Tâm sự

"Đánh vật"... rèn con không "hư" sau kỳ nghỉ Tết dài ngày

01/02/2019, 10:31

Nghĩ đến kỳ nghỉ Tết dài 9 ngày, không ít mẹ lắc đầu ngao ngán, lo lắng con "hư".

img
Hãy để con cùng làm việc nhà trong kỳ nghỉ Tết (ảnh minh họa)

Chị Nguyễn Thùy L (Hoàng Mai, Hà Nội) ngao ngán khi nghĩ đến kỳ nghỉ Tết của lũ trẻ nhà chị. "Bao nhiêu công rèn giũa nề nếp đi tong trong mấy ngày nghỉ Tết. Cứ sau mỗi kỳ nghỉ lại đánh vật để lập lại trật tự". Chị L. kể, như năm trước 2 đứa con trai sàn sàn tuổi 9-10 của chị nghịch phá kinh khủng, chưa kể giờ giấc lung tung. Không hôm nào lũ trẻ dậy vào lúc 8 giờ cả, bữa sáng thì bỏ, ngủ dậy thì ăn luôn vào bữa trưa. Đồ dùng cá nhân thì vứt bừa bãi khắp nhà... "Không lẽ ngày Tết lại mắng chúng. Nghĩ đến Tết thôi đã thấy nhọc", chị L. ca cẩm.

Nỗi lo lắng của chị L cũng là tâm trạng của bao bà mẹ bỉm sữa mỗi khi Tết về. TS Tâm lý Vũ Thu Hương cũng nhận định, Tết bao giờ cũng là dịp nghỉ rất dài. Các bé thường được cha mẹ cho nghỉ thả ga, chơi tẹt ga. Nhưng sau đó, khi quay trở lại trường học, việc đi học trở nên chểnh mảng, mệt mỏi, trẻ ghét học hơn hẳn.

Theo lời khuyên của TS. Hương, hãy cho con tham gia thật sự với Tết Việt. Làm đủ 10 điều sau đảm bảo trẻ không "hư" dù kỳ nghỉ lễ Tết có thật dài:

1. Cùng con dọn dẹp và sửa sang nhà cửa. Rất nhiều gia đình mua sắm thêm đồ đạc, sơn sửa lại nhà cửa đón Tết. Nếu công việc không quá nặng nhọc thì cha mẹ có thể rủ con làm cùng.

2. Cho con cùng tham gia ý kiến khi chuẩn bị đi mua sắm. Cả nhà có thể họp gia đình, bàn bạc nhau xem trong Tết này, chúng ta sẽ mua sắm thứ gì. Nếu con đã biết chữ, cha mẹ có thể nhờ con làm thư kí để ghi những món đồ cần mua lại. Điều này sẽ khiến con cảm thấy mình trưởng thành hơn.

3. Cùng con đi chợ Tết mua sắm. Hãy giao trọng trách chọn đồ để mua cho các con. Ví như nhờ con chọn mặt hàng cần mua, xem ngày sản xuất, hạn sử dụng, số lượng… của món hàng.

4. Cùng con chuẩn bị bánh chưng Tết. Hãy cho các bé làm để các bé vừa học kĩ năng sống vừa trải nghiệm Tết thật rõ nét và chân thực.

5. Chuẩn bị quần áo đẹp đón Tết. Cha mẹ cho con lựa chọn quần áo mặc Tết, tự tay giặt sạch, phơi khô, gấp gọn gàng sẽ giúp con có thêm niềm háo hức đón Tết.

6. Lên kế hoạch vui chơi. Gia đình nên cùng nhau bàn bạc việc đó và cho con tham gia lập kế hoạch nghiêm túc. Nhân tiện đó, cha mẹ cũng dặn dò con cách chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi, chúc Tết, cách nhận phong bao lì xì, cách giữ tiền để khỏi mất mát, cách giữ im lặng khi người lớn đang nói chuyện, cách ăn uống sao cho lịch sự….

7. Cùng ông bà, cha mẹ chắp tay cúng Tổ tiên. Thờ cúng Tổ tiên là phong tục của dân tộc Việt. Cùng chắp tay lễ và chờ cho hương tàn rồi mới thụ lộc Tết. Điều này giúp các bé tăng khả năng kiên nhẫn.

8. Làm bài tập Tết. Để con không quá mệt mỏi với lượng bài tập này, các cha mẹ nên chia nhỏ ra thành các cụm bài. Mỗi ngày, các cha mẹ yêu cầu con giải quyết hết 1 cụm nhỏ. Con có thể nghỉ ngày 30, mùng 1, mùng 2 Tết, sau đó, bắt đầu từ mùng 3, con lại tiếp tục giải quyết nốt những cụm bài còn lại. Công việc này sẽ giúp con nhanh chóng lấy lại tư thế học hành sau kì nghỉ Tết dài.

9. Tập thức dậy sớm sau Tết. Cha mẹ cũng nên tập cho con thức dậy đúng giờ đi học trước ngày nhập học trở lại độ 2, 3 ngày. Thói quen được dần hình thành thì khi con quay trở lại lớp học, con sẽ không cảm thấy quá ngại và mệt mỏi.

10. Để con có thể hào hứng đi học, ngoài các bước chuẩn bị như trên, các cha mẹ nên chuẩn bị cho con 1 gói kẹo để con đến làm quà mừng tuổi cho cô giáo và bạn bè. Điều này sẽ giúp buổi học đầu tiên của con sau Tết trở nên đáng yêu hơn nhiều.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.