai thác trước khi chưa có các tuyến đường sắt nhẹ, chúng ta nên dành riêng một làn đường trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cho xe buýt chuyên chở khách từ TP.HCM ra sân bay và quay về.

Chỉ có cách đó thôi, không còn cách nào khác để đưa đón hành khách từ TP.HCM ra sân bay, ít nhất là thời gian trước mắt. Có vậy hành khách mới chọn đi sân bay Long Thành và việc khai thác sân bay mới thật sự hiệu quả.

Cảm ơn ông!

Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 109 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,664 tỷ USD với mục tiêu xây dựng 1 cảng hàng không quốc tế cấp 4F tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai gồm 1 đường cất/ hạ cánh, 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm trên diện tích sàn 373.000m2; 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Thời gian thực hiện Dự án là từ 2020 - 2025.

Dự án được chia thành 4 dự án thành phần. Trong đó, Dự án thành phần 1 - các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước được Thủ tướng giao các cơ quan quản lý nhà nước liên quan (Hải quan, Công an, Công an cửa khẩu, Cảng vụ, Kiểm dịch y tế) bố trí nguồn vốn thực hiện. Trường hợp không có khả năng bố trí vốn, các cơ quan quản lý nhà nước lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BTL hoặc BLT.

Dự án thành phần 2 - các công trình phục vụ quản lý bay, chủ đầu tư được Thủ tướng giao cho TCT Quản lý bay VN làm chủ đầu tư.

Dự án thành phần 3 - các công trình thiết yếu trong cảng, bao gồm: nhà ga hành khách, hạ tầng hàng không, hệ thống cấp nước, xử lý nước thải; nhà ga hàng hóa số 1, nhà để xe; hệ thống giao thông kết nối tuyến số 1 và số 2… sẽ do TCT Cảng hàng không VN (ACV) làm chủ đầu tư.

Dự án thành phần 4 - các công trình khác… sẽ thực hiện bởi các nhà đầu tư, chủ đầu tư do Bộ GTVT chủ trì lựa chọn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.