Tài chính

Đánh thuế căn nhà thứ hai có khả thi?

15/08/2017, 09:46

Bộ Tài chính đã nghiên cứu đến thuế tài sản, đặc biệt sẽ đánh thuế người sở hữu căn nhà thứ hai trở lên.

19

Tư vấn cho khách hàng mua chung cư

Không nên bàn lùi

Mới đây, báo cáo chuyên đề về chính sách thuế tài sản của Bộ Tài chính đã đề cập vấn đề nghiên cứu xây dựng Luật Thuế tài sản, trong đó đối tượng chịu thuế phải bao gồm cả đất và tài sản gắn liền với nhà, đất. Theo Bộ Tài chính, chính sách này sẽ tạo nguồn thu ngân sách Nhà nước ổn định, dài hạn, bền vững, phù hợp với điều kiện phát triển, góp phần bình ổn thị trường bất động sản, hạn chế đầu cơ và sử dụng bất động sản lãng phí.

Trước đó, dù không trực tiếp nêu các phương án đánh thuế cụ thể, nhưng Bộ Tài chính đã nhiều lần hé lộ giải pháp áp thuế với bất động sản thứ hai trở đi của người dân. Cụ thể, cuối năm 2016, ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, đã nghiên cứu đến thuế tài sản, đặc biệt sẽ đánh thuế người sở hữu căn nhà thứ hai trở lên…

"Hiện, trong các ủy ban của Quốc hội, xu thế muốn đánh thuế nhà thứ hai đang dần phát triển, nhưng đến thời điểm nào đưa ra thì chúng tôi phải căn cứ vào tác động với thị trường. Nếu chúng ta chưa xử lý tốt các vấn đề thì việc áp dụng chính sách thuế dù đúng nhưng tác động ngược lại với thị trường cũng rất lớn, nên đang phải cân nhắc”.

Ông Nguyễn Đức Kiên
Phó chủ nhiệm
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Ngay lập tức, quan điểm này đã trở thành tâm điểm của dư luận. Cụ thể, đứng về phía đồng tình, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết, chính sách thuế liên quan đến tài sản đã và đang áp dụng gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước. Cụ thể, số thuế sử dụng đất của Việt Nam hiện nay chỉ chiếm khoảng 0,03% GDP và khoảng 0,15% tổng thu ngân sách Nhà nước. Trong khi đó, tại các nước phát triển, nguồn thu này cao nhất cũng chiếm khoảng 4% và thấp nhất là 1%; đối với các nước đang phát triển, nguồn thu này chiếm khoảng 0,6%. Ngoài lý do chống đầu cơ, nguồn thu từ đánh thuế tài sản căn nhà thứ hai trở đi sẽ mang tới nguồn lực phát triển hạ tầng và nâng cấp đô thị rất lớn, giải quyết phần nào bài toán vốn phát triển hạ tầng, vốn chật vật trong suốt nhiều năm qua”, ông Võ nói và lưu ý: “Chính sách này sẽ tác động lớn đến các đại gia, những người có quyền lực. Vì vậy, rất có thể có nhiều biến thể trong quá trình ban hành chính sách, nên cần lường trước những phản ứng của dư luận để không bàn lùi”.

Tuy nhiên, để đưa chính sách này vào thực tiễn không đơn giản. Ông Nguyễn Văn Phụng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài Chính thừa nhận, đề xuất đánh thuế căn hộ thứ hai trở đi đã được nghiên cứu từ cách đây hàng chục năm song tới nay vẫn mới là ý tưởng. “Đánh thuế căn hộ thứ hai như thế nào và khi nào áp dụng... vẫn cần thời gian để làm rõ. Đặc biệt, với cơ chế quản lý thông tin đất đai chưa có hệ thống đăng ký liên thông như hiện nay, việc đánh thuế không dễ”, ông Phụng nói. Mặt khác, dưới quan điểm quản lý nhà nước, ông Phụng khẳng định: Việc đánh thuế chỉ căn cứ vào thu nhập và tài sản của từng người, chứ không thể đánh thuế đồng bộ, như thế mới đảm bảo công bằng, minh bạch.

