Hạ tầng

"Đánh vật" với cọc khoan nhồi làm cầu Long Thành

17/03/2014, 06:16

Đối mặt với khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua khi thi công cầu Long Thành, không ít cán bộ, kỹ sư, công nhân tỏ rõ sự bi quan.

Đối mặt với khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua khi thi công cầu Long Thành, không ít cán bộ, kỹ sư, công nhân tỏ rõ sự bi quan. Thậm chí, một đơn vị trong Liên danh nhà thầu còn bỏ cuộc giữa chừng. Thế nhưng, với sự quyết tâm cao độ, hàng năm trời đánh vật với sông nước của đơn vị thi công, cầu Long Thành đã hoàn thành kịp tiến độ thông xe đoạn cao tốc từ TP Hồ Chí Minh đi Long Thành theo đúng chỉ đạo của Bộ GTVT.
 

Nhà thầu phải mất hai năm để đánh vật với phần hạ bộ của 5 trụ chính cầu Long Thành

Nhà thầu phải mất hai năm để đánh vật với phần hạ bộ của 5 trụ chính cầu
Long Thành


Hai năm vật lộn dưới nước

Nhắc đến quá trình thi công cầu Long Thành, ông Ngô Tấn Quang - Phó Giám đốc BQLDA đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, đến giờ vẫn lắc đầu ngao ngán. Với chiều dài 2.350m, rộng 20m, cầu Long Thành là công trình quan trọng nhất trên tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Trong tất cả các công đoạn thì việc thi công 5 trụ dưới nước của cầu Long Thành là khó khăn nhất và được xem như một cuộc đánh vật thật sự của đội ngũ kỹ sư, công nhân nhà thầu. Do điều kiện địa chất vô cùng phức tạp nên cầu được thiết kế với 3 trụ chính, mỗi trụ có 22 cọc khoan nhồi sâu tới 70m.

Ông Quang nhớ lại, khi tiến hành khoan cọc nhồi 3 trụ chính dưới nước, cọc đầu tiên không gặp vấn đề gì. Nhưng đến khi khoan cọc thứ hai, bắt đầu gặp sự cố. Phương pháp thi công ban đầu là sử dụng ống thép 15m làm vách ngăn để khoan, còn ở tầng sâu bên dưới thì địa chất cứng nên không cần dùng ống vách. Thế nhưng, khi khoan đến độ sâu 45m thì gặp tầng đá phong hóa. Đội ngũ công nhân, kỹ sư phải rất vất vả mới khoan được qua lớp địa chất này. Ngỡ mọi chuyện đã xong xuôi, nhưng khi khoan sâu hơn một chút, mũi khoan lại dính ngay vào tầng cát do thấu kính tạo ra, kết hợp với nước thấm vào làm cát chảy dẫn đến sập vách ngăn. “Nhà thầu tiếp tục khoan thêm nhiều mũi nữa, nhưng tất cả đều như… lao đầu vào đá và đều nhận được kết quả như mũi ban đầu”- ông Quang kể.

Ông Nguyễn Phi - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 (Cienco 6) là người đã từng “chinh chiến” với nhiều công trình cầu lớn trên khắp cả nước, nhưng khi thi công cầu Long Thành cũng lắc đầu ngao ngán. Ông Phi cho biết, thông thường khoan một cọc nhồi nhiều lắm chỉ một tuần. Nhưng ở cầu Long Thành thời điểm đó, khoan một cọc nửa tháng ròng mà chưa xong. Trong khi đó, thời hạn hợp đồng cam kết với chủ đầu tư và địa phương ngày một cạn, loay hoay mãi mất hai năm cũng chưa xong phần hạ bộ khiến anh em hết sức lo lắng. Chủ đầu tư thì sốt ruột, một số cán bộ trên công trường tỏ thái độ bi quan. Đội ngũ kỹ sư của cả tư vấn, nhà thầu, Ban QLDA đã phải họp nhiều lần để đưa ra giải pháp hợp lý nhất. Trong đó, Ban QLDA đã có một quyết định bất đắc dĩ là tạm dừng khoan cọc nhồi các trụ chính để kiểm tra lại tất cả các bước từ khảo sát, thiết kế đến biện pháp thi công…

Theo ông Ngô Tấn Quang - Tư vấn Nhật Bản còn mời một Giáo sư - Tiến sĩ là chuyên gia về cầu sang khảo sát, cho ý kiến. Mất nhiều tháng các kỹ sư, tư vấn mới đưa ra giải pháp là dùng một ống xiên có đường kính lớn hơn, chiều dài 25m đóng thêm bên ngoài ống đã đóng (chỉ 15m) để khoan rồi đổ bê tông. Sau khi thử nghiệm được một cọc thành công mới tiến hành khoan đại trà, trên cơ sở kéo dài ống vách ngăn qua tầng thấu kính cát.

