Showbiz

Đạo diễn Dũng “khùng”, của hiếm làng phim Việt

02/05/2017, 21:45

Khi nói về đạo diễn Nguyễn Quang Dũng hay còn gọi là Dũng “khùng”, người ta thường gắn anh với phim hài Tết...

482

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng

Thị trường hay nghệ thuật

Thế hệ của những Nguyễn Quang Dũng, Bùi Thạc Chuyên, Vũ Ngọc Đãng, Phan Đăng Di là thế hệ đạo diễn điện ảnh thứ 3 ở Việt Nam. Cột mốc tính từ khóa I, lớp Đạo diễn, trường Sân khấu Điện ảnh Việt Nam từ năm 1959-1962. Thế hệ 3 này nổi lên trong giai đoạn đầu thập niên 2000, một thời kì rạp chiếu bóng bùng nổ, truyền hình kỹ thuật số và internet phủ sóng. Văn hóa xem phim truyền thống va đập mạnh mẽ với những trào lưu mới của thời đại. Hơn hết, và đóng vai trò then chốt là sự phân hoá mạnh mẽ của hai yếu tố thị trường - nghệ thuật trong các sản phẩm văn hóa.

Phim nghệ thuật trở nên khan hiếm người xem, trong khi các sản phẩm giản tiện về nội dung dần ăn khách và hút thị phần. Từ đó, những đạo diễn lứa 7x - tức thế hệ thứ 3 kể trên - phải đứng trước sự lựa chọn: Nghệ thuật hay thị trường. Những cái tên như Bùi Thạc Chuyên, Phan Đăng Di… đã chọn con đường nghệ thuật. Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng mập mờ đôi ngả, bật lên với một Hotboy nổi loạn để rồi trượt dài. Riêng đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thì cho rằng: “Phim là phải có thị trường, một thị trường lành mạnh là cần sự đa dạng, cho nhiều đối tượng. Vậy nên cần có nhiều thể loại phim”. Quan điểm ấy đại diện cho sự lựa chọn của anh: Những bộ phim giải trí đơn giản.

Thực tế, tính từ năm 2006 anh trình làng bộ phim hài Hồn Trương Ba, da hàng thịt. Kể từ đó đều đặn hàng năm anh ra tiếp các phim Nụ hôn thần chết (2008), Giải cứu thần chết (2009), Những nụ hôn rực rỡ (2010), Mỹ nhân kế (2013). Tất cả đều đậm tính giải trí, xây chắc thương hiệu sản phẩm hài Tết của đạo diễn Dũng “khùng”.  

Vị đạo diễn bạc tỉ

Ở thời điểm hiện tại, danh hiệu “đạo diễn bạc tỉ” thường được mặc định nói về 2 cái tên Victor Vũ và Charlie Nguyễn. Nhưng trước khi các nhà làm phim Việt Kiều này trở về Việt Nam và làm loạn phòng vé nước nhà, thì đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã đạt đến mức doanh thu trong mơ này. Năm 2008 bộ phim Nụ hôn thần chết của anh tạo ra một cơn sốt đặc biệt. Sốt từ khi công bố kịch bản trên blog cho tới khi công chiếu. Kết thúc mùa phim Tết năm ấy, tổng doanh thu sản phẩm này lên đến 16 tỉ đồng, vượt xa mức đầu tư khởi điểm (5 tỉ đồng). Năm 2009, dự án nối tiếp Nụ hôn thần chết là phim Giải cứu thần chết trình làng. Phần 2 thậm chí còn lên cao hơn khi đem về 20 tỉ đồng. Một năm sau, lại một bộ phim khác cộp mác Dũng “khùng” - Những nụ hôn rực rỡ ra rạp và tái lập con số trong mơ ấy.

Nhưng chuyến đi xa nhất, gặt hái vẻ vang nhất của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng phải là tác phẩm cổ trang Mỹ nhân kế. Công chiếu ngày 1/2/2013, chỉ sau 3 ngày ra mắt phim thu về 12 tỉ đồng với hơn 100.000 vé bán ra. Chung cuộc, tổng doanh thu đạt 60 tỉ đồng, thiết lập kỷ lục chưa từng có trong lịch sử phim Việt chiếu rạp.

Vì sao cái tên Dũng “khùng” thì không chỉ một, hai, hay ba mà thậm chí là bốn lần xuất hiện ở các phim đứng top doanh thu? Sự may mắn không thể tái diễn nhiều đến vậy. Câu trả lời nằm ở sự nhanh nhạy đáng khâm phục của anh. Phim giải trí cũng như nhạc trẻ hay các sản phẩm văn hoá thị trường khác, luôn đề cao yếu tố mới, độc, lạ. Bản thân đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thì luôn tỏ ra là kẻ nhanh nhạy số một trong việc tìm kiếm các xu thế lạ lùng.

