Xã hội

"Đạo luật tác động đến đời sống nhân dân thì cần phải trưng cầu dân ý"

24/05/2022, 12:12

Đây là ý kiến của ĐBQH Lê Thanh Vân trong phiên thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 trong sáng 24/5.

Điều chỉnh thường xuyên cho thấy tính ổn định còn chưa bền vững

Sáng nay (24/5), Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 3 với nội dung thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình.

img

Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau)

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) tán thành với báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho rằng, thành tựu nổi bật nhất trong công tác lập pháp là đã thông qua đề án chương trình xây dựng pháp luật toàn khóa.

Tuy nhiên, đại biểu Vân cũng chỉ ra những hạn chế, như điều chỉnh thường xuyên chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cho thấy tính ổn định còn chưa bền vững.

"Xây dựng chương trình luật, pháp lệnh là gốc dễ của quyền lập pháp, quyền này của Quốc hội. Quốc hội đã thông qua rồi thì hạn chế tối đa sự điều chỉnh", ông Vân nói.

Đại biểu đoàn Cà Mau cho biết, thành phần ban soạn thảo chưa được cải tiến, chủ yếu là các cơ quan đề xuất kiến nghị sửa đổi luật.

"Họ tự sửa cho mình thì đương nhiên khó có thể khách quan được", ông Vân nhận định.

Đại biểu Vân đề nghị, trong thời gian tới phải thay đổi cách nhìn, xu hướng tác động đến hoạt động lập pháp, trước hết là cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 tác động nhiều chiều, khiến cho quan hệ xã hội thay đổi tác động đến quản lý xã hội thay đổi.

Thứ hai là an ninh phi truyền thông, như đại dịch Covid-19 vừa rồi thách thức chúng ta chưa từng có. Lập pháp phải luôn luôn đi song song với cuộc sống.

Cần phải nghiên cứu bổ sung nhiều nội dung luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật mà trước hết phải luật hóa được sáng kiến của Đảng đoàn Quốc hội, đưa chiến lược lập pháp thành quy định mỗi khóa Quốc hội.

"Tại sao chúng ta có chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm mà không có kế hoạch xây dựng pháp luật 5 năm. Từ đó có tầm nhìn xa hơn, thứ tự sắp xếp đạo luật nào trước, đạo luật nào sau, song hành với Nghị quyết Đại hội đảng toàn quốc mỗi nhiệm kỳ", ông Vân nói.

img

Toàn cảnh phiên thảo luận sáng 24/5 của Quốc hội

Quốc hội khoá trước không tán thành, thì đừng đưa vào Quốc hội khoá sau

Ông Lê Thanh Vân cũng cho rằng, thành phần ban soạn thảo phải được mở rộng hơn, chú trọng các nhà nhà khoa học, đặc biệt là đối tượng chịu tác động của pháp luật.

"Quy định của pháp luật tác động lên họ thì phải để cho họ lên tiếng, chứ không để những người nắm giữ công cụ, được quyền sửa đổi công cụ nói, còn đối tượng chịu tác động của công cụ đấy lại không được", ông Vân nêu quan điểm.

Một nội dung được đại biểu Vân nhấn mạnh là phải lấy ý kiến nhân dân rộng rãi.

"Luật trưng cầu dân ý chúng ta có rồi nhưng không sử dụng đến. Đến với đạo luật tác động đến đời sống nhân dân thì cần phải trưng cầu dân ý, chứ không phải lấy ý kiến hình thức nhỏ hẹp", ông Vân nói.

Kỹ thuật lập pháp, lâu nay chúng ta thiên về công thức mà chưa chú trọng đến tính quy phạm trong quy định trọng đạo luật. Trên thực tế nhiều đạo luật mang nặng các quy phạm chính trị. Mà quy phạm chính trị chỉ tồn tại trong các văn bản lãnh đạo, còn các đạo luật là văn bản quản lý nhà nước thì tính quy phạm của nó phải cao hơn.

"Tức là yếu tố cấu thành pháp luật phải rõ ràng hơn, trong khi đó kỹ thuật lập pháp của chúng ta nhiều trường hợp vẫn chép nguyên lại, thậm chí chung luôn cả quy phạm chính trị. Điều này khó cho nhận thức chung của xã hội khi áp dụng thực hiện", đại biểu Vân nói.

Đại biểu đoàn Cà Mau cũng đề nghị tăng cường giám sát về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để kiểm tra lại các quy định Quốc hội đã thông qua, kiểm tra chính việc tổ chức thực hiện của các cơ quan hành pháp, tư pháp.

Về Chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2023, đại biểu Lê Thanh Vân tán thành trong tờ trình. Nhưng đại biểu này đề nghị, nhất định không đưa các dự án luật khóa XIV đã không tán thành.

"Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong hệ thống chính trị nhất nguyên chúng ta không có thể có "2 Quốc hội". Một Quốc hội bác bỏ, một Quốc hội kế sau đó lại khởi động lại cái đấy. Như thế sẽ không bảo đảm tính lãnh đạo thống nhất của đảng, và tính nhận thức xã hội chung", ông Vân nêu quan điểm.

Xin ý kiến cấp thẩm quyền về Luật Trật tự ATGT đường bộ

Trong tờ trình tóm tắt Về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Chính phủ đề nghị bổ sung 5 dự án luật vào Chương trình năm 2022, 1 dự án luật đưa vào Chương trình năm 2023.

Qua xem xét hồ sơ đề nghị xây dựng các dự án luật này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy: 3 dự án Luật Đường bộ, Luật Trật tự ATGT đường bộ và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã được Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2020), nhưng chưa được Quốc hội đồng ý xem xét, thông qua.

Do đó, Chính phủ cần chuẩn bị văn bản báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, hoàn chỉnh các dự án luật này, đồng thời báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền trước khi trình xem xét quyết định đưa vào Chương trình.

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, đề nghị Chính phủ và các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị để trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp.

Về 2 dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) và Luật Phát triển công nghiệp, ý kiến thẩm tra của các cơ quan tuy đều nhất trí với sự cần thiết ban hành, nhưng còn nêu nhiều vấn đề, nhất là về các chính sách lớn của 2 dự án luật cần được tiếp tục nghiên cứu, làm rõ.

Do đó, đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng 2 dự án luật này, sớm trình Ủy ban Thường vụ xem xét, quyết định việc bổ sung vào Chương trình.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.