Cienco 6 cũng đầu tư giàn khoan mới RCD có giá trị trên 6 tỷ đồng để khoan. Giàn khoan này được cố định trên sàn đạo bằng thép, thi công theo phương pháp tuần hoàn trực tiếp thuận nghịch thay vì dùng gàu múc. Ông Phi cho biết, công nghệ này được Cienco 6 áp dụng thi công cầu Cần Thơ. Chính nhờ sự đầu tư này mà việc thi công 5 trụ chính của cầu Long Thành sau đó đã thuận lợi hơn. Chỉ hai tháng sau khi tạm dừng, công trường đã thi công nhộn nhịp trở lại.
 

 Cầu Long Thành vượt sông Đồng Nai nối TP Hồ Chí Minh với tỉnh Đồng Nai
Cầu Long Thành vượt sông Đồng Nai nối TP Hồ Chí Minh với tỉnh Đồng Nai


Giải bài toán đúc hẫng

Không những phải đánh vật với các cọc khoan nhồi, trong quá trình thực hiện cầu  Long Thành, lúc đầu là Liên danh nhà thầu Cienco 6 và Cienco 8, nhưng do khó khăn nên Cienco 8 xin rút lui giữa chừng. Một mình Cienco 6 ôm trọn toàn bộ gói thầu khi mà công trình vào giai đoạn căng thẳng nhất.

Sau khi giải quyết xong phần móng, việc thi công phần thân trụ của các trụ chính không có trở ngại nào. Nhưng đến khi bắt đầu đúc hẫng cân bằng, công trình lại phát sinh nhiều vấn đề. Thân trụ cao 40m, chiều dài từ bờ ra đến trụ chính đến 400m, trong khi trạm trộn bê tông lại đặt ở trong bờ.

Ông Nguyễn Phi cho biết, do giai đoạn khoan cọc nhồi đã chiếm mất nhiều thời gian nên để đảm bảo tiến độ đề ra, đơn vị thi công đặt mục tiêu 4 ngày phải đúc xong một đốt đúc hẫng. Điều này có nghĩa là sau khi đúc xong 3 ngày, bê tông phải đủ độ liên kết trên 80% mới có thể căng dây cáp để đưa xe đúc ra đúc đốt tiếp theo.

Để đưa bê tông từ trạm trộn trong bờ ra đến trụ chính giữa phải dùng thêm một trạm trung gian. Như vậy thì độ sụt của bê tông phải cao hơn mới có thời gian bơm bê tông. Điều này cũng có nghĩa là thời gian liên kết của bê tông sẽ chậm lại. Đây cũng là một bài toán nan giải, khiến nhà thầu nhiều lần vò đầu, bứt tóc. Các kỹ sư của Cienco 6 ngay lập tức phải làm việc với đơn vị cung cấp bê tông để nghiên cứu sử dụng loại phụ gia phù hợp với liều lượng hợp lý. Việc thí nghiệm được thực hiện ngay trong bờ, có khi phải thí nghiệm đến lần thứ 5 mới cho được kết quả cấp phối đúng như mong muốn, sau đó tiến hành đúc đại trà.

Nhà thầu đã huy động tối đa các thiết bị với 4 bộ xe đúc, 5 bộ ván khuôn đúc thân K0, 5 sà lan cố định tại 5 trụ, công trường có lúc trên 700 cán bộ kỹ sư, công nhân lành nghề ngày đêm thi công. “Thời điểm đó cán bộ kỹ sư một ngày chỉ ngủ được vài tiếng đồng hồ” - ông Phi kể. Vì thế, tiến độ thi công cầu Long Thành thời gian sau đó đã được đẩy nhanh gấp nhiều lần, đảm bảo kịp tiến độ theo hợp đồng và đưa vào sử dụng đoạn cao tốc từ TP Hồ Chí Minh đến Long Thành trước Tết Nguyên đán 2014 theo chỉ đạo của Bộ GTVT.

Đến thời điểm này, khi công trình cầu Long Thành đã đưa vào sử dụng được hơn 3 tháng, nhưng ông Nguyễn Phi - Phó Tổng Giám đốc Cienco 6 cũng không quên những ngày tháng lặn lội cùng anh em kỹ sư, công nhân đánh vật với những khó khăn trên công trường. “Điều mà tôi có thể tự hào là nhà thầu đã hoàn thành một công trình cầu tầm cỡ, vượt qua nhiều thử thách, đảm bảo an toàn tuyệt đối về chất lượng và thẩm mỹ” - ông Phi nói.
 

Cầu Long Thành thuộc gói thầu số 2 của tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Cầu được khởi công vào ngày 4/5/2010 bắc qua sông Đồng Nai, là ranh giới giữa TP HCM và tỉnh Đồng Nai. Cầu  Long Thành được xây dựng bằng bê tông cốt thép dự ứng lực vĩnh cửu. Tổng chiều dài là 2.350m với sơ đồ nhịp: (20x40m+79,75m+4x130m+79,75m+21x40m+1x32,25m). Kết cấu phần dưới: Mố trụ bê tông cốt thép trên nền cọc khoan nhồi bê tông cốt thép đường kính 1,2m và 2,0m. Kết cấu phần trên là các nhịp liên tục dầm Super T 40m, phần cầu chính là dầm hộp bê tông cốt thép liên tục đúc hẫng với 4 nhịp chính 130m và 2 nhịp biên 79,75m.

Phan Tư

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.