Luôn gắn với sự mới mẻ

Điển hình như trường hợp của phim Hồn Trương Ba, da hàng thịt, dựa trên vở kịch cùng tên của nhà văn Lưu Quang Vũ. Bộ phim được thể hiện dưới phong cách hài moletau, tức là hài có pha chút châm chọc tục tĩu. Phong cách này đang tung hoành ở châu Á suốt đầu thập niên 2000, đơn cử như các sản phẩm của đạo diễn Hồng Kông Châu Tinh Trì. Nhưng ở Việt Nam, mãi đến năm 2005 mới chỉ lác đác có đôi phim Khi đàn ông có bầu và Đẻ mướn.

Bên cạnh hài giễu nhại là phim âm nhạc. Năm 2010, phim âm nhạc bùng nổ ở Hollywood với những cái tên Camprock 2, Tangled, Burlesque. Trước đó là High School Musical (2006) và Mamma Mia (2008). Nhưng không ai dám mạnh dạn đưa thể loại này về Việt Nam, trừ đạo diễn Nguyễn Quang Dũng bằng phim Những nụ hôn rực rỡ.

Ngoài kịch bản, người ta còn thấy vị đạo diễn này thường cố đưa vào phim những yếu tố kĩ thuật mà trước đó điện ảnh Việt Nam hãy còn dè dặt. Kĩ xảo luôn bị coi là trở ngại lớn của cánh làm phim nước nhà, lại được anh sử dụng khá nhiều trong các cảnh bay, thoắt ẩn thoắt hiện ở 2 phần Nụ hôn thần chết. Các góc quay đặc biệt như slow motion, stop motion chỉ thấy ở phim nước ngoài cũng xuất hiện nhiều trong Mỹ nhân kế.

Trở lại cùng Dạ cổ hoài lang

Sau 2 năm trầm lắng, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng trở lại một cách khá bất ngờ. Giữa năm 2016, dự án điện ảnh Dạ cổ hoài lang được công bố. Người hâm mộ đi từ ngạc nhiên, sang tò mò rồi kì vọng, bởi phiên bản sân khấu vốn đã quá thành công. Tiếc thay, sau một trailer có gam màu trầm đậm tính nghệ thuật, bộ phim lại không được như kỳ vọng. Giới phê bình, truyền thông kể ra nhiều yếu điểm, trong đó có diễn xuất nặng tính tung hứng sân khấu của cặp danh hài Hoài Linh - Chí Tài và cách quay phim có vấn đề. Tới đây, người làm đạo diễn như Nguyễn Quang Dũng không thể tránh khỏi trách nhiệm. Lý do chọn bộ đôi Hoài Linh - Chí Tài của anh là bởi họ: “Có sự trải nghiệm những năm tháng nơi đất khách quê người”. Nghe rất hay, nhưng dường như anh không để ý các vai diễn bị la ó gần đây của Hoài Linh trong Hello Cô Ba, Tía tôi là cao thủ, Già gân, mỹ nhân và găngtơ. Tất cả đều cho thấy danh hài này không phù hợp với màn ảnh lớn.

Về yếu tố quay phim, phần lớn thời lượng của phiên bản điện ảnh Dạ cổ hoài lang diễn ra trong một căn phòng duy nhất, với số lượng nhân vật hạn hẹp. Cảnh  nhỏ, ít diễn viên tương tác là đặc trưng của sân khấu kịch 5B. Không hiểu sao đạo diễn lại bê nguyên xi lên màn ảnh rộng. Sau nhiều năm làm phim thị trường, Nguyễn Quang Dũng đã bộc lộ yếu điểm khi thử sức với một tác phẩm “có vẻ nghiêm túc”. Làm phim hay không dễ, làm phim nghệ thuật lại càng không. Về điểm này, dường như vị đạo diễn 7x hiểu rất rõ. Bản thân anh cũng thừa nhận có một khoảng cách rất lớn giữa sân khấu và điện ảnh.

Nhưng sau đó, anh vẫn rất thẳng thắn nói rằng: “Phim không thành công về doanh thu thì cũng buồn lắm chứ. Nhưng chúng ta phải hiểu sự nghiệp không phải là một phim. Chúng ta không thể làm mãi những thứ ăn sẵn, vì tất cả đều thay đổi”. 

Ngoài công việc, chuyện đời tư của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng khá ồn ào. Năm 2009, anh từng có tin đồn tình cảm với ca sĩ Minh Thư do 2 người thường đi sự kiện cùng nhau. Khi Mỹ nhân kế ra mắt năm 2013, nữ diễn viên Thanh Hằng được cho là người tình mới của Dũng “khùng”. Một năm sau, nữ kiện tướng Dancesport Khánh Thi lại thừa nhận có quan hệ tình cảm với vị đạo diễn này trong suốt 3 năm.

Với Minh Thư, khi chia tay, anh cũng chỉ úp mở rằng người có tên bắt đầu bằng chữ T. không phải lựa chọn của anh. Với Thanh Hằng, cũng chẳng thấy vị đạo diễn này khẳng định hay phủ định. Đến Khánh Thi, chỉ thấy Dũng “khùng” nửa úp nửa mở rằng, anh “chưa có nhu cầu lấy vợ ở tuổi 34”. Tựu chung, dù thường được ghép cặp với các chân dài có hạng ở showbiz, nhưng Dũng “khùng” chưa bao giờ thẳng thắn thừa nhận các mối quan hệ này và vẫn một mình đến tận bây giờ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.