Tư vấn

Đánh máy tính bằng 10 ngón tay: Khó mà dễ!

30/03/2015, 14:54

Bỏ thời gian luyện đúng phương pháp, bạn sẽ làm chủ được bàn phím và thành thục kỹ năng gõ bằng 10 ngón tay.

10
Mỗi ngón tay trên hai bàn tay đều có vai trò nhất định khi thao tác với bàn phím - Ảnh minh họa

Nhiều người nghĩ rằng, kỹ năng gõ máy tính bằng 10 đầu ngón tay là một công việc khó khăn và cần rất nhiều thời gian luyện tập. Chính bởi vậy, nhiều người sử dụng máy tính đã "lờ" đi kỹ năng này, mà chưa một lần nghĩ đến việc luyện tập.

Trên thực tế, việc gõ văn bản trên máy tính bằng 10 đầu ngón tay có rất nhiều lợi ích, mà nổi bật nhất là rút ngắn được thời gian hoàn thành văn bản và tăng cường khả năng phản xạ với ngôn ngữ,...

Không ít người có thói quen gõ máy tính bằng một số ngón tay nhất định (ít hơn 10 ngón) cho rằng, tốc độ gõ của họ không kém thậm chí nhanh hơn cả những người chuyên gõ bằng đủ số ngón trên hai bàn tay.

Điều này không sai, nhưng thống kê cho thấy rất ít người đặt được tốc độ gõ như vậy. Thêm vào đó, việc gõ bằng ít đầu ngón tay với tốc độ nhanh cũng đem lại một số phiền toái nhất định, như tiếng động của bàn phím sẽ lớn hơn do lực tác động lên các phím không được chia đều và hai tay phải di chuyển nhiều hơn, gây mỏi nhanh và ảnh hưởng đến sự tập trung của người xung quanh.

Ngoài ra, không khó để nhận ra những người có thói quen gõ phím bằng 10 ngón tay thường tác động vào phím bằng phần thịt phía dưới của đầu ngón tay, thay vì đầu ngón tay như những người gõ ít ngón. Điều đó, cũng góp phần giúp giảm tác động ảnh hưởng đến tim mạch khi phải gõ máy tính trong một thời gian dài. Có rất nhiều phương pháp để luyện gõ phím bằng 10 ngón, nhưng kỹ năng này đòi hỏi phải có sự luyện tập và ý thức của từng cá nhân. Dưới đây là một số gợi ý, có thể giúp bạn rút ngắn thời gian trau dồi kỹ năng gõ bàn phím máy tính bằng 10 ngón tay.

Trước hết, chọn tư thế ngồi phù hợp và cảm thấy thoải mái nhất cho đôi tay khi tác động lên bàn phím. Kinh nghiệm cho thấy, ngồi ngay ngắn với lưng thẳng, khuỷu tay gập 60 độ trong khi mắt cách màn hình khoảng 50 cm,... được đánh giá là tư thế ngồi phù hợp nhất.

Trên bàn phím, có hai phím F và J có điểm gờ nhô lên có tác dụng phân tách hai khu vực bàn phím và định vị hai ngón trỏ với trỏ phải trên phím F và trỏ trái trên phím J.

Với bàn tay trái, ngón trỏ luôn đặt ở phím F và chịu trách nhiệm thêm các phím G, T, R, B, V. Trong khi đó, ngón giữa đặt cố định ở phím D và bao quát thêm phím E và C. Ngón đeo nhẫn (áp út) đặt cố định ở phím S và phụ trách thêm phím W và X. Còn ngón út sẽ tác động trên các phím A, Z, Q và Shift. Ngón tay cái chỉ có tác dụng duy nhất là nhấn phím Space.

Các ngón tay trên bàn tay phải cũng được phân chia cụ thể với ngón trỏ bao quát các phím J, H, U, Y, N và M. Ngón giữa để ở phím K và bao quát thêm phím I và dấu “,”. Ngón áp út dùng để nhấn hai phím L và O, trong khi ngón út phụ trách các phím P, “;”, Back, Enter và Shift. Ngón cái tay phải có nhiệm vụ tương tự như "đồng nghiệp" bên tay trái.

Khi gõ phím, việc di chuyển các ngón tay hết sức quan trọng, bạn chỉ được nhấn các phím tương ứng mà ngón tay đó phụ trách và luôn luôn đưa các ngón tay về vị trí ban đầu là ASDF-JKL, ngay khi gõ xong một phím. Nên tạo thói quen nhìn màn hình thay vì bàn phím khi đang gõ.

Sử dụng kiểu gõ Telex sẽ giúp ích nhiều cho việc luyện gõ bằng 10 đầu ngón tay, bởi kiểu gõ này định vị dấu bằng phím chữ thay vì phím số như một số kiểu gõ khác. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng một số phần mềm hỗ trợ luyện gõ bàn phím hiện có trên thị trường như Ultimate Typing hay All the Right Type,...

Việc luyện gõ bàn phím bằng 10 đầu ngón tay tuy không dễ dàng, nhưng tác dụng của nó thì không ai có thể phủ nhận. Khi thành thục kỹ năng này, chắc chắn bạn sẽ bổ sung thêm vào quỹ thời gian của mình được một "khoản" khá khá, có thể được dùng vào những việc có ích hơn thay vì mất thời gian cho việc "mổ cò" như hiện tại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.