Xã hội

Đạo đức báo chí và chuyện “cơm áo, gạo tiền”

21/06/2022, 06:02

Để hoạt động báo chí khách quan, chính trực - người làm báo phải được tạo điều kiện để làm nghề chuẩn mực. Đừng để họ vướng "cơm áo, gạo tiền".

Làm thế nào để nhà báo sống được bằng nghề, không bị cuốn vào chuyện “cơm áo, gạo tiền”, giữ được đạo đức cốt lõi của người làm báo là nội dung cuộc trò chuyện giữa Báo Giao thông và nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.

img

Ông Hồ Quang Lợi

“Tổng biên tập nào thì cơ quan báo chí ấy”

Hiện nay, báo chí đang đứng trước áp lực rất lớn khi vừa phải hoàn thành nhiệm vụ chính trị, vừa phải tự chủ tài chính. Ông nhìn nhận thế nào về thực trạng này?

Để hoạt động báo chí khách quan, chính trực thì người làm báo phải được tạo điều kiện cần thiết để làm nghề chuẩn mực. Đừng để họ quá vướng víu vào chuyện “cơm áo, gạo tiền”. Đi viết bài mà phải “đeo” thêm nhiệm vụ quảng cáo, vận động tài trợ thì thực sự nhiệm vụ làm nghề sẽ bị tác động ở mức độ nào đó.

Đây là trách nhiệm của ban biên tập khi giao nhiệm vụ, nhưng ý thức làm nghề của người làm báo vô cùng quan trọng. Điều này không ai làm thay người làm báo được.

Trước “ngọn đèn, trang giấy”, người làm báo phải viết như thế nào để sự thật được làm rõ, để công bằng, lẽ phải được bảo vệ. Đó mới là mục đích cốt lõi của nghề báo.

Đây là câu chuyện khó, giải quyết bằng mệnh lệnh hành chính không phải biện pháp tối ưu. Đôi khi phải là sự thấm sâu trong nhận thức, trong tư duy, hành động của người làm báo.

Hội Nhà báo Việt Nam luôn khẳng định nêu cao đạo đức nghề nghiệp là trọng yếu nhất trong hoạt động báo chí. Những năm qua, Hội đã xây dựng được 10 quy định về đạo đức của người làm báo; phần mềm theo dõi đăng và gỡ bài trên báo điện tử...
Vấn đề trau dồi, bồi dưỡng đạo đức người làm báo là quá trình liên tục, không ngừng nghỉ. Không được lơ là, từ cơ quan báo chí, các cấp Hội và chính người làm báo.

Nhà báo Hồ Quang Lợi


Vấn đề đạo đức của người làm báo trong kinh tế báo chí nên được nhìn nhận thế nào? Giữa đạo đức báo chí và kinh tế báo chí có gì mâu thuẫn hay không, thưa ông?

Đạo đức báo chí và kinh tế báo chí xem ra có gì đó như đối chọi nhau, nhưng tôi nghĩ chẳng phải riêng nghề báo, nghề nào cũng có đặc thù.

Nghề nào cũng có tính chất đạo đức nghề nghiệp. Nghề nào cũng phải gắn với “cơm áo, gạo tiền”.

Nhưng, có lẽ nghề báo là nghề nhạy cảm, đặc biệt. Vì nó đặc biệt cho nên ảnh hưởng của nghề này với xã hội rất lớn.

Nếu chúng ta làm nghề mà bị hối thúc quá mạnh bởi “cơm áo, gạo tiền” thì chắc chắn bị tác động.

Vì vậy, vai trò của người đứng đầu cơ quan báo chí là đặc biệt quan trọng, nói nôm na là “tổng biên tập nào thì cơ quan báo chí ấy”.

Khi người đứng đầu cơ quan báo chí đặt giá trị nghề nghiệp, đạo đức lên trên thì các phóng viên dù có muốn “này nọ” cũng khó có thể thực hiện được.

Nếu trong môi trường mà tổng biên tập buông lỏng quản lý nhân sự thì chắc chắn sẽ có những kẽ hở để phóng viên “làm càn”.

Với toà soạn, việc quảng cáo, nhận tài trợ không đồng nghĩa với việc “bảo kê”, “lờ đi” những sai phạm, che giấu khuyết điểm của các tổ chức, doanh nghiệp...

Nhà báo bị bắt vì tiêu cực là nỗi đau của làng báo

Không ít nhà báo lợi dụng danh nghĩa báo chí để sách nhiễu doanh nghiệp, thậm chí có người đi buôn bất động sản, chứng khoán rồi viết bài thổi giá… Ông nghĩ gì về hiện tượng này?