20

Nhiều ý kiến cho rằng, không nên đánh thuế tài sản đối với nhà tái định cư - Ảnh: Tạ Tôn

Người giàu dễ lọt?

Theo các chuyên gia, một khi hạ tầng thông tin chưa đảm bảo, việc cập nhật, giám sát thông tin về nhà ở còn yếu kém như hiện nay, việc đánh thuế căn nhà thứ hai rất dễ dẫn đến mất công bằng.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS. TS. Phạm Thế Anh (Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô, ĐH Kinh tế Quốc dân) nhận định: “Đánh thuế căn nhà thứ hai có thể làm giảm sự bất công bằng giữa người chưa có nhà và người có nhiều nhà, nhưng lại có thể làm tăng bất công giữa những người có nhà. Khi nền kinh tế phát triển, phần đông dân số sẽ có khả năng sở hữu một căn nhà trở lên. Người sở hữu một căn biệt thự 1.000m2 trong các khu đô thị xa hoa sẽ không bị đánh thuế, trong khi người sở hữu hai căn nhà 40m2 trong ngõ hẻm lại phải nộp thuế căn nhà thứ hai. Nếu loại thuế này được áp dụng, nhu cầu về những căn biệt thự lô to có thể chia tách khi cần thiết có thể sẽ tăng. Trong khi đó, tầng lớp trung lưu sẽ khó phòng thủ hơn nếu phải đối phó với hậu quả của những đợt tăng trưởng tín dụng”. Để tránh sự bất công, ông Thế Anh đề xuất: Đánh thuế tài sản không nên “ốp” theo số lượng căn nhà mà cần theo số m2 sở hữu và giá trị tài sản tối thiểu bị đánh thuế.

Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoRea) cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính... kiến nghị: Đối với người có từ căn nhà thứ hai trở đi, áp dụng thuế suất bậc thang tùy theo số lượng và giá trị tài sản; không thu thuế tài sản đối với nhà ở xã hội, nhà cấp 4 trở xuống ở nông thôn; trước mắt không thu thuế này đối với nhà ở tái định cư, nhà ở thương mại có giá trị dưới 1 tỷ đồng... “Không thu thuế tài sản đối với các hộ gia đình nghèo dù đã có một căn nhà nhưng đang ở chật nay mua thêm nhà thứ hai, thứ ba nhưng tổng diện tích các căn hộ nhỏ này không vượt quá 77m2”, ông Nguyễn Hoàng Châu, Chủ tịch HoRea kiến nghị.

Ngoài ra, HoRea cũng cho rằng, việc ban hành Luật Thuế tài sản chỉ thực sự hợp lý khi đồng thời sửa đổi chính sách và cơ chế thu tiền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai hiện nay. “Tiền sử dụng đất không phải là một sắc thuế, cũng không phải là phí nhưng thực sự là một khoản thu lớn trong ngân sách của địa phương, là gánh nặng của doanh nghiệp và người mua nhà, không minh bạch, và tạo cơ chế “xin - cho”. Tiền sử dụng đất chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành nhà ở, khoảng trên dưới 10% đối với nhà chung cư; khoảng trên dưới 30% đối với nhà phố; khoảng trên dưới 50% đối với nhà biệt thự. Do vậy, nếu ban hành Luật Thuế tài sản mà không sửa đổi chính sách và cơ chế thu tiền sử dụng đất thì sẽ không hợp lý”, ông Châu nhận định và đề nghị: Cần ban hành sắc thuế sử dụng đất khi Nhà nước giao đất hoặc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thay thế chính sách và cơ chế thu tiền sử dụng đất hiện nay, để đảm bảo tính đồng bộ và sự thống nhất của pháp luật.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.