Kinh tế

Đánh thuế nhà từ 700 triệu là “tấn công” người mới thoát nghèo?

15/04/2018, 06:35

Việc đánh thuế ngay căn nhà đầu tiên với ngưỡng chịu thuế 700 triệu đồng vấp phải phản ứng bức xúc của cộng đồng.

thue-tai-san-thue-nha-o-700-trieu

Việc đánh thuế ngay căn nhà đầu tiên với ngưỡng chịu thuế 700 triệu đồng vấp phải phản ứng bức xúc của cộng đồng. Ảnh minh hoạ

“Đánh” từ những người mới thoát nghèo

Bộ Tài chính cho biết, nhà từ 700 triệu đồng trở lên mới phải nộp thuế - tức là chỉ nhắm vào nhà có giá trị lớn để đảm bảo công bằng xã hội?

Cụ thể, cơ quan này phân tích: Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 31/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, diện tích nhà ở bình quân toàn quốc theo mục tiêu đến năm 2020 đạt 25m2 sàn/người. Do đó nếu tính một hộ gia đình trung bình 4 người thì diện tích nhà trung bình cho một hộ gia đình khoảng 100m2, tương ứng khoảng 730 triệu đồng (tính theo giá trị xây dựng bình quân 7,3 triệu đồng/m2). Do đó, Bộ Tài chính nghiêng về phương án lấy ngưỡng chịu thuế tài sản với nhà từ 700 triệu đồng trở lên.

“Như vậy chính sách không điều tiết đối với những người sở hữu nhà có giá trị không lớn, có thu nhập thấp, không điều tiết đối với nhà đơn sơ, nhà thiếu kiên cố, nhà cấp 4, không điều tiết đối với hầu hết nhà tại nông thôn, nhà cấp 3”, Bộ Tài chính giải thích.

Tuy nhiên, lý giải của Bộ Tài chính vấp phải phản ứng bức xúc của dư luận. Trên facebook – mạng xã hội có lượng tương tác lớn nhất hiện nay, rất nhiều ý kiến cho rằng chính sách thuế này “tấn công vào những người dân mới thoát nghèo trong xã hội”. Bạn Trần Trọng An, phân tích: “Thử hỏi, giờ mấy ai ở đô thị còn nhà dưới 700 triệu đồng? Với đại đa số người dân, phải chật vật ki cóp hàng chục năm trời, rồi vay váo tùm lum khắp nơi mới có thể mua hoặc xây cất được ngôi nhà.

Khi mua nhà đã phải đóng hàng loạt các loại thuế, rồi phí (VAT, trước bạ, phí làm sổ đỏ/ hồng, phí xin cấp phép xây dựng, phí xây dựng....). Giờ ông Bộ Tài chính "lòi" ra sắc thuế "đè" người dân ra thu thêm tiền hàng năm thì đúng là không thể hiểu nổi”.

Không "đánh" thuế căn nhà thứ 2 để công bằng, tin được không?

Trong đề xuất lần này, Bộ Tài chính ủng hộ phương án đánh thuế nhà trên cơ sở giá trị chứ không tính theo diện tích hay số lượng ngôi nhà. Vì sao không đánh thuế căn nhà thứ hai như đề xuất trước đây?

Trả lời nội dung này, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính lý giải, việc đánh thuế đối với nhà thứ 2 trở đi có nhược điểm là không đảm bảo công bằng bởi có trường hợp người chỉ có một căn nhà diện tích lớn hoặc giá trị lớn vài trăm m2 thì không bị đánh thuế, trong khi người có 2 căn nhà mỗi nhà 50m2 lại bị đánh thuế.

Bên cạnh đó, đánh thuế theo phương án căn nhà thứ hai cũng khó khăn trong triển khai thực hiện thu thuế và chưa phù hợp với điều kiện triển khai thực tế tại Việt Nam bởicác giao dịch mua bán bất động sản chủ yếu thực hiện trên hệ thống văn bản, giấy tờ, việc áp dụng công nghệ thông tin vẫn còn rất hạn chế, do đó, việc xác định sở hữu nhà thứ 2 trở đi của tổ chức, cá nhân là phức tạp.

Ngoài ra, phương pháp đánh thuế căn nhà thứ hai có thể làm giảm mức hấp dẫn của thị trường bất động sản do ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trong việc lựa chọn giữa đầu tư nhà ở và các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán. Từ đó ảnh hưởng đến lượng giao dịch bất động sản trên thị trường…

Song, cộng đồng mạng cho rằng lập luận “đảm bảo công bằng” của Bộ Tài chính hoàn toàn không thuyết phục. Trên FB cá nhân, nhà báo Hoàng Tư Giang, bày tỏ: “Việc đánh thuế ngay căn nhà đầu tiên, nói không ngoa: họ (Bộ Tài chính – PV) thiết kế chính sách phục vụ người giàu có chứ đâu phải vì người nghèo. Về mức thuế 0,4% cho phần từ 700 triệu đồng trở lên, nghĩa là nhà bạn giá 1,7 tỷ đồng, thì bạn phải đóng thuế 4 triệu; giá nhà 2,7 tỷ thì đóng 8 triệu, mức thuế không tin nổi. Và bạn phải đóng hằng năm. Chạy đằng trời”.

Bạn Trần Trọng An đồng quan điểm: “Nếu thu thuế tài sản, hãy thu vào những người giàu có, sở hữu nhiều nhà ấy. Từ ngôi nhà thứ hai, các ông áp mức thuế cao hơn để hạn chế đầu cơ, điều tiết mức chênh lệch giàu nghèo trong xã hội, giúp cho thị trường bất động sản minh bạch. TS Vũ Đình Ánh từng dẫn: "Thu thuế cũng như "vặt lông vịt", đừng để kêu toáng lên". Vậy nên thu thuế với chỗ cắm dùi của người dân một lần đã quá lắm rồi. Đằng này nghĩ ra cách “vặt” thêm hàng năm thì nên gọi là gì?" 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.