Phải khẳng định, đa số đội ngũ người làm báo của chúng ta là những người làm nghề tử tế, nghiêm túc, có trách nhiệm với xã hội.

Tuy nhiên, thực tế có một bộ phận người làm báo không ý thức đầy đủ trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân, vi phạm đạo đức, pháp luật. Điều này gây tổn hại to lớn đối với thanh danh của người làm báo chính trực, giảm uy tín của báo chí đối với xã hội.

Thực tế này đặt ra vấn đề rất lớn về rèn luyện và tu dưỡng đạo đức của những người làm báo. Đồng thời, cũng cần phải nhắc đến vai trò quản lý của cơ quan báo chí đối với nhà báo, phóng viên của mình.

Vài năm gần đây, không ít nhà báo bị bắt vì liên quan tiêu cực. Theo ông, nguyên nhân có phải vì áp lực “cơm áo, gạo tiền”?

Khi một phóng viên, nhà báo nào bị vướng vòng lao lý là một nỗi đau của cơ quan báo chí nói riêng và tất cả những người làm báo nói chung.

Ngoài trách nhiệm trực tiếp của người làm báo, do suy giảm về đạo đức nghề nghiệp, điều sâu xa phải nhắc đến là môi trường làm báo, cách thức điều hành tòa soạn, cách thức giao nhiệm vụ của các cơ quan báo chí.

Từ đó dẫn đến chuyện nhà báo không chuyên tâm làm nghề mà dành quá nhiều thời gian vào làm kinh tế, đảm bảo mức khoán doanh thu.

Nếu điều hành theo cách này thì nguy hiểm vô cùng, không trước thì sau cũng đẩy người làm báo vào việc vi phạm đạo đức và pháp luật.

Tất nhiên, một số cơ quan báo chí vì quá khó khăn phải giao thêm nhiệm vụ làm kinh tế cho phóng viên, nhưng việc này cần phải rà soát và quản lý chặt chẽ.

Tăng nguồn thu cách nào?

img

Để hoạt động báo chí khách quan, chính trực thì người làm báo phải được tạo điều kiện cần thiết để làm nghề chuẩn mực

Vậy theo ông, làm thế nào để báo chí vừa tự chủ được tài chính, vẫn giữ được đạo đức người làm báo, để các cơ quan báo chí có điều kiện duy trì hoạt động và phát triển?

Như tôi đã nói, đạo đức của người làm báo cũng đang chịu áp lực rất lớn của “cơm áo, gạo tiền”, nói rộng hơn là “kinh tế báo chí”.

Vấn đề “kinh tế báo chí” phải được nhìn nhận ở mức độ rộng và tổng thể, đây không chỉ là việc của riêng cơ quan báo chí. “Kinh tế báo chí” là vấn đề rất nóng, thậm chí là gay gắt.

Nhiều tổng biên tập đang “đau đầu”, không chỉ là làm sao để tờ báo của mình hay hơn, chất lượng sản phẩm tốt hơn, nhiều khi “đau đầu” nhất là lại là vấn đề nguồn thu.

Cho nên, tôi muốn đặt vấn đề này ở mức tổng thể, để làm sao giải quyết một cách thật triệt để.

Trước hết là cách nhìn nhận “kinh tế báo chí” ở Việt Nam ở góc độ của các cơ quan hoạch định và điều hành chính sách. Trên cơ sở đó chúng ta có những quy định luật pháp, cơ chế, chính sách phù hợp để đảm bảo cho báo chí vừa làm tốt nhiệm vụ chính trị, không bị hối thúc quá mức bởi đảm bảo nguồn thu.

Bản thân cơ quan báo chí phải nêu cao nhiệm vụ chính trị trước tiên, đó phải là hàng đầu. Việc duy trì kinh phí để cơ quan báo chí hoạt động, đảm bảo đời sống cho cán bộ, nhân viên, người lao động, phải đúng quy định pháp luật, với các nguồn thu từ chính hoạt động nghề nghiệp như phát hành, quảng cáo, tổ chức sự kiện...

Hiện nay, nguồn thu của cơ quan báo chí bị thách thức lớn bởi các nền tảng xuyên biên giới, ước chiếm khoảng 70% thị phần quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam. Thị phần 20% còn lại là các cơ quan báo chí. Đây là số lượng quá ít.

Trước thực tiễn này, muốn đảm bảo được nguồn thu, đầu tiên cơ quan báo chí phải nâng cao được chất lượng sản phẩm báo chí, từ đó nâng cao số lượng bạn đọc. Đồng thời, các cơ quan báo chí cũng cần phải “ngồi lại” với nhau để nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc, từ đó có lời giải về vấn đề này.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.