Thị trường

Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với điện thoại di động có hợp lý?

08/05/2019, 14:54

Nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với điện thoại di động, mặt hàng này sẽ chịu 2-3 loại thuế và tăng giá mạnh.

img
TP.HCM đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điện thoại. Nếu áp dụng, những điện thoại đời mới, nhập khẩu như iphone sẽ tăng giá mạnh. Ảnh minh họa

UBND TP.HCM vừa có Văn bản số 1499/2019 gửi Bộ Tài chính góp ý về dự thảo “Đề án mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu ngân sách nhà nước”.

Trong đề án, TP đề xuất cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung vào đối tượng chịu thuế một số hàng hóa, dịch vụ như: điện thoại di động, camera, nước hoa, mỹ phẩm, dịch vụ kinh doanh game, dịch vụ thẩm mỹ.

Lý giải về đề xuất này, UBND TP.HCM cho biết, nước hoa, dịch vụ thẩm mỹ là hàng hóa, dịch vụ thuộc nhóm khá cao cấp. Do vậy, việc áp thuế TTĐB sẽ giúp điều tiết thuế vào thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ mức khá trở lên.

Các loại hàng hóa, dịch vụ còn lại tuy không phải là hàng hóa, dịch vụ cao cấp song cũng không phải là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu nên cần đưa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để hướng dẫn sản xuất và tiêu dùng hợp lý.

Riêng đối với điện thoại di động, UBND TP.HCM cho rằng đây là hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc nhưng đưa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để điều tiết thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ khá trở lên, có nhu cầu và khả năng thu nhập thường xuyên sử dụng các sản phẩm thế hệ mới.

Chiếu theo đề xuất của UBND TP.HCM, nếu tính thêm thuế tiêu thụ đặc biệt giá điện thoại sẽ tăng mạnh do phải chịu các loại thuế: Thuế nhập khẩu (với điện thoại nhập khẩu), thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng. Đáng chú ý, tăng thuế tiêu thụ sẽ làm tăng giá tính thuế giá trị gia tăng. Do đó, giá điện thoại sẽ tăng mạnh.

Hiện đây mới là đề xuất của UBND TP.HCM. Tuy nhiên, đề xuất này chưa hợp tình hợp lý. Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, thuế tiêu thụ đặc biệt dùng để đánh vào những hàng hóa có tính chất đặc biệt như hàng xa xỉ hay độc hại hoặc không được khuyến khích tiêu dùng.

Trong số các mặt hàng xa xỉ hiện đang chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nổi bật có mặt hàng ô tô. Ngoài thuế nhập khẩu với xe nhập khẩu (trừ xe có nguồn gốc ASEAN), ô tô đang chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (40-150%), thuế giá trị gia tăng (10%).

Mặt hàng điện thoại di động rất nhiều năm nay đã không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, kể cả khi nó là mặt hàng đặc biệt với người có thu nhập cao từ hàng chục năm trước. Nhưng hiện nay, điện thoại cũng trở thành một mặt hàng bình dân và thiết yếu. Cho nên, nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào thời điểm này sẽ là bất hợp lý và nghịch lý.

Luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng, nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào điện thoại di động, máy ảnh… tức là đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào các mặt hàng bình dân.

Còn nếu với mục đích điều tiết thu nhập của người có thu nhập khá, theo luật sư Đức đã có Luật thuế Thu nhập cá nhân.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng cần có đánh giá tác động khi đề xuất được đưa ra và trước khi áp dụng.

Cũng tại văn bản vừa gửi tới Bộ Tài chính, UBND TP.HCM đề nghị trong thời gian tới cần nghiên cứu thu hẹp đối tượng không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng. Theo đó, chỉ nên giữ lại đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng đối với các hàng hóa, dịch vụ bao gồm: Hàng hóa, dịch vụ khó xác định giá trị gia tăng như dịch vụ cấp tín dụng, kinh doanh chứng khoán; hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước trả tiền, chẳng hạn như vũ khí, khí tài phục vụ quốc phòng, an ninh,... Tuy vậy, khi thu hẹp đối tượng không chịu thuế cần sử dụng công cụ khác để thực hiện chính sách xã hội và điều tiết vĩ mô nền kinh tế.

img

Giá vàng hôm nay 8/5: Động thái mới của Tổng thống Mỹ giúp vàng tăng mạnh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.